Dầu khí Venezuela lâm vào thảm cảnh

(PLO) - Sau nhiều thập kỷ giữ vai trò là “cỗ máy in tiền” của Venezuela, công ty dầu khí quốc doanh (PDVSA) đang ngày càng trở nên sa sút: công việc quá tải, các khoản vay không được thanh toán đầy đủ, và nợ nần chồng chất. 
Công nhân làm việc trên giàn khoan Aban Pearl của PDVSA
Công nhân làm việc trên giàn khoan Aban Pearl của PDVSA

Những tai họa mà PDVSA gặp phải, đang trở nên xấu đi bởi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ vừa áp đặt tháng trước nhằm hạn chế quyền của công ty trong việc tiếp cận nguồn tín dụng. Sản lượng dầu tiếp tục giảm và phần lớn hàng hóa xuất khẩu được dùng để chi trả cho các khoản nợ trị giá hàng tỉ USD. 

Lệnh trừng phạt

Việc này đã khiến Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lâm vào tình cảnh khốn đốn. Venezuela vốn phụ thuộc vào 96%  nguồn thu nhập từ xuất khẩu dầu của PDVSA, được dùng để chi trả cho rất nhiều chương trình xã hội. Tamas Varga, nhà phân tích tại thuộc Hiệp hội Dầu mỏ PVM London cho rằng, thu nhập dầu mỏ sụt giảm đồng nghĩa với việc nước này “có khả năng bị vỡ nợ thật sự”. 

Vào tháng 7, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt trực tiếp đối với Giám đốc Tài chính của PDVSA là ông Simon Zerpa, khiến cho mối quan hệ kinh doanh giữa các cá nhân hoặc công ty của Mỹ với ông Zerpa đều bị coi là bất hợp pháp. Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng áp lực bằng các lệnh trừng phạt lớn hơn nhằm ngăn cấm việc mua bán bất kỳ trái phiếu mới nào do PDVSA phát hành cũng như nhằm ngăn chặn công ty con Citgo của họ tại Mỹ chuyển tiền mặt về nước. 

Nhà Trắng cho biết mục đích gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm ngăn “chế độ độc tài Maduro tiếp cận một nguồn tài chính quan trọng để có thể duy trì quyền cai trị không chính đáng của họ”. Những biện pháp này sẽ cắt đứt một cách hiệu quả phương án tái cơ cấu nợ của PDVSA thông qua một đợt phát hành trái phiếu mới. Ông Maduro cho rằng những chế tài trừng phạt này chẳng khác gì một cuộc phong tỏa tài chính và kinh tế, trong bối cảnh Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa hạ cấp Venezuela và cảnh báo rằng việc nước này vỡ nợ hiện đang trở nên dễ xảy ra hơn bao giờ hết. 

Bão tấn công

Venezuela sẽ phải trả khoản nợ 3,8 tỷ USD vào tháng 10 và 11, trong khi nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ còn dưới 10 tỷ USD. Một rắc rối nữa, mà những ảnh hưởng vẫn chưa hoàn toàn rõ nét, xuất phát từ cơn bão Harvey vừa đổ vào Texas (Mỹ). Cơn bão xuất hiện cuối tháng 8 vừa qua đã tàn phá một phần nước Mỹ, nơi sản xuất tới hơn 1/3 công suất lọc dầu của Mỹ - một vài trong số đó là để xử lý dầu thô của Venezuela.

Chủ tịch PDVSA Nelson Martinez hồi tuần trước cho biết một trong các nhà máy lọc dầu của công ty ông, nằm tại thành phố Corpus Christi của Texas, dù không bị tàn phá nhưng lại phải đóng cửa. Những hậu quả của cơn bão khiến các tàu không thể chở được dầu thô, có thể là một “cú đòn đau” giáng vào hệ thống xuất khẩu dầu yếu ớt của Venezuela. 

Antoine Halff, Giám đốc mảng thị trường dầu thế giới tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia nói với tờ Thời báo Toàn cầu rằng: “Cơn bão có thể gây ra những tổn hại tài chính cho Venezuela mà chưa cần đến việc Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt, bởi nhu cầu sử dụng dầu thô từ Venezuela của Mỹ sẽ giảm sút, ít nhất là cho đến khi các nhà máy lọc dầu còn bị ảnh hưởng. Điều này sẽ buộc Caracas phải tìm những giải pháp khác, có thể phải đồng ý giảm đáng kể giá dầu”. Ông Halff nói thêm rằng điều đó sẽ khiến chế độ của Maduro phải vật lộn thêm nữa để có thể trả được nợ”. 

Venezuela nằm trên một trong những mỏ dự trữ dầu lớn nhất thế giới. Hiện tại, Venezuela chiếm khoảng 8% trữ lượng dầu nhập khẩu của Mỹ khiến quốc gia này trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ ba tại Mỹ, chỉ sau Canada và Saudi Arabia. Trong đó, 1/3 trong tổng sản lượng 1,9 triệu thùng mỗi ngày của PDVSA được xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, dầu của Venezuela - với nồng độ cặn lưu huỳnh cao - có chất lượng kém hơn hẳn so với loại dầu nhẹ của Saudi Arabia, và giá thành để chiết xuất và tinh chế đắt hơn nhiều. James Wiliams, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn năng lượng WTRG có trụ sở ở Mỹ, cho biết: “Phần lớn lượng dầu của Venezuela cần phải pha loãng với dầu nhẹ để dễ chuyên chở. Nếu muốn cân bằng ngân sách từ việc bán dầu, Venezuela sẽ cần mức giá trên 125 USD cho mỗi thùng”. 

Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh giá dầu rớt thê thảm từ 3 năm trước và chưa có dấu hiệu phục hồi. Hiện dầu chỉ bán được bằng nửa giá so với giữa năm 2014. Theo báo cáo mới nhất từ PDVSA, giá trung bình mỗi thùng dầu thô của Venezuela trong năm 2016 là 35,15 USD.

Công ty này năm ngoái chỉ kiếm được 48 tỉ USD từ việc sản xuất ra 2,27 triệu thùng mỗi ngày - thấp hơn nhiều so với khoản tiền 72 tỉ USD thu được nhờ việc khai thác 2,65 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2015.  Những nỗ lực gần đây nhằm đẩy giá dầu lên thông qua hạn ngạch khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mà Venezuela là một thành viên, cũng chẳng giúp được gì cho Caracas...