Dịch COVID-19 sáng 28/3: Venezuela đề xuất dùng dầu để đổi lấy vaccine, Đức kêu gọi phong tỏa cứng trong 2 tuần

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 10h ngày 28/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 127.764.765 ca nhiễmvirus SARS-CoV-2, trong đó có 2.796.087 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 102.950.076 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Venezuela đề xuất dùng dầu để đổi lấy vaccine

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo kế hoạch của chính phủ về đổi dầu thô lấy vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chìm sâu trong khủng hoảng do các biện pháp trừng phạt và bao vây cấm vận của Mỹ.

Phát biểu với báo giới, ông Maduro cho biết Venezuela có đầy đủ điều kiện cần thiết, bao gồm cả tàu chở dầu cũng như khách hàng, và sẵn sàng dành một phần sản lượng dầu để bảo đảm toàn bộ số vaccine cần thiết phục vụ cho chương trình tiêm chủng đại trà cho người dân.

Trước đây, nhà lãnh đạo Venezuela cũng đã từng đề nghị Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) tác động để có thể sử dụng nguồn ngoại tệ của nước này đang bị phong tỏa ở nước ngoài để thanh toán số vaccine được phân phối thông qua cơ chế COVAX, vào khoảng 1,4 đến 2,4 triệu liều. Nếu lệnh phong tỏa không được dỡ bỏ, Venezuela sẽ có một lựa chọn khác là đổi dầu lấy vaccine.

Mặc dù vậy, số vaccine mua qua COVAX cũng chỉ tương đương với 20% số vaccine mà Venezuela cần để sử dụng. Hơn nữa, loại vaccine được phân phối qua cơ chế COVAX của hãng dược phẩm AstraZeneca hiện vẫn chưa được cấp phép sử dụng tại Venezuela.

Cho đến nay, Venezuela mới chỉ cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga và vaccine do công ty Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất. Tháng 2 vừa qua, Venezuela đã bắt đầu tiêm phòng cho các nhân viên y tế.     

Đức kêu gọi phong tỏa cứng trong 2 tuần

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 27/3 kêu gọi tiến hành "phong tỏa cứng" từ 10 đến 14 ngày nhằm kiểm soát sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở nước này.

Phát biểu trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân, Bộ trưởng Spahn cho rằng Đức thực sự cần ít nhất từ 10 đến 14 ngày ngừng mọi tiếp xúc và đi lại để có thể kiểm soát được tình trạng bùng phát đang tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh hiện nay. Theo ông, Đức cần áp đặt phong tỏa qua kỳ nghỉ Phục sinh vào tuần tới, tương tự như đã thực hiện hồi năm ngoái khi người dân Đức được yêu cầu ở nhà và tránh mọi tiếp xúc. Ông nhấn mạnh nếu xu hướng gia tăng không kiểm soát, hệ thống y tế Đức sẽ đạt tới hạn trong tháng 4 tới.

Trước đó, Hiệp hội chăm sóc tích cực của Đức (DIVI) cũng đã kêu gọi thực hiện phong tỏa cứng trong 2 tuần, coi đây là cách thức duy nhất để tránh sự quá tải ở các bệnh viện.

Viện Robert Koch (RKI) ngày 27/3 thông báo chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân ở Đức đã lên tới 124,9 - mức cao nhất từ giữa tháng 1/2021. Hiện tỷ lệ số ca mắc biến thể phát hiện ở Anh trong số các ca nhiễm mới ở Đức chiến trên 71%.

Các nhà dịch tễ học thậm chí cảnh báo về sự xuất hiện những biến thể mới, kể cả ở Đức. Theo chuyên gia Timo Ulrichs, khi bước vào giai đoạn tiêm chủng với số ca nhiễm cao, virus sẽ bị sức ép bởi vaccine và có nguy cơ biến thể "trốn thoát" sự tầm nã của chủng ngừa. Ông cho rằng để giữ nguy cơ các biến thể "đào tẩu" như vậy ở mức thấp thì cần phải giảm số ca nhiễm mới bằng các biện pháp phong tỏa cứng. 

Pháp tăng bệnh nhân Covid-19 phải chăm sóc tích cực

Các dữ liệu mới nhất từ Bộ Y tế Pháp cho thấy, số lượng bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại các khoa chăm sóc tích cực tăng cao trong năm nay, lên 4.872 người. Con số gần mức đỉnh điểm hồi tháng 11/2020 khi nước này đang trải qua làn sóng lây nhiễm virus thứ hai, nhưng vẫn còn kém xa mức gần 7.000 người hồi tháng 4 năm ngoái.

Theo Reuters, số ca nhiễm mới ở Pháp đã giảm khoảng 5.600 trường hợp, xuống còn 37.014 người trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên tới hơn 4,5 triệu người, bao gồm cả 94.596 bệnh nhân không qua khỏi.

Một nhóm 41 bác sĩ tại các bệnh viện ở Paris đã cùng đứng tên trong một bài báo đăng tải trên tờ Le Journal du Dimanche khuyến cáo, họ có thể sớm phải bắt đầu lựa chọn các bệnh nhân được điều trị khẩn cấp.

Tổng thống Emmanuel Macron tuần trước đã bảo vệ quyết định không áp phong tỏa toàn diện lần 3 và cho các trường học mở cửa. Song, ông thừa nhận có thể cần phải áp các biện pháp hạn chế hơn nữa nhằm phòng chống dịch.

Chính phủ Pháp cũng đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch chủng ngừa đang bị chậm trễ do hãng dược AstraZeneca không thể giao vaccine ngừa COVID-19 đúng hạn. Bộ Y tế Pháp thống kê, tính đến ngày 28/3, gần 7,8 triệu người ở nước này đã được tiêm liều vaccine đầu tiên.