Dịch COVID-19 sáng 8/5: Pháp bổ sung danh sách các nước bắt buộc cách ly khi nhập cảnh, WHO phê duyệt khẩn cấp vaccine COVID-19 Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00h ngày 8/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 157.367.427 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 3.279.070 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 134.661.438 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Pháp bổ sung danh sách các nước bắt buộc cách ly khi nhập cảnh

Nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, Pháp đã bổ sung 7 quốc gia vào danh sách mà công dân hay hành khách từ các nước này nhập cảnh Pháp sẽ phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 10 ngày.

Ngày 7/5, hãng tin AFP của Pháp dẫn một nguồn tin Chính phủ Pháp cho biết các quốc gia có tên trong danh sách trên gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar. Biện pháp cách ly bắt buộc đối với hành khách đến từ những nước này sẽ có hiệu lực từ 0h00 ngày 8/5.

Tháng trước, Pháp đã đưa Ấn Độ, quốc gia Nam Á ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tăng đáng báo động trong những ngày qua, vào danh sách này, chỉ vài ngày sau khi Paris ban hành lệnh cấm tất cả chuyến bay từ Brazil để ngăn chặn một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan.

Các hành khách đến từ Argentina, Chile và Nam Phi cũng phải tuân thủ yêu cầu cách ly, kiểm dịch. Công dân các quốc gia trong "danh sách đỏ" khi nhập cảnh Pháp phải trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 36 giờ trước khi tới Pháp. Họ cũng sẽ phải cung cấp bằng chứng chứng minh họ có nơi tạm trú để thực hiện cách ly và được phép rời khỏi nơi này hai giờ đồng hồ mỗi ngày.

Nước Pháp đang thực hiện đợt phong tỏa thứ 3 nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng nước này đã thắt chặt các hạn chế về đường hàng không cũng như áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, đóng các cửa hàng không thiết yếu và hạn chế đi lại.

WHO phê duyệt khẩn cấp vaccine COVID-19 Trung Quốc

Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt vaccine COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.

"WHO đưa vaccine COVID-19 của Sinopharm sản xuất tại Bắc Kinh vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine thứ 6 được WHO chứng nhận về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng", Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu nói trong cuộc họp báo ngày 7/5.

"Nhóm Cố vấn Chiến lược gồm các chuyên gia tiêm chủng (SAGE) đã xem xét dữ liệu và khuyến nghị sử dụng vaccine hai mũi tiêm này cho người từ 18 tuổi trở lên", ông Tedros nói.

Danh sách vaccine COVID-19 sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến nay bao gồm sản phẩm của Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson&Johnson, AstraZeneca và Sinopharm. Trong đó, vaccine của AstraZeneca được phê duyệt là loại sản xuất tại Ấn Độ và Hàn Quốc.

Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO mở đường cho các quốc gia trên thế giới nhanh chóng phê duyệt và nhập khẩu vaccine để tiêm cho dân chúng, đặc biệt là những nước không có cơ quan quản lý tiêu chuẩn quốc tế của riêng họ.

Danh sách mở ra cánh cửa cho vaccine COVID-19 tham gia Chương trình Tiếp cận vaccine Toàn cầu (COVAX), nhằm cung cấp khả năng tiếp cận công bằng với sản phẩm này trên toàn thế giới, đặc biệt ở các quốc gia thuộc diện nghèo.

Vaccine COVID-19 của Sinopharm được sử dụng tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng sau AstraZeneca (166), Pfizer-BioNTech (94) và Moderna (46). Ngoài Trung Quốc, sản phẩm của Sinopharm được sử dụng tại các quốc gia gồm Algeria, Cameroon, Ai Cập, Hungary, Iraq, Iran, Pakistan, Peru, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Serbia và Seychelles.

Philippines s biện pháp siết chặt kiểm soát các hành khách nhập cảnh

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, Philippines ngày 7/5 thông báo biện pháp siết chặt kiểm soát các hành khách nhập cảnh.

Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines nêu rõ thời gian thực hiện cách ly đối với hành khách nhập cảnh nước này sẽ tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, trong bối cảnh Philippines nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Theo người phát ngôn trên, Philippines sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát mới kể cả với những hành khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, hành khách sau khi nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly 10 ngày tại các cơ sở cách ly do chính phủ quản lý và sau đó cách ly 4 ngày tại nhà. Họ sẽ được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 nhưng vẫn phải hoàn thành thời gian cách ly tại các cơ sở nói trên kể cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Philippines siết chặt kiểm soát biên giới sau khi 5 hành khách từng đến Ấn Độ nhập cảnh quốc gia Đông Nam Á này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 6/5, Philippines đã cho phép một tàu container từng đến Ấn Độ cập cảng để hỗ trợ 12 trong số 21 thủy thủ người Philippines trên tàu dương tính với SARS-CoV-2. Theo Bộ Giao thông, 2 trong số 12 ca này mắc bệnh nặng và được đưa đến cơ sở y tế để điều trị trong khi những người còn lại đang được chăm sóc trên tàu.