Dịch Covid-19 sáng ngày 19/1: Hơn 40 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phân phối trên toàn thế giới

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00h ngày 19/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 95.578.775 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 2.041.708 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 68.286.246 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Indonesia và Thái Lan tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19

Ngày 18/1, Indonesia ghi nhận thêm 9.086 ca mắc bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 917.015 ca.

Thông báo của Bộ Y tế Indonesia (DOH) cho biết tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này cũng lên 26.282 ca, tăng 295 ca so với một ngày trước đó. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 xuất viện tăng thêm 9.475 người, lên thành 745.935 người. Hiện toàn bộ 34 tỉnh trên cả nước đều có ca nhiễm. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận 2.361 ca mắc mới, tỉnh Trung Java ghi nhận 1.559 ca, Tây Java ghi nhận 1.485 ca, Đông Java ghi nhận 848 ca và Nam Sulawesi ghi nhận 661 ca. 

Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận 369 ca mắc mới, phần lớn là qua chương trình xét nghiệm tại tỉnh Samut Sakhon. Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), trong số các ca mắc mới, có 357 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 12 ca nhập cảnh. Riêng tỉnh Samut Sakhon ghi nhận 269 ca mới, hầu hết là người nhập cư.

Tính đến ngày 18/1, Thái Lan ghi nhận 12.423 ca bệnh, trong đó có 10.134 ca lây nhiễm trong nước. Hơn 9.200 bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện trong khi vẫn còn 3.147 ca đang được điều trị trong bệnh viện. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Thái Lan hiện nay là 70 ca.

Hơn 40 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được phân phối trên toàn thế giới

Theo số liệu thống kê mới nhất do hãng tin AFP công bố ngày 18/1, đã có hơn 40 triệu liều vắc-xin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được phân phối trên toàn thế giới và ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy có tới 9/10 số vắc-xin trên được triển khai tại 11 quốc, trong đó Israel là quốc gia dẫn đầu cuộc chạy đua tiêm chủng vắc-xin hàng loạt tính theo tỷ lệ dân số. Theo đó, đến nay quốc gia Trung Đông này đã tiêm 2,43 triệu liều vắc-xin cho 2,12 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số và khoảng 3,6% dân số Israel đã được tiêm liều thứ hai.

Tại châu Âu, Anh là quốc gia có tốc độ triển khai tiêm đại trà nhanh nhất. Cho đến nay, "xứ sở sương mù" đã tiêm 4,31 triệu liều cho 3,86 triệu người dân (chiếm 5,7% dân số). Đứng sau Anh tại châu Âu là Italy, với 1,5 triệu liều và Đức là 1,05 triệu liều. Tính theo tỷ lệ tiêm chủng trên cả thế giới, Anh đã vượt qua Mỹ - nước đứng đầu về số lượng vắc-xin với 12,28 triệu liều tiêm cho khoảng 10,6 triệu người dân (chiếm 3,2% dân số) và Trung Quốc, với hơn 10 triệu liều. 

Cho đến nay các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm tổng cộng hơn 5 triệu liều trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng vắc-xin ngừa Covid-19. Trong đó, Đan Mạch đứng đầu EU với 2,9% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên.

Tính tổng cộng, đã có 7 loại vaccie đang được lưu hành trên khắp thế giới và tất cả các loại đều có phác đồ tiêm 2 mũi. Vắc-xin Pfizer/BioNTech (do Mỹ và Đức phối hợp chế tạo) và Moderna (Mỹ) là những loại chiếm ưu thế ở Bắc Mỹ, châu Âu, Israel và Vùng Vịnh. Vaccine AstraZeneca/ Oxford của Anh được sử dụng nhiều ở Vương quốc Anh và Ấn Độ. Riêng Ấn Độ cũng sử dụng vắc-xin do công ty dược phẩm Bharat Biotech của chính nước này sản xuất.

WHO lên án "chủ nghĩa dân tộc" trong phân phối vắc-xin Covid-19

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay 18/1 lên án "chủ nghĩa dân tộc" trong việc phân phối vắc-xin Covid-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia lớn công bằng trong việc chia sẻ vắc-xin tới các nước nghèo.

Phát biểu trước báo giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, mục tiêu phân phối vắc-xin Covid-19 1 cách công bằng đang bị đe dọa khi 44 thỏa thuận mua bán vắc-xin song phương đã được ký kết vào năm ngoái và ít nhất 12 thỏa thuận đã được ký kết trong năm nay. Ông cũng trích dẫn con số cụ thể về sự bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin Covid-19 toàn cầu với 49 quốc gia có thu nhập cao, trung bình được tiêm hơn 39 triệu liều vắc-xin, trong khi đó, con số này ở 1 số quốc gia nghèo là 25.

Cuộc tranh giành vắc-xin Covid-19 toàn cầu đang ngày 1 gia tăng khi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện ở nhiều quốc gia, khiến số ca nhiễm trên thế giới tăng vọt. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, "cuộc chiến" vắc-xin gây rủi ro lớn cho những người nghèo và dễ bị tổn thương trên thế giới. Điều này cũng làm trì hoãn khả năng phân phối vắc-xin của COVAX và gián tiếp khiến đại dịch kéo dài.