Dịch Covid-19 sáng ngày 29/1: WHO cảnh báo còn quá sớm để nới lỏng phong tỏa tại châu Âu

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00h ngày 29/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 101.647.819 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 2.190.145 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 73.494.420 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Covid-19 "thổi bay" 1.300 tỷ USD của ngành du lịch thế giới

Ngày 28/1, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố đại dịch Covid-19 năm 2020 đã "thổi bay" 1.300 tỷ USD doanh thu, cao hơn 11 lần so với khoản thiệt hại mà ngành du lịch từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Theo đó, UNWTO gọi năm 2020 là năm tệ hại nhất trong lịch sử ngành du lịch. Tổ chức có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) này cho biết số lượt khách du lịch quốc tế năm ngoái giảm 1 tỷ, tức 74%, đồng thời cảnh báo đại dịch đe dọa khoảng 100 – 120 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch.

Theo UNWTO, việc triển khai vaccine phòng Covid-19 hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch dần phục hồi trong năm 2021, tuy nhiên nhiều nước đang tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn như cách ly, xét nghiệm bắt buộc và đóng cửa biên giới do “diễn biến tự nhiên của đại dịch”.

Số lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2019 tăng 4% so với năm trước đó lên 1,5 tỷ lượt. Trong đó, Pháp là nước thu hút số lượng du khách nhiều nhất thế giới, tiếp đó đến Tây Ban Nha và Mỹ.

Lần gần đây, số lượt khách quốc tế giảm là vào năm 2009 với mức giảm 4% so với năm trước đó, do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo UNWTO, đa số các chuyên gia dự báo hoạt động du lịch sẽ trở lại các mức trước đại dịch từ năm 2023.

Hồi tháng 12/2020, UNWTO từng ướng tính lượng khách quốc tế sẽ giảm 70% đến 75% trong cả năm 2020. Trong trường hợp này, du lịch toàn cầu sẽ trở lại mức của 30 năm trước, với 1 tỷ lượt khách. Sự sụt giảm lớn về du lịch do đại dịch có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế 2 nghìn tỷ USD trong GDP thế giới.

Nhiều nước châu Phi bắt đầu tiêm vaccine Covid-19

Giám đốc Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Liên minh châu Phi (AU), ông John Nkengasong cho biết một số quốc gia châu Phi đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến ngày 28/1, ông Nkengasong cho biết các nước Maroc, Ai Cập, quần đảo Seychelles và Guinea đã bắt đầu tiêm vaccine của Trung Quốc. Bên cạnh 270 triệu liều vaccine đã được đảm bảo trước đó, AU đã ký thỏa thuận với Viện Serum của Ấn Độ cung cấp 400 triệu liều vaccine do hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford bào chế.

Ông Nkengasong cảnh báo Covid-19 sẽ "tiếp tục lan rộng trong năm nay và năm tới". Cơ quan trên hy vọng sẽ tiêm vaccine cho khoảng 30-35% người dân châu Phi trong năm nay. Ông cũng cho biết đang liên hệ với Trung Quốc, Nga và Cuba để có thêm vaccine và sẽ phối hợp với bất cứ đối tác nào có thể sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả.

Dù dịch không tác động mạnh đến châu Phi như các khu vực khác, nhưng giới chuyên gia lo ngại sự chênh lệch giàu nghèo, những khó khăn về logistic và "chủ nghĩa dân tộc vaccine" mà các nước phát triển đang theo đuổi có thể khiến châu lục nghèo nhất thế giới này bị thiệt thòi. Với tổng số dân là 1,3 tỷ người, châu Phi đã ghi nhận 3,5 triệu ca nhiễm và 88.000 ca tử vong. Số ca tử vong ở cả châu lục này ít hơn nhiều so với tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh.

Cùng ngày, Ấn Độ đã gửi một nửa triệu liều vaccine miễn phí cho Sri Lanka. Ấn Độ là một trong những nước sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới và vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford đang được sản xuất tại Viện Serum - một công ty tư nhân ở thành phố Pune, miền Tây của Ấn Độ. Vaccine này có tên thương mại là COVISHIELD.

WHO cảnh báo còn quá sớm để nới lỏng phong tỏa tại châu Âu

Ngày 28/1, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge nhận định tốc độ lây lan của Covid-19 tại châu Âu vẫn ở mức cao, gây áp lực cho dịch vụ y tế, do đó vẫn còn quá sớm nới lỏng lệnh phong tỏa tại khu vực này.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến, ông Kluge nhận định châu Âu cần kiên nhẫn bởi công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19 cần có thời gian. Ông nhấn mạnh các nước đã nhận thức được rằng việc đóng và mở cửa lại kinh tế quá nhanh là một chiến lược kém hiệu quả trong việc ngăn dịch lây lan.

Tỷ lệ lây nhiễm tại châu Âu vẫn đang rất cao, ảnh hưởng đến hệ thống y tế và khiến các dịch vụ quá tải, do đó theo ông Kluge hiện còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa. Ông nhận định việc giảm tỷ lệ lây nhiễm đòi hỏi các nỗ lực kiên trì, đồng thời cảnh báo rằng mới chỉ có hơn 3% dân số trong khu vực được xác nhận mắc Covid-19 và những khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng có thể bị bùng dịch lần nữa.

Tổng cộng có 35 nước tại châu Âu đã triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 với 25 triệu người đã được tiêm phòng. Các vaccine này đều cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả như kỳ vọng. Điều này sẽ giúp giảm tải cho các hệ thống y tế và cứu thêm nhiều mạng người.

Tuy nhiên, Giám đốc Kluge cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm cao, cùng sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 sẽ khiến việc tiêm phòng cho nhóm ưu tiên trở nên cấp thiết, trong khi tốc độ sản xuất và phân phối lại chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông, vấn đề nan giải này chính là lời nhắc nhở các nước cần tuân thủ các biện pháp hạn chế trong bối cảnh có mối đe dọa mới.