Donald Trump trở thành tỷ phú như thế nào? - Bậc thầy về 'đánh bóng' tên tuổi

(PLO) -Donald Trump là một doanh nhân rất biết cách gây dựng thương hiệu. Ông ta bỏ tiền ra mua các cuộc thi sắc đẹp, đội bóng đá, chương trình truyền hình và hãng thời trang. Trong mọi khoản đầu tư, Trump đều lồng tên tuổi của mình vào. Ít người tin rằng, Donald Trump đã gây dựng được số tài sản khổng lồ chỉ bằng cách làm cho mình trở nên nổi tiếng.
Donald Trump (ngoài cùng bên trái) khi còn là người dẫn chương trình WrestleMania (ảnh của WWE)
Donald Trump (ngoài cùng bên trái) khi còn là người dẫn chương trình WrestleMania (ảnh của WWE)

Từ một MC truyền hình

Cuối thập niên 80, Trump bước chân vào lĩnh vực giải trí truyền hình trong vai trò người dẫn chương trình WrestleMania của kênh WW Etrong hai mùa liên tiếp. WrestleMania là một chương trình đấu vật phát trên truyền hình có trả phí và là sự kiện lớn nhất của bộ môn này tại Mỹ được tổ chức từ năm 1985.

Trump trở thành gương mặt quen thuộc trong các chương trình của WWE và được vinh danh trên “Đại lộ danh vọng”. Đây là một công ty giải trí chuyên khai thác các giải đấu vật được sáng lập bởi cặp vợ chồng tỷ phú Linda McMahon và Vince McMahon, những người có quan hệ rất thân thiết với Donald Trump và đã ủng hộ ông rất nhiệt tình trong chiến dịch tranh cử tổng thống sau này. 

Thế nhưng trong sự kiện WrestleMania 23 được tổ chức năm 2007, Trump thậm chí đã từng “tỉ thí” với Vince McMahon. Khi đó, Trump thách thức Vince cử người ra thi đấu vật, ai thua sẽ bị cạo đầu. Giành chiến thắng, Trump xông tới vật ngã Vince, đấm liên tiếp vào mặt ông này rồi tự tay cạo đầu đối thủ đang bị bắt trói. 

Trận đấu này sau đó được giới truyền thông gọi là “trận đấu của các tỷ phú”.Sau trận đấu, mối quan hệ giữa hai người trở nên vô cùng thân thiết. Sau khi đắc cử tổng thống, Trump đã chọn Linda McMahon vào chính quyền của mình để điều hành Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA). 

Các phiên bản của The Apprentice đã giúp Donald Trump kiếm lời lớn (ảnh của NBC)
Các phiên bản của The Apprentice đã giúp Donald Trump kiếm lời lớn (ảnh của NBC)

Đến “ông bầu” của làng giải trí

Sau WrestleMania, Trump đứng ra sản xuất và làm người dẫn chương trình truyền hình thực tế của riêng mình có tên “The Apprentice”(Nhân viên tập sự) lên sóng tháng 1/2004. Ngay lập tức danh tiếng của ông nổi như cồn. 

Sau khi ra đời, “The Apprentice”  trở thành chương trình truyền hình thực tế thành công nhất của Đài NBC, được đánh giá là một chương trình của trí tuệ, sức mạnh và sự nhạy bén trong kinh doanh. 

Tỷ lệ thất bại của các show truyền hình có đề tài về kinh doanh thường khá cao, vì thế khi “The Apprentice” của Trump ra đời, ít ai nghĩ về sự thành công của nó. Vậy mà chỉ mới phát sóng phần 1, số lượng khán giả theo dõi chương trình này đạt đến 28,5 triệu người, tập trung chủ yếu vào đối tượng là những người đam mê kinh doanh trong độ tuổi 18-49.

Trong mỗi chương trình sẽcó 18 ứng viên là những nhân vật xuất sắc được chia làm hai đội tranh tài với nhau. Người thắng cuộc với giải thưởng trong mơ là bản hợp đồng một năm làm việc tại những công ty hàng đầu trong tập đoàn của Trump với mức lương bắt đầu từ sáu con số (khoảng 250.000 đô-la). 

Chính vì thế câu nói “You are fired!” (Bạn đã bị sa thải) của Trump trong mỗi chương trình trở nên nổi tiếng, là nỗi ám ảnh của các thí sinh và gây ấn tượng mạnh cho khán giả.

Sau sáu mùa phát sóng, một phiên bản mới của “The Apprentice” là “The Celebrity Apprentice” (Ngôi sao tập sự) đã được ra mắt. Phiên bản cũng có nội dung tương tự như chương trình gốc, chỉ khác ở chỗ các ứng viên là người nổi tiếng tranh tài để giành tiền cho quỹ từ thiện đã chọn, thay vì giành lấy cơ hội nghề nghiệp. 

Theo một thông cáo báo chí về chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump, cả hai phiên bản“The Apprentice” và“The Celebrity Apprentice” đã giúp Trump thu về 214 triệu đô-la.

Trang bìa cuốn sách “The Art of the Deal” (Nghệ thuật đàm phán) của Donald Trump
Trang bìa cuốn sách “The Art of the Deal” (Nghệ thuật đàm phán) của Donald Trump

Trump- Thương hiệu “đắt khách” 

Muốn bán được sản phẩm dễ dàng,chỉ cần gắn thêm chữ“Trump”. “Đó không chỉ là vấn đề cái tôi, mà còn vì cái tên của tôi khiến cho mọi thứ trở nên thành công hơn”, Trump trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal.

Trump nổi tiếng là ông trùm bất động sản. Đế chế địa ốc của ông rất đồ sộ với các dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng, sòng bạc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều bất động sản mang tên Trump không thực sự do ông sở hữu. Trump Organization nổi tiếng với hoạt động nhượng quyền. Theo đó, các hãng bất động sản sẽ trả phí để được dùng thương hiệu và logo Trump cho tòa nhà của mình.

Các tài sản mà Trump Organization sở hữu rải rác khắp các bang Virginia, Illinois, Florida, New Jersey, Nevada, California, New York, Connecticut và Hawaii. Trong đó, New York chiếm phần lớn, với những công trình cao tầng và đắt đỏ bậc nhất. Ngoài ra, công ty còn có nhiều bất động sản tại Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Panama, Brazil, Uruguay, thậm chí cả Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trump không thực hiện dự án, thay vào đó, ông bán cho các nhà phát triển dự án quyền sử dụng tên của ông với giá từ 5-10 triệu đô-la. Thêm vào đó, ông cũng được một phần doanh số bán căn hộ trong tương lai hoặc hợp đồng quản lý khách sạn khi nhượng quyền thương hiệu cho dự án khách sạn.

Ông cho biết trong bối cảnh thị trường bất động sản thế giới biến động, ông thà bán thương hiệu còn hơn là xây dựng nhà cửa, khách sạn. “Thương hiệu của tôi quá nóng. Tôi đã kiếm được hàng triệu đô-la từ nó và có thể tránh được thời kỳ tồi tệ của thị trường bất động sản”, Donald Trump lý giải.

Sức hấp dẫn của Trump là lý do hầu như ai cũng muốn có tên của ông trong sản phẩm của mình. Theo một số ước tính, khi được gắn tên Trump, sức hút của sản phẩm đó sẽ tăng thêm 20-25%, nghĩa là cơ hội thành công cũng cao hơn.

Khai thác triệt để sự hấp dẫn này, Trump đã tích cực trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu và tên của ông không chỉ xuất hiện ở các dự án bất động sản mà còn trên nhiều loại sản phẩm khác, từ các thanh sô-cô-la, nước đóng chai, thảm… đến khuy măng-sét, nước hoa cho nam giới, đồ nội thất… 

Chỉ riêng năm 2014, ông đã kiếm về 3,25 triệu đô-la từ các sản phẩm tiêu dùng và hàng trăm nghìn đô-la cho mỗi lần phát biểu và tham gia các hội thảo. Trump cho biết các thương vụ nhượng quyền của mình có giá hơn 3,3 tỷ đô-la. Trong khi đó, tạp chí uy tín Forbes đưa ra con số thấp hơn nhưng cũng phải tới 253 triệu đô-la.

Marketing Arm - một công ty theo dõi sức hút của người nổi tiếng bằng cách dựa vào các cuộc khảo sát ý kiến người tiêu dùng trực tuyến - cho biết vào năm 2008, Trump đứng thứ 154 trong số 3.000 người nổi tiếng được xếp hạng theo mức độ hiệu quả của thương hiệu đối với sản phẩm. Thứ hạng của Trump cho thấy ông có sức hút ngang ngửa các diễn viên gạo cội nổi tiếng của Hollywood. 

Dù nổi tiếng nhờ bất động sản và các chương trình truyền hình, tên tuổi của ông đã lên một tầm cao mới khi ra mắt cuốn sách đầu tiên năm 1987 - “The Art of the Deal” (Nghệ thuật đàm phán). Đây là cuốn sách bán chạy nhất 51 tuần liên tiếp và bán được hơn 1 triệu bản cho đến nay.Trong các tài liệu tranh cử, Trump cho biết tiền bản quyền cuốn sách này năm 2015 là 50.000 - 100.000 đô-la.

Ngoài ra, ông còn viết cuốn sách “Crippled America: How to Make America Great Again” (Nước Mỹ tật nguyền: Làm thế nào để chấn hưng nước Mỹ). Sách được phát hành ngày 3/11/2015 cùng với buổi ký tặng độc giả tại Trump Tower. Tất cả doanh thu từ cuốn sách đều được đem làm từ thiện.

(còn nữa)

Dù đế chế của Trump trải dài trên nhiều lĩnh vực, nhưng bất động sản và các thương vụ mua bán vẫn là 2 lĩnh vực chủ chốt. Trump Organization sở hữu hàng trăm căn hộ và văn phòng với nguồn thu ổn định. 

Dựa vào những khoản vay lớn, Donald Trump đã xây nhiều khách sạn, chung cư và casino xa xỉ, được coi là biểu tượng của sự xa hoa thập niên 90.Các công ty của Trump đã 4 lần đối mặt với phá sản,lần gần đây nhất là năm 2009. Dù vậy, các sản phẩm mang thương hiệu của Trump vẫn rất nổi tiếng và giúp ông giữ vị trí trong top 400 người giàu nhất nước Mỹ hàng chục năm nay.