Dòng kênh chết ở nước Mỹ vì hứng chịu hàng chục nghìn chất thải hóa học

(PLO) -Trong suốt nhiều năm liền, hàng chục nghìn chất thải hóa học được đổ xuống một con kênh ở New York, Mỹ. Người dân sau đó cũng ung dung đến đây sinh sống, học tập mà không hề biết họ đang tự “chuốc vạ vào thân”…
 
Ô nhiễm do chôn hóa chất độc hại trực tiếp xuống đất. Ảnh Internet
Ô nhiễm do chôn hóa chất độc hại trực tiếp xuống đất. Ảnh Internet

Mộng lớn không thành

Vào đầu những năm 1890, một người đàn ông Mỹ tên William T. Love tới khu vực thác Niagara ở New York với một kế hoạch đầy tham vọng. Cụ thể, ông ta muốn xây dựng ở đây một khu đô thị rộng lớn và hoàn chỉnh, có thể xem là “thành phố kiểu mẫu” để các thành phố khác học theo.

Một khi được xây dựng xong, trong mường tượng của Love, đây sẽ là nơi có khu công nghiệp lớn với nhiều nhà máy hoạt động tấp nập và hàng triệu người dân sinh sống. Ông Love cũng lập kế hoạch dành hàng ngàn ha để xây dựng công viên tốn kém và đẹp nhất trên thế giới nhằm tạo không gian xanh cho thành phố.

Với lượng dân cư và các nhà máy như vậy, nhu cầu dùng điện sẽ là rất lớn. Nhận thức được vấn đề đó, Love dự tính cho người đào một kênh đào mới dài khoảng 11km, nối thượng và hạ nguồn sông Niagara. Trên con kênh này, ông ta dự định sẽ xây dựng các đập thủy điện nhằm tạo nguồn điện giá rẻ phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân tại thành phố trong mơ của ông.

Kế hoạch của ông Love thoạt nghe vô cùng hoàn hảo và trên thực tế nó cũng đã thuyết phục được nhiều người ủng hộ, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Các công nhân sau đó đã bắt đầu thực hiện việc đào kênh dẫn nước, các tuyến phố và những ngôi nhà đầu tiên.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi bắt tay vào thực hiện, khi những công trình đầu tiên bắt đầu thành hình, kế hoạch của ông Love đã đổ bể nhanh chóng, khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Diễn biến bất ngờ này là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trước hết, những biến động của nền kinh tế khi đó đã khiến các nhà đầu tư lo sợ khi bỏ ra một số tiền tương đối lớn cho một kế hoạch quá nhiều tham vọng.

Thứ 2, vào thời điểm đó, Nikola Tesla đã phát hiện ra cách thức để truyền tải điện năng trên những khoảng cách lớn bằng cách sử dụng dòng điện xoay chiều, khiến cho kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên con kênh mà ông Love đang cho xây dựng trở nên không cần thiết.

Cùng thời điểm này, giới chức địa phương ra quy định cấm dịch chuyển dòng nước, cấm lấy nước từ sông Niagara nhằm bảo tồn thác Niagara. Do đó, việc xây dựng kênh đào làm đập thủy điện sẽ không thể thực hiện được.

Tất cả những yếu tố trên khiến hoạt động xây dựng thành phố kiểu mẫu của Love bị đình trệ lại. Đến năm 1910, giấc mơ của ông ta đã sụp đổ hoàn toàn. Tất cả những gì còn sót lại ở khu vực đó chỉ còn là một phần của con kênh đã được xây dựng. Với việc dự án bị bỏ hoang, con kênh dần được nước mưa lấp đầy. Mùa hè, đây là nơi trẻ con địa phương tụ tập học bơi còn đến mùa đông lại thành bãi tập trượt tuyết của chúng.

Quyết định tồi tệ

Con kênh nói trên về sau được đặt là Kênh Love theo tên của ông Love, người đã kiến tạo cho nó. Con kênh bị bỏ không suốt một thời gian dài cho đến khi nó được bán cho Niagara Falls – thành phố công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở gần đó mua lại với mục đích để chôn các chất thải hóa học.

Về sau, Công ty hóa chất và nhựa Hooker (hiện là công ty trực thuộc của Công ty hóa dầu Occidental) đã mua lại khu đất từ Niagara Falls cũng nhằm mục đích làm nơi chôn các loại hóa chất do họ thải ra trong quá trình sản xuất. Theo một ước tính sau này, tính đến năm 1953, công ty Hooker đã chôn gần 22.000 chất thải xuống con kênh đã được đào dang dở, khiến nó đầy đến mức không thể chứa thêm được nữa.

Khu vực nhiễm độc hóa chất hiện được rào lại.
 Khu vực nhiễm độc hóa chất hiện được rào lại.

Tại thời điểm đó, những mối nguy hại của các chất thải hóa học vẫn là điều mà người dân chưa biết đến nhiều. Không hề hoảng sợ hay thậm chí chỉ là hoài nghi khi sống ngay cạnh một nhà máy sản xuất hóa chất quy mô lớn, người dân thành phố thậm chí còn vui mừng vì sự phát triển về cơ sở hạ tầng, y tế mà ngành công nghiệp hóa chất mang đến cho họ.

Không ai mảy may nghĩ rằng những công ty hóa chất như vậy có thể gây hại đến họ. Người dân cứ ngang nhiên sống bên cạnh đống chất thải hóa chất chỉ được phủ đất sét và nhiều chất bẩn khác lên trên nhằm che phủ các chất thải hóa học bên dưới và tin vào lời của các chuyên gia của Hooker vốn nói rằng những chất thải đó an toàn.

Thực ra, trên thực tế, vào khoảng giữa những năm 1940, một bác sỹ ở địa phương tên Robert Mobbs trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ giữa thuốc trừ sâu và ung thư và cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của việc chôn hóa chất ngay cạnh nơi con người sinh sống. Dù vậy nhưng cảnh báo của vị bác sỹ trên đã không được nhiều người chú ý.

Điều này thể hiện ở việc vào năm 1953, Hội đồng giáo dục thành phố Niagara Falls đã mua lại khu đất để xây dựng một trường tiểu học ở đây. Hooker ngay lập tức đồng ý và bán lại cả khu vực con kênh với giá chỉ 1 USD. Đây chính là căn nguyên khiến nhiều người về sau cho rằng công ty hóa chất Hooker thực chất không hề vô tình mà hoàn toàn đã nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn từ việc chôn hóa chất xuống đất nên đã vội vàng bán đi với mức giá như cho không như vậy.

Hậu quả thảm khốc

Năm 1955, 400 trẻ em bắt đầu vào học ở ngôi trường mới được xây dựng lên và khoảng 100 ngôi nhà cũng được xây ở các khu vực xung quanh đó. Dù hầu hết người dân ở Niagara Falls đều biết trước đó khu đất này được sử dụng vào mục đích chôn hóa chất nhưng họ lại không mấy quan tâm khi đến sống ở đây.

Do đó, chỉ ít lâu sau đó, những tác động trực tiếp của việc này đã hiển hiện rõ ràng. Người dân địa phương liên tục báo cáo về mùi hôi và những chất lạ xuất hiện quanh khu vực mà họ sinh sống, đặc biệt là ở những căn hầm của họ. Trẻ em khi đang học thì bị chất thải độc hại bốc cháy làm cháy da thịt. Dù có nhận được những thông tin này nhưng giới chức địa phương khi đó đã không có bất cứ hành động nào.

Năm 1976, nước từ những trận mưa to và bão tuyết kỷ lục bắt đầu khiến những hóa chất bị chôn vùi trong lòng đất được đẩy lên bề mặt, khiến cả khu dân cư bị nhiễm độc. Trong những năm sau sự kiện này, người dân địa phương vô cùng hoảng sợ khi số người bị sẩy thai hoặc thai chết lưu tăng cao, nhiều đứa trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, bị bệnh nặng.

Một số công trình nghiên cứu sau đó đã góp phần giải thích nguyên nhân của xu hướng đáng báo động này. Trong đó, nghiên cứu của Cơ quan đăng ký chất độc hại phát hiện có đến hơn 400 loại hóa chất trong không khí, nước và đất ở địa phương, trong đó có một số chất như benzene đã được xác định là nguyên nhân gây ung thư.

Cuối cùng, đến mùa xuân năm 1978, cơ quan y tế địa phương tuyên bố khu vực xung quanh Kênh Love độc hại và yêu cầu đóng cửa trường học, sơ tán hơn 1.000 gia đình đang sinh sống tại đây để phong tỏa cả khu vực. Nhưng điều đó cũng không thể đảo ngược được những hậu quả nghiêm trọng đã xảy đến.

Một nghiên cứu của cơ quan y tế địa phương được tiến hành vào năm 1979 cho thấy, trong số 33% cư dân địa phương được xét nghiệm bị tổn thương nhiễm sắc thể. Trong số 15 trẻ sinh ra ở khu vực này trong khoảng thời gian từ tháng 1/1979 đến 1/1980 chỉ có 2 trẻ khỏe mạnh.

Hàng trăm đơn kiện sau đó cũng đã được nộp lên nhưng về sau được giải quyết qua con đường dàn xếp do nhà chức trách cho rằng Công ty Hóa chất Hooker không hề hay biết nguy cơ có thể xảy đến khi đổ hóa chất xuống đất. Các cơ quan cấp bang và liên bang của Mỹ đã phải chi hàng trăm triệu USD để dọn dẹp sạch khu vực.

Người dân biểu tình phản đối vụ việc,
 Người dân biểu tình phản đối vụ việc,

Vụ việc đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận Mỹ. Người ta bắt đầu chỉ trích các công ty hóa chất đã cố tình phớt lờ sức khỏe, tính mạng của người dân vì lợi nhuận của mình. Sự việc trở thành căn nguyên của Luật trách nhiệm, bồi thường và phản ứng toàn diện về môi trường, còn được gọi là Luật “Superfund”.

Theo luật này, các công ty hóa chất và khí đốt sẽ phải nộp thuế làm ngân sách chi cho việc dọn dẹp các khu vực bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất chất hóa học, đồng thời buộc các công ty hóa chất phải có các phương án hoạt động an toàn hơn, thân thiện với môi trường hơn./.