Dư luận quốc tế lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

(PLO) - Giới lãnh đạo thế giới, các nhà làm luật và các phương tiện truyền thông thế giới liên tiếp có những phát biểu bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc hạ giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như việc các tàu hộ tống mà nước này huy động hung hăng tấn công tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ hợp pháp. 
Hạ Nghị sỹ Mỹ Eni Faleomavaega. Ảnh: AP
Hạ Nghị sỹ Mỹ Eni Faleomavaega. Ảnh: AP
Trong số những ý kiến mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở biển Đông có Hạ Nghị sỹ Mỹ Eni Faleomavaega – thành viên của Tiểu ban Đối ngoại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ. Đây là tiểu ban có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ liên quan đến khu vực, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. 
Trong tuyên bố của mình, ông Faleomavaega nhắc lại việc Trung Quốc ngày 2/5 đã hạ đặt giàn khoan HD981 trong vùng biển của Việt Nam và huy động hàng chục tàu hải quân yểm trợ các hành động khiêu khích của mình. Ngày 3/5 và 5/5, Trung Quốc ra thông báo cấm mọi tàu thuyền xâm nhập khu vực này và tuyên bố giàn khoan HD981 sẽ tiến hành khoan thăm dò. HD981 neo đậu hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý.
Thượng nghị sỹ Faleomavaega cảm ơn Thượng Nghị sỹ John McCain đã đóng vai trò đi đầu khi tuyên bố dứt khoát rằng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở những vùng biển này không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế. “Nói một cách đơn giản, các hành động khiêu khích của Trung Quốc là sự “leo thang” của ý đồ đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải ở biển Đông của nước này” – tuyên bố của ông Faleomavaega khẳng định.
Hạ nghị sỹ Mỹ xác nhận, từ năm 2009, Trung Quốc đã “leo thang” yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của mình, cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking 02 (tháng 5, 6/2011), thành lập “Thành phố Tam Sa” (tháng 6/2012), tiến hành “các biện pháp thực hiện “Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (có hiệu lực từ tháng 1/2014), tăng cường thăm dò dầu khí ở các khu vực tranh chấp, tấn công tàu cá Việt Nam, điều tàu tuần tra, và tiến hành tập trận quân sự ở biển Đông nhằm thể hiện sức mạnh của mình và cản trở các bên tranh chấp khác.
Hạ nghị sỹ Faleomavaega cho rằng những phản ứng của Mỹ trước những hành động gây hấn của Trung Quốc là không đáng kể, dù Tiểu ban Đối ngoại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tổ chức những cuộc điều trần về vấn đề này và một số thành viên của Tiểu ban đã giới thiệu một số nghị quyết để thúc đẩy một giải pháp hòa bình và hợp tác cho những tranh chấp trên biển Đông. 
Với nhận định này, nhà làm luật của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ ra một tuyên bố rõ ràng, dứt khoát và xác đáng hơn những tuyên bố mà Bộ này đã đưa ra trong những ngày vừa qua. “Một lần nữa, như Thượng Nghị sỹ John McCain đã khẳng định, các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và Bộ Ngoại giao Mỹ không nên né tránh tuyên bố như vậy” – ông Faleomavaega nói. 
Ông cũng cho biết ủng hộ Thượng Nghị sỹ John McCain trong việc kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện ngay các bước đi nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời ông kêu gọi Mỹ đóng vai trò dẫn đường trong việc thực hiện bước đi này. 
Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và việc các tàu hộ tống đi cùng của Trung Quốc đã cố tình đâm va vào tàu Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển này. 
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 8/5, người phát ngôn của bà Catherine Ashton - Đại diện cấp cao EU về Ngoại giao và Chính sách An ninh - nêu rõ rằng hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực. Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm một giải pháp hòa bình và đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải. 
Tại châu Á, Đài NHK của Nhật Bản đưa tin, Ngoại trưởng nước này Fumio Kishida ngày 9/5 đã bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng gia tăng trong khu vực, do hành động của Trung Quốc cố khoan dầu ở vùng biển mà đường ranh giới quốc gia vẫn chưa rõ ràng. Theo ông, căng thẳng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc chính là do các hoạt động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc tại vùng biển này. 
Ông Kishida đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc làm rõ căn cứ pháp lý và các chi tiết hoạt động của mình ở vùng biển này cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nhật cho rằng, cộng đồng quốc tế cũng phải kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật của các nước. 
Còn tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản trong một bài xã luận đã khẳng định vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. “Hành vi của Trung Quốc là không thể chấp nhận được” – tờ báo khẳng định. 
Tờ Asahi Shimbun nhận định việc tàu của Trung Quốc đâm vào các tàu tuần tra của Việt Nam gần khu vực giàn khoan mà công ty khai thác dầu của nước này hạ đặt trái phép và phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam là một tình huống nguy hiểm. Xã luận của tờ báo trên cho rằng “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên biển Đông rất mơ hồ về bản chất, không có cơ sở pháp lý rõ ràng và Bắc Kinh dường như đang cho rằng mình có các quyền độc đoán trong vùng biển mà họ tự tuyên bố chủ quyền này. 

Đọc thêm