Đức đẩy mạnh truy bắt nghi phạm tấn công ở Berlin

(PLO) - Giới chức Đức ngày 22/12 phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt sau khi các thông tin được tiết lộ cho thấy nghi phạm chính trong vụ tấn công bằng xe tải chết người ở Berlin hôm 19/12 vừa qua là một người Tunisia từng bị từ chối cho tị nạn và cũng là một kẻ được xác định có khả năng là một phần tử thánh chiến nguy hiểm.
Hình ảnh nghi phạm. Ảnh: AP
Hình ảnh nghi phạm. Ảnh: AP

Theo AP, giới chức châu Âu ngày 22/12 đã tích cực lần theo các đầu mối để truy bắt người đàn ông Tunisia được xác định là nghi phạm trong vụ tấn công vào khu chợ Giáng sinh ở Berlin. Trong đó, cảnh sát Đan Mạch đã tiến hành khám xét một chiếc phà từ Thụy Điển vừa cập cảng Grenaa sau khi nhận được tin báo cho biết có người trông giống nghi phạm Anis Amri có mặt trên phà.

Tuy nhiên, cảnh sát Đan Mạch sau đó cho biết họ không phát hiện bất cứ bằng chứng nào cho thấy sự hiện diện của tên Amri. Cùng ngày, truyền thông Đức dẫn lời trưởng công tố viên liên bang Đức xác nhận cảnh sát Đức đã bắt giữ 4 người có liên hệ với nghi phạm.

Động thái trên diễn ra sau khi các công tố viên Đức đã ra thông báo truy nã trên khắp châu Âu đối với đối tượng Anis Amri, 24 tuổi. Giới chức Đức treo giải thưởng 100.000 euro (104.000 USD) cho người cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ đối tượng này, đồng thời cảnh báo nghi phạm có thể có vũ khí và hành động bạo lực. Trước đó, cảnh sát Đức đã tiến hành khám xét một trung tâm dành cho người tị nạn ở Emmerich, phía tây nước này, nơi Amri từng ở vài tháng trước và 2 căn hộ ở Berlin hòng tìm kiếm manh mối về vụ việc. 

Amri được xác định là nghi phạm chính trong vụ việc do giới chức Đức đã phát hiện được các giấy tờ xin tị nạn được cho là của hắn ở thùng chiếc xe tải đã đâm vào đám đông những người có mặt ở hiện trường vụ tấn công hôm 19/12. Ngoài 11 nạn nhân thiệt mạng do bị tông trúng, nạn nhân thứ 12 được xác định chính là người lái xe trên chiếc xe tải mang biển số Ba Lan đã bị bắn chết trong buồng lái. 

Song, trong lúc cuộc truy bắt nghi phạm đang được mở rộng khắp châu Âu, nhiều nghi vấn cũng đã được đề cập về việc tại sao nghi phạm có thể tránh bị bắt giữ và bị trục xuất dù đã được đưa vào tầm ngắm của một số cơ quan an ninh. “Nhà chức trách đã đưa tên này vào tầm ngắm nhưng hắn vẫn có thể biến mất” – tờ tuần báo Der Spiegel nêu vấn đề. 

Trong khi đó, tờ Sueddeutsche Zeitung chỉ trích cảnh sát vì đã lãng phí thời gian tập trung vào nghi phạm người Pakistan sau khi xảy ra vụ việc. “Cảnh sát đã mất một khoảng thời gian đáng kể mới xác định được Amri là nghi phạm” – tờ báo cho hay.

Đức hiện đã tăng cường các biện pháp an ninh trên khắp cả nước sau vụ tấn công. Cảnh sát đã được điều động tới các trại xe điện, sân bay và khu vực biên giới giữa nước này với Ba Lan và Pháp để đảm bảo an toàn cho người dân. 

Trong một tiết lộ được cho là có thể khiến người dân tức giận, giới chức Đức cho biết họ đã từng điều tra tên Amri. Bộ trưởng Nội vụ bang Bắc Rhine-Westphalia Ralf Jaeger cho biết các quan chức chống khủng bố của bang đã trao đổi thông tin về Amri, gần đây nhất là vào tháng 11 vừa qua, đồng thời cũng đã tiến hành điều tra với nghi vấn tên này đang âm mưu “tiến hành một hành động khủng bố nghiêm trọng nhằm vào nước Đức”.

Bên cạnh đó, các công tố viên Berlin cũng cho biết Amri từng bị tình nghi lập kế hoạch ăn trộm để lấy tiền mua vũ khí tự động “có thể là để tiến hành một vụ tấn công”. Tuy nhiên, giới chức Đức cho biết, sau khi theo dõi tên này từ tháng 3 tới tháng 9 vừa qua, họ đã không phát hiện bằng chứng cho thấy hắn đang lập kế hoạch tấn công. Do đó, dù nhận thấy hắn là một kẻ buôn bán ma túy nhưng họ đã dừng việc theo dõi tên này.

Theo một nguồn tin an ninh Tunisia, Amri rời Tunisia hồi năm 2011 và đã sống ở Italia trong 3 năm. Truyền thông Italia cho biết tên này từng phải ngồi tù vì tội nổ súng ở trường học. Tên này đến Đức hồi tháng 7/2015 và nộp đơn xin tị nạn nhưng bị từ chối hồi tháng 6 năm nay. Nhưng việc trục xuất hắn đã gặp nhiều khó khăn vì Tunisia từ chối công nhận tên này là một công dân của họ.

Vụ việc cũng đã một lần nữa dấy lên những chỉ trích về chính sách người di cư tự do của Thủ tướng Đức Angela Merkel – yếu tố được cho là đã dẫn đến việc hơn 1 triệu người đã đổ xô đến nước này hồi năm ngoái.