Dùng luật đối phó Fake News

(PLO) - Với đa số áp đảo, Quốc hội Pháp đã thông qua hai bộ luật chuyên về chống tin tức giả - Fake News - theo sáng kiến của Tổng thống nước này Emmanuel Macron. 
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Ý tưởng lập pháp này trong thời gian qua đã gây tranh luận sôi động trong khắp nước Pháp. Sự ủng hộ rất mạnh mẽ nhưng sự phản đối cũng rất đáng kể. Không ai cản phá việc ngăn ngừa Fake News và có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về tác động tiêu cực cũng như hậu quả tai hại của Fake News. Nhưng điều được lưu ý đến không ít là khả năng những luật lệ mới này bị lợi dụng hoặc lạm dụng để trấn át và bịt miệng những người không có cùng quan điểm.

Với luật này, ông Macron vừa thực hiện một trong những cam kết tranh cử tổng thống vừa có cuộc “trả thù riêng” bởi bản thân cũng đã từng là nạn nhân của Fake News - ông Macron bị tung tin là có tài khoản bí mật ở một thiên đường trốn thuế nổi tiếng trên thế giới. Nội dung cơ bản của luật chống Fake News là trong thời gian 3 tháng trước các cuộc bầu cử trong khắp cả nước Pháp, các đảng phái chính trị và ứng cử viên có thể yêu cầu toà án có biện pháp ngăn chặn và trừng phạt những kẻ tung tin sai lệch, những mạng xã hội như Facebook hay Twitter phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, trực tiếp hơn và cụ thể hơn nếu để cho sử dụng làm môi trường và công cụ phát tán Fake News.

Cho tới nay trên thế giới đã có nhiều nơi tiến hành cuộc chiến chống Fake News bởi Fake News không còn chỉ là hiện tượng đơn lẻ nữa mà đã trở thành vấn nạn chung. Tuy nhiên, mỗi nơi có cách thức làm khác nhau và hiện tại mới đến những mức độ khác nhau.

Dùng hẳn luật như Pháp để chống Fake News chưa có nhiều nơi làm và chưa thể nói được là đã trở nên phổ biến. Nhưng xu thế rồi đây sẽ như vậy bởi việc đối phó Fake News ngày càng thêm khó khăn và phải có luật pháp đầy đủ, hoàn chỉnh và kịp thời cả ở phạm vi quốc gia lẫn trên bình diện quốc tế thì mới có thể đối phó hiệu quả thật sự Fake News.