EU xem xét có hành động pháp lý đối với 'hộ chiếu vàng' của Síp

(PLVN) - Cao ủy tư pháp EU kêu gọi thay đổi chương trình đầu tư thông qua quốc tịch sau cuộc điều tra của Hãng thông tấn Al Jazeera.
Nhiều người Nga nhập quốc tịch Síp, tiếng Nga đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên biển chỉ đường.
Nhiều người Nga nhập quốc tịch Síp, tiếng Nga đã bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên biển chỉ đường.

Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders đã nói với Al Jazeera rằng ông đang xem xét khả năng khởi kiện Síp về kế hoạch đầu tư thông qua quốc tịch của đất nước.

Reynders cũng kêu gọi những thay đổi trên khắp châu Âu đối với các chương trình đầu tư thông qua quốc tịch và cho biết ông muốn loại bỏ hoàn toàn chúng.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Al Jazeera xuất bản The Cyprus Papers (Tài liệu Síp) - một tập hợp các tài liệu bị rò rỉ cho thấy quốc đảo Síp đã bán hộ chiếu cho tội phạm, những kẻ đào tẩu và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao. 

Những tài liệu đó, bao gồm gần 1.500 đơn xin cấp hộ chiếu có hơn 2.400 cái tên, cho thấy Síp đã không tiến hành thẩm định hàng chục trường hợp, cho phép tội phạm và những người đang bị trừng phạt quốc tế mua quốc tịch cho quốc gia thành viên EU này.  

Reynders nói với Al Jazeera rằng ông đã yêu cầu bộ phận pháp lý của Ủy ban Tư pháp châu Âu "phân tích xem trong khuôn khổ pháp lý có thể bắt đầu một thủ tục vi phạm hoặc đưa ra một đề xuất lập pháp".

Reynders nói thêm rằng ông muốn thấy một số hành động từ Liên minh châu Âu về luật mới, nhưng phần lớn trách nhiệm thuộc về vai của Síp.

"Sau báo cáo mà hãng tin đã xuất bản và một số báo cáo khác trong quá khứ, yếu tố đầu tiên là phải chắc chắn rằng có một số cuộc điều tra ở cấp quốc gia từ hệ thống tư pháp," Reynders nói, "Nhiệm vụ của hệ thống tư pháp ở Síp là phân tích tình hình và nếu có thể thì nhà chức trách Síp sẽ thu hồi quốc tịch."

Reynders cũng tập trung vào tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU, kêu gọi chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa các chính quyền siêu quốc gia. "Chúng tôi muốn có thông tin rõ ràng về những người khác nhau yêu cầu quốc tịch với sự trao đổi thông tin rõ ràng với Europol và các loại tổ chức khác ở cấp độ châu Âu."

"Tài liệu Síp" cho thấy có 26 người Việt Nam nhập quốc tịch Síp trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2019.
"Tài liệu Síp" cho thấy có 26 người Việt Nam nhập quốc tịch Síp trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2019. 

Hôm thứ Tư, chính phủ Síp cũng đã có những động thái đáp lại tiết lộ của Al Jazeera, gọi việc đưa tin là "tuyên truyền, không phải báo chí".

"Tất cả những người được đề cập, những người mà chúng tôi sẽ tránh nêu tên vì những lý do rõ ràng, tại thời điểm nộp đơn của họ, đều đáp ứng các tiêu chí và là người không có tiền án tiền sự tại quốc gia xuất xứ và quốc gia cư trú của họ", Bộ trưởng Nội vụ Síp Nicos Nouris cho biết trong một cuộc họp báo, theo truyền thông địa phương.

“Những gì đang được nhìn thấy là một nỗ lực có chủ ý của Al Jazeera nhằm làm sai lệch dữ liệu và thông tin,” Nouris nói thêm, mà không cung cấp bằng chứng về tuyên bố của mình.  

Nouris cho biết một cuộc điều tra đang tiếp tục về nguồn gốc của các tài liệu rò rỉ mà Al Jazeera thu được.

Đáp lại các bình luận của Reynders, Tổ chức Minh bạch Quốc tế - tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng toàn cầu - hoan nghênh các đề xuất của ông nhưng kêu gọi EU nhanh chóng đưa ra phản ứng.

"Các tài liệu của Síp cho thấy rằng đó không chỉ là một vài trường hợp cá biệt . Đây là một vấn đề mang tính hệ thống. Cách duy nhất là Síp tạm dừng kế hoạch, thu hồi các hộ chiếu được đề cập tới và mở các cuộc điều tra để xác lập trách nhiệm giải trình," Laure Brillaud, chuyên gia cao cấp của chính sách minh bạch, nói với Al Jazeera.  

Tuy nhiên, Brillaud cũng cho biết đây không phải là lần đầu tiên EU đề xuất thay đổi các chương trình. "Bây giờ điều quan trọng là ủy ban phải tuân theo lời hứa của mình. Trước đây chúng tôi đã nghe ủy ban nói rằng họ sẽ không dung thứ cho sự lạm dụng thông qua các kế hoạch này nhưng không có hành động quyết định", bà nói.

Theo bà, EU không được lãng phí thời gian nữa, cần bắt đầu các thủ tục vi phạm chống lại Síp và các quốc gia có khả năng bán quyền công dân của EU, vì đã vi phạm nguyên tắc hợp tác chân thành giữa các quốc gia thành viên. "Những gì chúng tôi cần thấy từ EU là các đề xuất lập pháp để cải cách cơ bản các kế hoạch này hoặc một lộ trình để chấm dứt các chương trình thị thực vàng đầy rủi ro”, bà nói.