Fethullah Gulen và những mưu mô 'sói đội lốt cừu'

(PLO) - Cho đến thời điểm trước khi cuộc xung đột chính trị nổ ra vào năm 2013 thông qua những làn sóng biểu tình kiểu “Mùa xuân Ả Rập”, Fethulah Gulen vẫn đóng vai trò một thế lực chính trị ẩn giấu đối với Đảng AKP của Recep Tayyyip Erdoğan nhưng thực chất là một “tài sản” rất có giá trị của CIA tại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, Fethullah Gulen bước ra khỏi bóng tối và công khai đối đầu với AKP... 
Tayyip Erdogan và Fethullah Gulen, những bất đồng xuất hiện ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ.
Tayyip Erdogan và Fethullah Gulen, những bất đồng xuất hiện ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ.

George Fidas đã có 31 năm thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của CIA và các chiến dịch đột xuất của CIA tại khu vực Balkan.

Còn Morton Abramowitz, mặc dù với vị trí chính thức là Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1989 do Tổng thống George H.W. Bush bổ nhiệm nhưng vẫn thường xuyên báo cáo cho CIA về tình hình nội trị của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Bàn tay thao túng

Sibel Edmonds, cựu nhân viên FBI tại Thổ Nhĩ Kỳ đã “tố giác” những hoạt động của Morton Abramowitz, cùng với Graham E. Fuller là một phần của một âm mưu đen tối của Chính phủ Mỹ.

Ông ta đã phát hiện việc xây dựng một mạng lưới tội phạm ở Thổ Nhĩ Kỳ là một mắt xích trong chuỗi các tổ chức tội phạm được hình thành như những “nhà nước ngầm” trải dài từ Istanbul sang Trung Quốc.

Nguồn thu chính của các tổ chức này là buôn bán, vận chuyển heroin từ Afghanistan đi khắp thế giới.

Sau khi rời Bộ Ngoại giao, Morton Abramowitz làm việc trong Hội đồng quản trị của Quỹ Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ cho Dân chủ (NED) và cùng với tỷ phú George Soros đồng sáng lập Nhóm Khủng hoảng Quốc tế. Cả NED và Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Mỹ đã dính líu vào các “cuộc cách mạng màu” từ những năm 1990 dẫn đến sụp đổ của LB Xô viết.

Graham E. Fuller là “người bạn CIA” thứ ba của Fethullah Gulen,  đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng lái Mujahideen của CIA và các tổ chức Hồi giáo chính trị khác từ những năm 1980.

Ông ta đã dành 20 năm để điều khiển các nhân viên CIA hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Saudi Arabia, Yemen và Afghanistan và là một trong những tình báo viên CIA hàng đầu ủng hộ việc CIA sử dụng các nhóm “Anh em Hồi giáo” và các tổ chức Hồi giáo cực đoan tương tự để phục vụ cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Năm 1982, Graham E. Fuller được bổ nhiệm Trưởng phân cục Tình báo quốc gia CIA tại Cận Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Á, Nam Á và kiêm nhiệm Afghanistan, nơi ông đã từng là Trạm trưởng CIA.

Năm 1986, Graham E. Fuller đã trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia của CIA, chịu trách nhiệm chung về dự báo chiến lược cấp quốc gia.

Graham E. Fuller còn là tác giả của luận thuyết “Tương lai của nền chính trị Hồi giáo”, cũng là nhân vật chính của CIA đã thuyết phục chính quyền Reagan phá vỡ vai trò trung lập trong Chiến tranh Iran - Iraq kéo dài 8 năm bằng cách sử dụng những kênh buôn bán bất hợp pháp qua Israel để cung cấp vũ khí cho Iran mà sau này bị vỡ lở để trở thành vụ Iran - Contra Affair nổi tiếng.

“Cỗ chiến xa” chính trị

Năm 1988, khi cuộc chiến tranh Afghanistan - Mujahideen lắng xuống, Graham E. Fuller được CIA cho “miễn nhiệm” chức vụ Phó Giám đốc Hội đồng Quốc gia của CIA về tình báo và điều chuyển sang làm Giám đốc điều hành tại Tổng công ty RAND.

RAND là một tổ chức chuyên nghiên cứu và phát triển việc tư vấn chính sách toàn cầu, để cung cấp các kết quả nghiên cứu và phân tích cho các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ và các khoản hiến tặng tư nhân.

Việc CIA điều Graham E. Fuller sang vị trí này là để nhằm tránh những rắc rối có liên quan đến vai trò của ông ta trong vụ bê bối Iran – Contraget, giải tỏa áp lực chính trị cho ứng cử viên Tổng thống Mỹ George H. W. Bush, cựu thủ trưởng trực tiếp của Graham E. Fuller tại CIA.

RAND là một cơ quan theo trường phái “Tân bảo thủ” ở Washington. Lầu Năm Góc và CIA coi nó như một cỗ “chiến xa chính trị”. Nhiều dấu hiệu cho thấy công việc của Graham E. Fuller tại RAND đã có đóng góp rất lớn vào việc phát triển các chiến lược CIA nhằm xây dựng “Phong trào GULEN” thành một lực lượng địa chính trị để xâm nhập vào không gian “Hậu Xô viết” ở Trung Á.

Trong các văn kiện của mình tại RAND, Graham E. Fuller đã viết ra các kết quả nghiên cứu về Chủ nghĩa Tân Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, Sudan, Afghanistan, Pakistan, và Algeria, “Không gian sinh tồn” của Iraq, và thuyết “Địa chính trị mới của Trung Á” sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Trung Á là nơi các nhân viên của Fethullah Gulen được gửi đến để thành lập các trường GULEN và các tu viện Hồi giáo kiểu mới.

Tayyip Erdogan và Fethullah Gulen, ở hai bên chiến tuyến.
 Tayyip Erdogan và Fethullah Gulen, ở hai bên chiến tuyến.

Năm 1999, khi còn làm việc tại RAND, Graham E. Fuller tiếp tục chủ trương sử dụng các lực lượng Hồi giáo để phục vụ cho các lợi ích của Mỹ ở Trung Á, bao gồm cả những vùng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.

Ông ta tuyên bố: “Chính sách của chúng ta định hướng cho sự phát triển của Hồi giáo và giúp chúng chống lại kẻ thù của chúng ta đã đem lại những kết quả kỳ diệu không kém gì việc hỗ trợ cho các nhóm Mujahideen ở Afghanistan chống lại người Nga.

Các chính sách này vẫn có thể được sử dụng để gây bất ổn cho Nga với tất cả sức mạnh còn lại của nó và đặc biệt là để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á”.

Sau khi kết thúc vai trò kiến trúc sư của “Chiến lược Hồi giáo” đối với lực lượng Mujahideen ở Afghanistan, Graham E. Fuller tập trung vào việc hỗ trợ cho Fethullar Gulen.

Năm 2008, ông ta viết một giấy bảo lãnh yêu cầu chính phủ Mỹ cấp thị thực cư trú đặc biệt cho Fethullar Gulen. Trong một cuốn sách nhan đề “Nền cộng hòa mới của Thổ Nhĩ Kỳ” (The New Republic of Turkish), Graham E. Fuller cho rằng “Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia trọng yếu trong thế giới Hồi giáo”.

Trong nhiều đoạn của cuốn sách này, Graham E. Fuller đánh giá cao “Phong trào GULEN” và coi đó là phong trào “ôn hòa” rất có giá trị ở Thổ Nhĩ Kỳ: “Cá tính có sức cuốn hút của Gulen đã khiến ông ta trở thành nhân vật số 1 của Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ.

“GULEN” là phong trào có cơ sở hạ tầng lớn nhất và nguồn lực tài chính mạnh mẽ nhất trong số các phong trào chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phong trào đó đã có tầm ảnh hưởng quốc tế nhờ những hệ thống mà nó phát triển ở những vùng xa xôi thuộc không gian hậu Xô viết, Nga, Pháp và cả ở Mỹ”.

CIA và “Phong trào GULEN” ở Trung Á

Vào giữa những năm 1990, trong bối cảnh hỗn loạn của thời kỳ “bài Xô” dưới sự lãnh đạo của Boris Yeltsin, đã có tới hơn 75 trường học Hồi giáo của “Phong trào GULEN” được mở ở Kazakhstan, Tajikistan, Azerbaijan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và thậm chí cả ở các nước CH tự trị Dagestan và Tatarstan nằm trong lãnh thổ LB Nga. 

Năm 2011, Osman Nuri Gündeş, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỹ (MIT) và cố vấn chủ chốt về tình báo của Thủ tướng Thổ Tansu Çiller vào giữa những năm 1990 đã xuất bản một cuốn sách chỉ được phát hành bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có tên “CIA tại Thổ Nhĩ Kỳ”, đề cập đến hoạt động của các nhà trường Hồi giáo này.

Sau khi về hưu ở tuổi 85, Osman Nuri Gündeş đã tiết lộ, trong những năm 1990 và sau đó, các trường GULEN xuất hiện với số lượng và mật độ ngày càng tăng lên trên khắp các lục địa châu Âu và châu Á đã cung cấp một “vỏ bọc” bản địa cho hàng trăm nhân viên CIA hoạt động dưới danh nghĩa các “giáo viên Anh ngữ”.

Theo Osman Nuri Gündeş, chỉ riêng ở Kyrgyzstan và Uzbekistan, “Phong trào GULEN” đã che chở cho khoảng 130 nhân viên CIA tại trường học của nó.

Những tiết lộ bí mật khác của Osman Nuri Gündeş cũng cho thấy, tất cả những người Mỹ là “giáo viên tiếng Anh” đã được cấp hộ chiếu ngoại giao, một điều hoàn toàn không bình thường đối với các giáo viên tiếng Anh của Mỹ làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, mạng lưới do “Phong trào GULEN” điều khiển đã xâm nhập sâu rộng vào các hệ thống quân sự - quốc phòng, cảnh sát quốc gia, tư pháp quốc gia cũng như hệ thống giáo dục quốc dân của Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên một thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Mạng lưới đó tuy bị tổn thất sau vụ đảo chính hụt vừa qua nhưng vẫn còn đủ mạnh để CIA có thể thành công trong một cuộc đảo chính lần thứ hai.

Nếu mô hình tấn công tài chính ở Brasil (một quốc gia nhóm BRICS) thành công, mô hình đó rất có thể được áp dụng để mở một cuộc tấn công vào đồng Lira trong điều kiện nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vào trạng thái rất mong manh khi S&P liên tục hạ bậc xếp hạng kinh tế đối với quốc gia này.../.

Đọc thêm