Fulro- Kể lại để cảnh giác (Kỳ 1): Phong trào BAJARAKA

(PLO) -Sau nhiều lần thành lập, đổi tên, sát nhập, năm 1965, “Mặt trận thống nhất tranh đấu của các dân tộc bị áp bức” có tên gọi tắt là FULRO, ra đời. Quá trình hoạt động, FULRO bị nhiều thế lực, trong đó có Mỹ, Pháp thao túng, chèo lái, nhằm đạt mưu đồ chính trị thâm độc. Loạt bài giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, phát triển, những mưu mô thâm hiểm của Mỹ trong chia rẽ khối đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên, để chúng ta cùng hiểu và cảnh giác... 
Y Bham Enuol, người sáng lập phong trào BAJARAKA
Y Bham Enuol, người sáng lập phong trào BAJARAKA

Ra đời

Ngày 10/8/1955, Pháp rút quân khỏi cao nguyên, thành phần trí thức và sĩ quan Thượng tin rằng sau khi tiếp thu Cao Nguyên họ sẽ được chính phủ Ngô Ðình Diệm trọng dụng. Nhưng thực tế đã không như vậy, tất cả những chức vụ chỉ huy đều do những viên chức gốc Kinh từ đồng bằng lên nắm giữ.

Những đơn vị quân đội Thượng (Sư đoàn 4 bộ binh, 7 tiểu đoàn cơ động cùng những đơn vị tác chiến khác, khoảng 10.000 người) đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan VNCH. Những cơ quan hành chính, giáo dục và y tế đặt dưới quyền quản trị của Tòa Ðại biểu Chính phủ.

Đơn cử, trong các cuộc bầu cử Quốc hội pháp nhiệm I (1956), ứng cử viên Touprong Hrou đơn vị Tuyên Ðức-Lâm Ðồng bị bỏ tù vì những tội vu vơ, pháp nhiệm II (1958) ông Y Prong Kbor đơn vị Ðắk Lắk bị xóa tên, pháp nhiệm III (1960) ông Y Klong đơn vị Ðắk Lắk bị buộc phải rút tên.

Ngày 22/10/1956, Ngô Ðình Diệm ban hành Dụ số 57 về cải cách điền địa, bãi bỏ các tòa án phong tục, cấm dạy tiếng thổ ngữ và phủ nhận quyền sở hữu đất đai của người Thượng. Từ đây, phong trào chống đối ngấm ngầm hình thành, một số trí thức, cán bộ và binh sĩ Thượng bất mãn bỏ về làng, một số khác vẫn ở lại cơ quan nhưng không làm việc.

Đến năm 1957, một số trí thức Thượng kết hợp lại thành một nhóm phản đối chính sách phân biệt đối xử người Thượng trên cao nguyên với các chính quyền địa phương. Không được trả lời thỏa đáng, ngày 1/5/1958, một số trí thức người Thượng đã thành lập một tổ chức có tên gọi BAJARAKA, chữ viết tắt tên bốn dân tộc chủ yếu tại Tây Nguyên: Bahnar (người Ba Na), Djarai (người Gia Rai), Rhadé (người Ê Đê) và Kaho (người Cờ Ho) do Y Bham Ênuôl người Ê Đê đứng đầu.

Ngoài ra còn có Siu Síp (nhân sĩ Gia Rai), Y Dhơn Adrong (hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Thiện), Y Nuin Hmok (giáo viên trung học buôn Kram kiêm chính trị viên), Y Nam Êban (sĩ quan), Y Bhan Kpor, Y Chôn Mlô Duôn Du, Nay Luett, Paul Nưr (trí thức Bahnar) và nhiều nhân sĩ gốc Chăm, Mạ, Stiêng, Kor... 

Trong số này, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất là Y Bham Enuol. Ông ta sinh năm 1923 trong một gia đình nghèo người dân tộc Ê Đê, tại Buôn Kram Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. Lớn lên, Y Bham được theo học trường Canh nông thực hành tại Tuyên Quang. Năm 1945, Y Bham Enuol tham gia Việt Minh rồi bị Pháp bắt giam khi trở lại chiếm Cao nguyên, nhưng sau đó lại được thả ra và cho làm cán sự ở Ty Canh nông. Ở thời điểm làm Chủ tịch của BAJARAKA, Y Bham Enuol được Diệm cho làm Phó ty Canh nông Pleiku.

Lúc đầu BAJARAKA chủ trương đấu tranh bất bạo động yêu cầu chấm dứt mọi chính sách phân biệt đối xử đối với các sắc tộc thiểu số. Các thủ lĩnh của BAJARAKA vận động dân chúng Thượng chống lại chính quyền miền Nam. Vào giữa tháng 9/1957, trong một buổi học chữ Việt dành cho người Thượng, ông Y Bham Enuôl công khai nói lên những bất đồng của người Thượng và đòi quyền "biệt lập" về hành chính và chính trị. Đây được xem là cuộc chống đối đầu tiên của BAJARAKA.

Trước sự chống đối này, Văn Phòng Cố vấn Thượng vụ được nâng lên thành Nha Công tác xã hội Miền Thượng (nghị định số 302/NV ngày 3/7/1957) trực thuộc Phủ Tổng thống, trụ sở đặt tại Huế, nhằm kêu gọi người Thượng hợp tác với chính phủ xây dựng đất nước và chống cộng trong tinh thần Kinh Thượng bình đẳng và đoàn kết nhưng thực tế văn phòng này đã không đưa ra một chính sách nào cụ thể.

Cờ Phong trào BAJARAKA
Cờ Phong trào BAJARAKA

Tố cáo

Tháng 5/1958, phong trào gửi hai kháng thư, do ông Y Bham nuôl cùng 16 đại diện sắc tộc khác ký tên, tố cáo những hành vi phân biệt đối xử của chính quyền Ngô Ðình Diệm đối với các sắc tộc thiểu số; kể lại những đóng góp của các dân tộc miền núi trong việc chống lại quân phiệt Nhật, Việt Minh và Việt Cộng; yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng có một "lãnh thổ biệt lập"  (nguyên văn là "un territoire à part").

Thư viết bằng tiếng Pháp được gửi đến tòa Ðại sứ Pháp và LHQ, và thư viết bằng tiếng Anh gửi đến Tòa đại sứ Hoa Kỳ và các tòa đại sứ khác tại Sài Gòn. Kháng thư viết bằng tiếng Anh, do giáo sư David Nuttle (người Mỹ) chuyển tới tòa đại sứ Hoa Kỳ, tỏ ý không muốn đặt Tây Nguyên trực thuộc vào chính quyền VNCH mà muốn được độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp hoặc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hoa Kỳ. Trong kháng thư gửi LHQ, phong trào xin được sát nhập vào vương quốc Lào như người Pháp đã làm năm 1893.

Ngày 30/7/1958, phong trào gửi một phái đoàn gồm bốn người về Sài Gòn gặp Đại sứ Hoa Kỳ qua trung gian David Nuttle. Cùng thời gian, Y Bham nuôl thành lập Ủy ban Tự trị Trung ương và đặt trụ sở đặt tại Pleiku, chỉ huy tất cả các cơ quan tỉnh lỵ, quận huyện trên Tây Nguyên. Nhiều ủy ban địa phương được thành lập tại Buôn Ma Thuột, Kon Tum và Di Linh.

Ủy ban tuyển mộ sĩ quan và binh lính Thượng đang phục vụ trong chính quyền miền Nam, chọn một lá cờ tượng trưng cho sự "biệt lập" (xanh dương, trắng và đỏ như cờ, Pháp nhưng phía trên góc trái có 4 ngôi sao màu vàng tượng trưng cho bốn sắc tộc chính) và phổ biến một thư ngỏ mang tên "Nguyện vọng đấu tranh của đồng bào Thượng".

Thư ngỏ này thực ra là một cáo trạng đối với chính quyền Ngô Ðình Diệm, liệt kê những hành vi phân biệt đối xử của người Kinh đối với người Thượng trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, hành chánh, an ninh quân sự, tư pháp, kinh tế đến văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội.

Trong hai tháng 8 và 9/1958, phong trào Bajaraka tổ chức nhiều cuộc xuống đường tại Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, nhưng đều bị trấn áp, tất cả những lãnh tụ của phong trào đều bị bắt (Y Bham nuôl, Y Dhơn Adrong, Y Dhê Adrong, Y Nuin Hmok, Y Wick Buôn Ya, Y Het Kpor, Y Tluốp Kpor, Y Sênh Niê, Y Bun Sor, Y Yu êban, Y Thih êban, Touneh Yoh, Siu Sip, Paul Nưr, Nay Luett...), những thành phần có uy tín như sĩ quan và công chức Thượng đang công tác trên cao nguyên đều bị thuyên chuyển về đồng bằng. Như vậy, đến thời điểm ấy, phong trào BAJARAKA coi như thất bại.

Một khóa huấn luyện của Lực lượng Dân sự Chiến đấu Thượng
Một khóa huấn luyện của Lực lượng Dân sự Chiến đấu Thượng

Thỏa hiệp

Trước đe dọa mới này, tháng 10/1958, chính quyền Ngô Ðình Diệm kêu gọi Kinh Thượng hợp tác chống cộng và hứa sẽ cải tổ sâu rộng hơn về kinh tế, xã hội miền Thượng. Văn phòng Xã hội được thành lập tại Tây Nguyên, nhiều học sinh Thượng được đưa về Huế và các thành phố Quy Nhơn, Nha Trang, Ðà Lạt học trong những trường trung học kỹ thuật. Một số cán bộ Thượng được đưa về Sài Gòn tu nghiệp tại Học viện Quốc gia Hành chính.

Nhưng kết quả đã không như mong muốn, Văn phòng Xã hội không hoạt động gì cả, các học sinh Thượng ra trường (khoảng 150 người mỗi năm) không tìm được việc làm vì thiếu trình độ (bằng cấp của học sinh Thượng thường do nâng đỡ). Ðời sống của người Thượng không sáng sủa gì hơn. Những lãnh tụ Thượng còn lại đều tỏ ra bất mãn nhưng bất lực. 

Trong thời gian từ 1956 đến 1962, chuyên viên và cố vấn Hoa Kỳ đã có mặt khắp Tây Nguyên. Việc tranh thủ người Thượng gây nhiều tranh chấp giữa cơ quan CIA và Tòa Ðại sứ Mỹ trong chiến lược chống cộng của Hoa Kỳ.

Cơ quan CIA chủ trương võ trang trực tiếp người Thượng vì họ rất thiện chiến trong các rừng rậm. Cố vấn quân sự Mỹ vào khắp buôn làng, tổ chức phòng thủ, trang bị súng cá nhân, thành lập các Đội Dân sự chiến đấu Thượng (CIDG-Civilian Indigenous Defense Group) và Lực lượng đặc biệt (Special Force) gồm 18.000 người (1967) thuộc đủ mọi sắc tộc Thượng.

Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ chủ trương kêu gọi sự hợp tác về lâu về dài của người Thượng, đặc biệt là phát triển văn hóa, xã hội, y tế và tín ngưỡng nhằm nâng cao mức sống. Các mục sư tin lành được nhìn như sự tiếp nối của các giáo sĩ công giáo Pháp thời trước nên rất được mến mộ.

Nhiều phái đoàn đặc vụ dân sự USOM, USAID, các tổ chức thiện nguyện đến chữa bệnh, hướng dẫn cách thức canh tác nông nghiệp, xây cất nhà cửa, giúp đỡ vật chất và sáng tạo chữ viết la tinh hóa của từng thổ ngữ để giảng dạy. Nhiều trường phổ thông vừa dạy tiếng địa phương, vừa dạy tiếng Việt và tiếng Mỹ được thành lập tại Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum, Ðà Lạt. Nhiều sinh viên Chăm và Thượng được ghi danh vào Viện Ðại Học Ðà Lạt...