Gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á

(PLVN) - Một báo cáo được công bố ngày 16/3 cho biết có gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, CNN đưa tin.
Tuần hành phản đối sự kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á. (Nguồn: cnn)
Tuần hành phản đối sự kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á. (Nguồn: cnn)

Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), một tổ chức tổng hợp hàng đầu về các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á khi diễn ra đại dịch COVID-19, từ 19/3/2020 tới 28/2/2021, trung tâm đã nhận được báo cáo tổng cộng  3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ.

Trong đó, riêng trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 28/2, đã có ít nhất 503 vụ việc chống đối người châu Á được báo cáo.

Mặc dù các vụ việc được báo cáo thông qua trang web của họ có thể chỉ chiếm một phần trong số các vụ thù địch ở Hoa Kỳ, nhưng liên minh cho biết những con số đó cho thấy tâm lý chống lại người châu Á vẫn còn phổ biến.

Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân.

Báo cáo cho thấy quấy rối bằng lời nói (68,1%), né tránh (20,5%) và hành hung thân thể (11,1%) chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các vụ kỳ thị và phân biệt chủng tộc.

Phụ nữ là nạn nhân của các vụ kỳ thị nhiều hơn gấp 2,3 lần so với nam giới, trong khi đó người Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất (42,2%) bị kỳ thị, tiếp theo là người Hàn Quốc (14,8%) và Việt Nam (8,5%).

Theo báo cáo, các doanh nghiệp là nơi diễn ra chủ yếu các vụ phân biệt đối xử (35,4%), tiếp theo là đường phố công cộng (25,3%) và công viên công cộng (9,8%).

Kỳ thị trực tuyến chiếm 10,8% tổng số vụ. Có 1.691 trong tổng số vụ (44,56 %) diễn ra ở California, 517 (13,62 %) ở bang New York.

Trong số những người nói rằng họ từng bị ghét, 42,2% xác định là người Trung Quốc, tiếp theo là 14,8% cho biết là người Hàn Quốc. Người Việt Nam và Philippines lần lượt chiếm 8,5% và 7,9% trong số những người báo cáo sự cố.

Ujala Sehgal, phát ngôn viên của Stop AAPI Hate, cho biết: "Chúng tôi chỉ báo cáo những gì chúng tôi nhận được. Chúng tôi có xu hướng tin người bị ảnh hưởng, đặc biệt là rất nhiều người sẵn sàng ghi lại và nói công khai về những gì đã xảy ra với họ".

Theo Giáo sư  nghiên cứu người Mỹ gốc Á Russell Jeung từ trường Đại học bang San Francisco, cũng là đồng sáng lập  Stop AAPI Hate, các vụ kỳ thị sẽ vẫn không giảm bớt trừ khi phải có yêu cầu hành động cụ thể.

Tuần trước, trong bài phát biểu tròn 1 năm Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã lên án sự căm ghét và phân biệt đối xử mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt.

Vài giờ trước bài phát biểu của Biden, hai nhà lập pháp Dân chủ đã giới thiệu lại tại Hạ viện và Thượng viện luật kêu gọi xem xét nhanh các tội ác thù hận liên quan đến đại dịch. Hạ nghị sĩ Grace Meng của New York, người tài trợ dự luật tại Hạ viện, cho biết, bà hy vọng đạo luật giải quyết "kiểu thù ghét ghê tởm" mà người Mỹ gốc Á đang phải đối mặt kể từ khi đại dịch bắt đầu.