Gần 9.800 người ung thư do ảnh hưởng vụ khủng bố 11/9

(PLO) - Hơn 1.100 nạn nhân hiện vẫn chưa được xác định danh tính dù đã 17 năm trôi qua kể từ sau vụ tấn công kinh hoàng nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Hiện có khoảng 9.795 người bị ung thư do hít phải khói bụi từ đống đổ nát.  
Gần 9.800 người ung thư do ảnh hưởng vụ khủng bố 11/9
 

Hơn 1.000 người vẫn chưa xác định được danh tính

Bốn chiếc máy bay dân dụng của hai hãng hàng không lớn United Airlines và American Airlines đã bị 19 tên khủng bố al-Qaeda khống chế. Hai chiếc máy bay trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp WTC. Chỉ trong 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp cao 110 tầng sụp đổ, mang theo mảnh vỡ và gây ra những vụ cháy khiến tất cả các tòa nhà khác trong khu phức hợp WTC bị sụp đổ một phần hoặc hoàn toàn.

Chiếc máy bay thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc tại Quận Arlington, bang Virginia, gây sụp đổ một phần mặt phía Tây của tòa nhà. Chiếc máy bay thứ tư ban đầu được nhắm vào Washington, D.C., nhưng đã rơi xuống một cánh đồng tại Stonycreek gần Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách cố gắng khống chế các tên không tặc… Cứ thế thảm kịch đã diễn ra trên đất Mỹ. 

17 năm qua, ở một phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất khu vực Bắc Mỹ tại New York, các chuyên gia vẫn không ngừng làm việc để nhận dạng những phần thi thể nạn nhân còn sót lại sau vụ khủng bố. Họ lặp đi lặp lại những quy trình kỹ thuật mỗi ngày hàng chục lần, ngày này qua ngày khác với hy vọng sẽ xác nhận thêm danh tính nhiều nạn nhân đã chết.

Công việc tại phòng thí nghiệm chủ yếu xoay quanh nhiều mẫu xương chưa được xác nhận. Các khoa học gia kiểm tra mẫu xương tìm thấy trong đống đổ nát của WTC, rồi nghiền nhỏ thành bột mịn trước khi trộn với 2 hóa chất giúp phát hiện ADN của xương. Tỷ lệ thành công không chắc.

“Xương là chất liệu sinh học khó nghiên cứu nhất. Chúng tôi đã tạo các profile ADN từ những phần còn lại mà chúng tôi từng không có hy vọng nhận dạng trước đây. Chúng tôi phải làm đi làm lại nhiều lần với các phần thi thể còn lại thu thập được”, Mark Desire, trợ lý Giám đốc Pháp y tại Văn phòng Giám định Y khoa New York cho biết.

Tổng cộng có 22.000 mảnh thi thể người được tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công ngày 11/9. Tất cả các mẫu vật này đều đã được thử nghiệm, một số được thử nghiệm tới 10 - 15 lần. Đến nay, chỉ có 1.642 trong số 2.753 nạn nhân của vụ tấn công được xác định danh tính. Còn 1.111 người khác vẫn chưa được nhận dạng.

Có những thời điểm kéo dài vài năm, phòng thí nghiệm không thể xác định danh tính thêm bất kì nạn nhân nào. Nhưng không ai có ý định từ bỏ.

 

Người thân của nạn nhân thỉnh thoảng ghé qua phòng giám định với hy vọng về nhân thân người thiệt mạng. Gia đình nạn nhân đóng vai trò quan trọng bởi chỉ qua so sánh DNA của thi hài với mẫu cung cấp bởi người thân thì danh tính nạn nhân mới được xác định. Văn phòng pháp y hiện có 17.000 mẫu DNA nhưng khoảng 100 nạn nhân không có mẫu nào trùng khớp. Nỗ lực xác định danh tính của những nạn nhân này dường như đều vô ích. 

Mỗi khi xác định rõ danh tính của nạn nhân, gia đình sẽ thông báo từ trung tâm giám định. “Khi được thông báo, bạn cảm giác như mình được đưa trở về ngày đó và hồi tưởng cách họ chết bi thảm. Nhưng thông báo này đồng thời lại an ủi rằng bạn có thể chôn cất người thân yêu một cách tử tế”, Mary Fetchet chia sẻ. Bà mất con trai 24 tuổi khi tòa tháp sụp đổ. 


Ít nhất 9.795 người mắc ung thư

Theo tờ Washington Post, hít phải các phân tử chất độc từ bụi thủy tinh, nhiên liệu máy bay, amiăng, bụi xi măng... tại WTC đã dẫn đến bệnh ung thư ở ít nhất 9.795 người, bao gồm những người tham gia phản ứng tại hiện trường và dân New York khác. Con số này vừa được Chương trình Y tế Trung tâm Thương mại Thế giới (đặt tại Bệnh viện Mount Sinai) giới tiết lộ ngày 11/9 với phóng viên tờ Washingotn Post.

 

Con số nạn nhân ung thư đã liên tục tăng kể từ khi Chương trình y tế được khởi động vào năm 2013. Trong năm 2015, số bệnh nhân ung thư là 3.204 nhưng đến năm  2016, đã tăng vọt lên 8.188 người.

Theo bác sĩ Michael Cran - Giám đốc  khoa Nội thuộc Chương trình y tế, 17 năm sau thảm kịch, số người cao tuổi phơi nhiễm trong vụ khủng bố có xu hướng cần trợ giúp y tế ngày càng thường xuyên hơn.


Kể từ sau ngày 11/9 bi thảm, trên 1.700 người bị ảnh hưởng đã chết, trong đó có 420 người vì ung thư, thường bị các bệnh ung thư tuyến giáp, da, và mắc ung thư bàng quang. Bác sĩ Crane cũng cho biết, những người New York khác phơi nhiễm với bụi độc có tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú và bệnh u lym-phô, các bệnh về rối loạn tế bào máu và viêm phổi cao hơn nhiều so với tỉ lệ bình thường.

Gần 17 năm trôi qua nhưng dường như cả thế giới nói chung và người Mỹ nói riêng vẫn không thể quên 102 phút kinh hoàng tại Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001. New York ở trong tình trạng báo động. Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường trên nước Mỹ.