Giải cứu Mussolini - 'kiệt tác của ma quỷ'

(PLO) -Cách đây 73 năm, vào năm 1943, sau 2 tháng 18 ngày bị giam giữ ở nhiều nơi, tên độc tài phát-xít Mussolini của Italia đã được "Đội đột kích Thần ưng" của quân đội phát-xít Đức giải cứu thành công trên núi Grant Sasso. 
Chân dung Mussolini.
Chân dung Mussolini.

Xét dưới góc độ hoạt động quân sự, kết quả cuộc giải cứu được xem là một "kiệt tác của ma quỷ".

"Đội đột kích Thần ưng"

Trước đó, mùa xuân 1942, do tức giận vì luôn bị lực lượng đặc nhiệm Anh "Commandos" tiến công, quấy rối, Hitle nảy ý định cũng xây dựng một lực lượng tác chiến đặc biệt tương tự như “Commandos". 

Chỉ huy lực lượng này là Scorzne sau này từng viết trong hồi ký tả lại quyết tâm khi nhận nhiệm vụ đội trưởng đội đặc nhiệm FOLIDEN: "Tôi là người liều mạng, bất cẩn, thô bạo và chống lệnh, không phải là một sĩ quan tốt, nhưng tôi có đủ khả năng độc lập chỉ huy một đơn vị đột kích. Nếu "Commandos" của Anh có thể đánh cướp trạm ra-đa tại Hà Lan, đánh tập kích vào Bộ Tư lệnh của Rommel tại Bắc Phi, chi viện quân du kích Hi Lạp... tôi cũng có thể làm được và còn có thể làm tốt hơn họ". Để thể hiện quyết tâm ấy, Scorzne đã “lạm quyền” chỉ huy cấp trên, đổi tên "Đội đột kích FOLIDEN" thành "Đội đột kích Thần ưng" với mong muốn "Thần ưng" sẽ tung hoành ngang dọc, nổi tiếng khắp Châu Âu.

Trùm phát xít Italia bị tống ngục

Ở Italia, Mussolini được coi là trùm chủ nghĩa phát-xít, là một trong những tên tội phạm quốc tế gây ra nhiều tội ác với nhân loại trong chiến tranh Thế giới thứ hai.

Năm 1904, sau khi từ Thụy Sĩ trở về Italia, Mussolini làm phóng viên cho một tờ báo theo chủ nghĩa xã hội. Tháng 9/1915, ông ta gia nhập quân đội Italia.

Đến tháng 3/1919, Mussolini thành lập Đảng Phát-xít, thu hút sự ủng hộ của rất nhiều cựu chiến binh đang thất nghiệp và xây dựng các đội vũ trang gọi tên là “Sơ-mi Đen”, nhằm khủng bố các đối thủ chính trị.

Tháng 10/1922, Italia rơi vào tình trạng chính trị hỗn loạn. Đội quân “Sơ-mi Đen” tuần hành khắp Rome. Nhà vua Victor Emmanuel đã mời Mussolini thành lập chính phủ mới. 

Có quyền trong tay, Mussolini dần xóa bỏ các thể chế của chính phủ dân chủ và đến năm 1925 tự phong mình thành nhà độc tài, xưng hiệu “Il Duce”.

Năm 1935, Mussolini xâm lược Abyssinia (nay là Ethiopia) và sáp nhập vào Đế quốc Ý, hỗ trợ tướng Franco về quân sự trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Sự hợp tác ngày càng mạnh mẽ giữa Ý và Đức Quốc xã dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Thép (hay Hiệp ước Hữu nghị và Liên minh) năm 1939. Mussolini bắt đầu áp dụng luật bài Do Thái tại Italia, tuyên chiến với Anh và Pháp vào tháng 6/1940. 

Ngày 25/7/1943, Mussolini đến gặp quốc vương Victor Emrvlaneul III ở Hoàng cung Savoy theo kế hoạch định sẵn. Tại đây, Quốc vương Italia đã “nhã nhặn, lịch sự” thông báo với y rằng, hắn đã bị bãi miễn mọi chức vụ và bị đặt dưới sự “bảo vệ” của quốc vương. Nguyên soái Badolio Pietro sẽ thay thế hắn làm thủ tướng Italia.

10 giờ 45 phút cùng ngày, Đài phát thanh Italia thông cáo: B. Mussolini từ chức, đồng thời bổ nhiệm nguyên soái Badolio Pietro thay thế cương vị đó. Từ đây, Mutssolini bị cầm tù và được canh giữ cẩn mật.

Biết tin Mutssolini bị cách chức, cầm tù, Hitle lập tức triệu tập các nhân vật quan trọng trong khối quân sự và chính quyền để bàn đối sách. Hitle quyết định sử dụng sử dụng lực lượng đặc nhiệm tập kích bất ngờ, giải cứu cho "người anh em", giao cho Actor Scorzne chỉ huy cuộc giải cứu này. 

Kế hoạch “cây cao su” đổ bể

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Scorzne bí mật chọn 60 lính đặc nhiệm, 8 chuyên gia điệp báo, thực hiện trinh sát bí mật, không cho phép các thành viên trong đội tuỳ tiện moi tin. Sau nhiều lần trinh sát và thay đổi phương án, cuối cùng Scorzne đề xuất kế hoạch  “cây cao su” để giải cứu trùm phát-xít Mussolini với Hitle.

Lúc đầu, khi biết tin Mussolini bị giam giữ tại đảo Ponza, Hitle ra lệnh: "Sử dụng chiến hạm Đức cướp lại Mussolini", nhưng ngày 6/8/1943, Chính phủ Italia đã chuyển Mussolini đến đảo Sardinia rồi chuyển và giam lỏng ông ta trong một toà nhà của trang trại Calu, trên đảo Matalena cách Sardinia khoảng 15km.

Khi nắm được tin tình báo, Scorzne định dùng lính dù đổ bộ đường không tập kích để cứu Mussolini. Nhưng ngày 18/8/1943, khi dùng máy bay ném bom HE – 111 tiến tới đảo Matalena thì máy bay của Scorzne bị tấn công và trúng đạn, rơi xuống biển. 

Benito Mussolini tay chống hông, đứng giữa các thành viên đảng phát- xít tại một cuộc diễu hành vào năm 1922.
 Benito Mussolini tay chống hông, đứng giữa các thành viên đảng phát- xít tại một cuộc diễu hành vào năm 1922.

Scorzne trình bày với Hitle "kế hoạch cây cao su”, giải cứu Mussolini trên đảo La - Matalena. Theo đó, Đức sẽ cử một tàu chiến đến thăm Matalena, đồng thời cho tàu R (tàu cao tốc quét thuỷ lôi) chở theo đội đặc nhiệm bất ngờ đổ bộ lên bờ, tấn công vào trang trại Calu, giải thoát cho Mussolini.

Tuy nhiên, kế hoạch tập kích này phải huỷ bỏ vì ngày 28/8, Mussolini lại bị chuyển đến vùng núi Grant Sasso thuộc dãy Apinin. Sau nhiều ngày phân tích thông tin, xác định chắc chắn Mussolini bị giam giữ ở khách sạn Kanbe Inberatelai, thuộc vùng núi Grant Sasso của dãy Apinin, Scorzne nảy ý định đổ bộ tập kích bằng tàu lượn. 

Ngày 8/9/1943, Thủ tướng Badolio tuyên bố tách khỏi phe Trục, ký kết hiệp ước đình chiến với phe đồng minh nên vấn đề giải cứu Mussolini với Đức là hết sức quan trọng.

Ngày 11/9/1943, Seorzne tập trung 132 thành viên lực lượng tham gia tập kích và các phi công để phổ biến kế hoạch. Theo đó, máy bay hạng nhẹ "Han se" mang theo 12 tàu lượn "DFS - CL", mỗi tàu lượn mang 11 người đổ bộ và tập kích lên đảo, cứu Mussolini. Chiếc 1 - 2 tiếp đất đầu tiên, Scorzne đi trên chiếc thứ 3, cùng chiếc thứ 4 làm nhiệm vụ giải thoát cho Mussolini. Từ chiếc thứ 5 trở đi có nhiệm vụ chế áp hoả lực địch.

Tập kích, giải cứu Mussolini

Gần 14 giờ, ngày 12/9/1943, Scorzne và lực lượng tập kích vào đến mục tiêu. Vì quá bất ngờ, lính gác ở khách sạn đã buông súng đầu hàng. Lính đặc nhiệm đạp tung cửa lớn của khách sạn, lao vào bên trong.

Scorzne lao đến đạp đổ ghế, dùng báng súng phá huỷ máy vô tuyến điện. Phát hiện gần đó có một sân thượng, Scorzne đứng lên vai một lính đặc nhiệm và trèo lên trên. Từ trong một khung cửa sổ, Mussolini ló đầu ra ngoài, Scorzne gọi lớn bằng tiếng Đức: "Hãy nhảy ra ngoài nhanh lên!" 

Lúc này lực lượng tiếp ứng cũng hạ cánh và nhanh chóng xông vào khách sạn. Lính đặc nhiệm Đức đặt súng máy ở một góc của khách sạn, bắn mạnh và đánh bạt lực lượng bảo vệ đang kéo từ chân núi lên.

Lính Italia ngừng chống trả rất nhanh chóng. Scorzne chạy lên sàn nhảy và gặp hai sĩ quan trẻ người Italia đang canh giữ Mussolini. Lúc này cũng có hai lính Đức cùng bám vào dây chống sét trèo vào trong phòng, hai viên sĩ quan ngoan ngoãn giao nộp vũ khí đầu hàng. 

Scorzne lệnh cho Trung uý Sibel bảo vệ Mussolini. Nhìn ra ngoài, anh ta phát hiện ra tàu lượn số 4 và 5 đã hạ cánh, lính đặc nhiệm đang chạy về phía khách sạn, chiếc số 8 đang chuẩn bị tiếp đất thì bỗng cơn gió lớn tạt qua, tàu lượn lao xuống rất nhanh và đập mạnh xuống mặt đất, những người ở bên trong chắc hẳn đều bị thương khá nặng, không có ai bước ra ngoài.

Chiếc số 9 và 10 đang từ từ tiếp đất cùng với chiếc số 1 và 2. Ngay lúc ấy, một thượng tá đầu hói để râu bước ra. Scorzne  tuyên bố, Mussolini đã được cứu thoát, lính Đức đã chiếm được khách sạn, yêu cầu ông ta lập tức đầu hàng và cho ông ta một phút để suy nghĩ. 

Viên thượng tá run rẩy nâng ly rượu nho bước tới chỗ Scorzne đứng, tỏ ý chấp thuận đầu hàng. Thấy thế, số lính Italia còn lại cũng lấy vải trải giường làm cờ trắng đầu hàng. Scorzne bước vào căn phòng có Mussolini và đứng nghiêm tuyên bố: "Thưa ngài thủ tướng, quốc trưởng Hitle lệnh cho tôi đến cứu ngài, ngài đã được tự do!" 

Để đưa Mussolini tới căn cứ Pelatke De Male, Scorzne đã lệnh cho máy bay Fiseler do thượng uý Gerlahe điều khiển đang lượn trên không hạ cánh. Nhưng tay phi công lão luyện Gerlahe đã phản ứng: "Nếu máy bay mang thêm tải trọng 180kg, cất cánh trên mặt đất đầy nhưng đá sỏi như thế này, thì cũng đồng nghĩa với tự sát". Anh ta kiên quyết từ chối thực hiện mệnh lệnh. Seorzne tuyên bố. "Nếu thất bại, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm".

Lúc 14 giờ 50 phút, Gerlahe ra hiệu cất cánh, 12 lính cùng buông tay. Máy bay bắt đầu trườn lên, chạy nghiêng ngả trên mặt đất lổn nhổn những đá nhưng không cất cánh lên được. Bánh máy bay chạm vào một tảng đá, thân máy rung lên dữ dội, một chiếc bánh xe bị xẻ vênh đi.

Bỗng nhiên miệng vực xuất hiện ngay phía trước. Mussolini nhắm nghiền mắt lại, viên phi công đã lấy lại được bình tĩnh. Máy bay lao xuống dọc bờ dốc rất nhanh sau đó máy bay lấy được thăng bằng và sức nâng, đầu ngóc lên và cất cánh thành công. 

Lúc 16 giờ 30 phút, máy bay chở Mussolini về căn cứ Pelatke an toàn  rồi chuyển sang chiếc máy bay ném bom HE để đến Munich. Đích thân Hitle gọi điện chúc mừng và trao tặng huân chương chữ thập sắt cho Scorzne.

Sau này Mussolini được đưa lên làm lãnh đạo của một chính phủ mới, nhưng có rất ít thực quyền. Do quân Đồng minh tiến lên phía bắc xuyên qua miền Bắc Italia, sợ bị bắt, Mussolini trốn sang Thụy Sỹ. Hắn đã bị quân du kích Italia bắt và bị xử tử ngày 28/4/1945./.