'Giải mã' tàu sân bay mới của Trung Quốc

(PLO) -Ngày 26/4, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này tự sản xuất. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, sau 1 tàu sân bay khác đã qua sử dụng được mua lại của nước ngoài. 
'Giải mã' tàu sân bay mới của Trung Quốc

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng dẫn lời các chuyên gia quân sự nói rằng tàu sân bay vừa được hạ thủy - con tàu được thiết kế tại Trung Quốc và đóng tại thành phố cảng Đại Liên phía Đông Bắc nước này - sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2020. Từ nay đến thời điểm đó, con tàu sẽ được hoàn thiện và trang bị vũ khí. 

Theo The New York Times, hai tàu sân bay của Trung Quốc không thể sánh được về quy mô, sức mạnh và độ bền của những con tàu thuộc Hải quân Mỹ (10 tàu sân bay và 2 chiếc đang được lắp đặt). Vụ hạ thủy phát đi thông điệp rằng Trung Quốc có ý định xây dựng một lực lượng Hải quân mà không một quốc gia châu Á nào có thể đánh bại. 

Tàu sân bay mới được xây dựng dựa trên kinh nghiệm từ tàu sân bay đầu tiên của nước này - hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được Trung Quốc mua lại của Ukraine vào năm 1998 và mang về sửa chữa.

Song theo các nhà phân tích, con tàu mới có vẻ lớn hơn một chút và tối tân hơn, kết hợp các "đường băng nổi nhằm thể hiện chủ quyền" vào các chiến dịch quân sự. Bên cạnh đó, việc sở hữu 1 tàu sân bay còn tạo ra những tác động chính trị và tâm lý có lợi cho Trung Quốc tại những vùng biển gần nước này. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng coi việc hiện đại hóa và cải tổ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là một trụ cột trong các chính sách của ông, đặc biệt ông đã cải tổ Bộ chỉ huy để chuyển nhiều nguồn lực từ các lực lượng truyền thống trên bộ sang cho các lực lượng trên không và trên biển.

Ông Andrew S. Erickson, Giáo sư Học viện Hải quân Mỹ và là tác giả một cuốn sách mới về công cuộc đóng tàu Hải quân của Trung Quốc, cho biết Hải quân Trung Quốc là trung tâm trong các kế hoạch quân sự của ông Tập Cận Bình. Bên cạnh các tàu sân bay, Trung Quốc đang đóng những tàu khác làm nhiệm vụ hỗ trợ và che chắn cho tàu sân bay. 

Mặc dù vậy, giới chuyên gia lưu ý rằng quy mô và công suất khá khiêm tốn của tàu sân bay mới cho thấy Trung Quốc đang áp dụng chủ trương hiện đại hóa và mở rộng lực lượng Hải quân theo từng bước nhằm tránh sự nhảy vọt liều lĩnh về công nghệ.

Giới chuyên gia ước tính tới khi được trang bị đầy đủ, tàu sân bay sẽ cân nặng khoảng 70.000 tấn. Tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay của Hải quân Mỹ nặng 100.000 tấn và sử dụng năng lượng hạt nhân, cho phép tàu lưu lại trên biển lâu hơn mà không cần bảo dưỡng. 

Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay mới ngay sau vụ bê bối thông tin thất thiệt về hoạt động của tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ. Ông Trump từng tuyên bố rằng tàu Cark Winson nằm trong "hạm đội" được điều động để ngăn chặn Triều Tiên có những hành động khiêu khích, trong đó có thử hạt nhân, song hóa ra là khi đó tàu sân bay này cách Bán đảo Triều Tiên hàng nghìn dặm về phía Nam rồi di chuyển về phía Bắc để tham gia cuộc diễn tập quân sự với các lực lượng Nhật Bản ở Biển Philippines. Vụ bê bối thông tin thất thiệt này cho thấy rõ những khó khăn trong việc điều hành những sân bay nổi trên biển.

Những tàu sân bay cũng dễ bị tổn thương trước những cuộc tấn công bằng tên lửa và ngư lôi - một lý do khiến nhiều nước không muốn đóng loại tàu này. Song các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc lập luận rằng tàu sân bay là một phần thiết yếu của nỗ lực thể hiện sức mạnh. Tháng trước, trang web chính thức của PLA có bài viết nhấn mạnh: "Tàu sân bay vẫn là căn cứ hùng mạnh nhất và giá trị nhất trên biển"...