Giải mã thung lũng tử thần - nơi những quả cầu kỳ lạ bất ngờ xuất hiện

(PLO) - Nằm ở phía Tây Bắc Yakutia, Siberia, nước Nga, “thung lũng chết” là một trong những địa điểm nổi tiếng thế giới gắn liền với những hiện tượng bí ẩn liên quan đến những quả cầu kim loại, nhiều năm qua vẫn “đánh đố” các nhà khoa học.
Hình ảnh “Thung lũng chết” ở Seribia, Nga
Hình ảnh “Thung lũng chết” ở Seribia, Nga

Thung lũng kỳ lạ được người dân địa phương gọi là Uliuiu Cherkecheck, nằm gần thượng lưu sông Viliuy rất khó tiếp cận. Khu vực này trải rộng trên một diện tích hơn 1000 km2, được bao phủ bởi các cánh rừng Taiga rộng lớn với rất nhiều đầm lầy, các miệng núi lửa và là nơi hằn in dấu vết các vụ va chạm thiên thạch với trái đất. Nhiều mảnh kim loại kỳ lạ nằm sâu dưới lớp đất đá được tìm thấy nhưng cho đến nay vẫn chưa thể xác định thành phần hóa học của chúng. 

Truyền thuyết của người Evenk

Trong thời cổ đại, “Thung lũng chết” là một phần trong tuyến đường du mục được người du mục Evenk. Họ đến từ Bodaibo, qua Annybar để ra biển Laptev. Họ truyền tai nhau từ đời này sang đời khác câu chuyện tổ tiên của họ tận mắt chứng kiến hiện tượng kỳ lạ khi các khối cầu kim loại khổng lồ va chạm nhau như thiên thạch ngoài trái đất. 

Thậm chí, những người du mục Evenk kể lại một câu chuyện diễn ra trong thời gần đây: Vào một ngày nọ, bầu trời giữa lòng thung lũng đột nhiên mây mù xám xịt, sét đánh dữ dội. Một cơn lốc xoáy khổng lồ bốc lên từ dưới mặt đất, bụi bay mù mịt hàng trăm dặm.

Đến lúc mọi thứ trở lại bình thường, mây đen tan đi, những người du mục nhìn thấy nhô lên từ dưới mặt đất một hình chóp thẳng đứng khổng lồ mà mắt thường có thể nhìn thấy được từ khoảng cách hàng trăm dặm. Vật thể lạ này có màu đỏ giống màu đồng và phát ra những âm thanh rất chói tai. Ít lâu sau, nó biến mất dưới lòng đất sâu, để lại miệng hố khổng lồ có bán kính rộng đến 200 mét. 

Người ta kể rằng, bất cứ ai tò mò muốn đến gần miệng hố xem điều gì đã xảy ra đều không bao giờ quay trở lại. Sau đó ở khu vực này xuất hiện các khối cầu lửa khổng lồ vọt lên từ dưới mặt đất. Khi chạm đất, chúng gây ra các tiếng nổ khủng khiếp và tạo ra các hố sâu đến 100 mét ở khu vực núi bao quanh thung lũng.

Hình ảnh “Thung lũng chết” ở Seribia, Nga
Hình ảnh “Thung lũng chết” ở Seribia, Nga

Sau khi chứng kiến hiện tượng trên, những người du mục đã rời khỏi “thung lũng chết” để đến vùng đất mới an toàn hơn.

Lý giải câu chuyện này, các nhà khoa học Nga nghi ngờ, vụ nổ kỳ lạ theo lời kể của người du mục Evenk rất giống với các vụ nổ hạt nhân ngày nay. Nó có thể là vụ nổ lớn Tunguska năm 1908, vụ nổ Chulum năm 1984 hoặc vụ nổ Vitim năm 2002. 

“Kim cương” vùi trong lòng đất

Theo lời kể của các thợ săn địa phương từng chứng kiến, những quả cầu kim loại này chìm vào lòng đất và biến khỏi tầm mắt. Chúng để lại những vết đen kỳ lạ ở cây cối khiến chúng không thể phát triển bình thường. Một số khác bị ngập trong nước, số còn lại bị chôn vùi trong đất. 

Nói về “Thung lũng chết”, Mikhail Koretsky là một cư dân từ Vladivostok cho biết chính bản thân ông đã đến khu vực này 3 lần vào những năm 1933, 1937 và 1947. Trong chuyến đi đầu tiên lúc 10 tuổi với người cha của mình, ông Mikhail Koretsky đã tận mắt nhìn thấy 7 khối cầu kim loại với đường kính từ 6-9 mét, khiến cả hai cha con vô cùng ngạc nhiên.

Mặc dù trông giống kim loại đồng, nhưng theo ông chắc chắn đây không phải là đồng. Kim loại này không thể bị đập vỡ và cũng không thể bị dát mỏng. Nếu là đồng, một cái búa chắc chắn sẽ để lại một vết lõm tương đối sâu. Tuy nhiên, loại “đồng” này được phủ một loại chất không rõ rệt, khá giống với bột mài. Ngoài ra, nó không bị oxy hóa và han gỉ, cũng không bị sứt mẻ hay trầy xước.

Một điều khó lý giải nữa, đó là thảm thực vật xung quanh khối kim loại rất bất thường và phát triển tươi tốt hoàn toàn khác với những gì đang phát triển xung quanh. Nhưng cây ngưu bàng lá lớn, cành liễu gai rát dài, cỏ lạ cao một nửa hay gấp hai lần chiều cao của một người đàn ông… 

Khi trở về nhà, một người bạn của ông đã rụng hết tóc ba tháng sau đó. Và phía bên trái đầu của ông Mikhail Koretsky xuất hiện ba đốm mụn có kích cỡ bằng đầu que diêm, mỗi lẫn động chạm vào sẽ gây đau nhức. Ông đã cố gắng loại bỏ nó, nhưng nó vẫn theo Mikhail Koretsky cho tới hôm nay.

Không thể đập vỡ khối kim loại nhưng may mắn ông Mikhail Koretsky nhặt được một miếng kim loại tương tự màu đen, có đường kính 6cm và không có bất kỳ dấu hiệu gia công nào, nhưng lại rất trơn tru như thể được đánh bóng. 

Khối bán cầu trong khu vực theo mô tả của người dân địa phương.
Khối bán cầu trong khu vực theo mô tả của người dân địa phương.

“Tôi mang nó về coi như một món đồ lưu niệm. Nhưng rất tình cờ khi khoảng thời gian đó, gia đình tôi quyết định xây nhà. Chúng tôi cần phải lắp kính cho cửa sổ, nhưng trong làng không thể tìm được một người thợ cắt kính.

Vậy nên tôi đã thử cắt những tấm kính bằng cạnh sắc của quả cầu mà tôi mang về, thật bất ngờ miếng kim loại cắt tấm kính một cách rất dễ dàng. Sau đó, quả cầu này đã được bạn bè và người thân truyền tay nhau sử dụng như một viên kim cương cắt kính tuyệt hảo”. 

“Đánh đố” nhà khoa học

Năm 1936, một thương lái có tên Savvinov chuyên buôn bán lông thú từ Bodaibo đến Annybar đã kể lại với nhà khoa học Vladimir Korestky, làm việc tại Viện Nghiên cứu địa chất liên bang ở thành phố Vladivostok rằng, ông đã tận mắt phát hiện tại vùng Siuldiukar những cấu trúc bằng kim loại hình tròn kỳ lạ. 

Khi trời tối, Savinov ra lệnh dựng trại để nghỉ qua đêm. Một số thành viên trong đoàn do không chịu được sự lạnh giá nên đã vào ngủ bên trong những cấu trúc bằng kim loại. Đến sáng, những người này bỗng nhiên thấy nhức đầu một cách kỳ lạ rồi vài ngày sau đổ bệnh chết một cách khó hiểu.

Trong khi những người còn lại không ngủ qua đêm trong các cấu trúc bằng kim loại vẫn bình thường. Lo sợ, Savinov quyết định thôi không đến Annybar bằng con đường xuyên qua “Thung lũng chết”.

Câu chuyện của Savinov đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới khoa học. Cùng năm 1936, Viện Nghiên cứu địa chất liên bang quyết định tìm hiểu vụ việc nên đã cử một nhóm nhà địa chất do Giáo sư Mikhail Arkhipov phụ trách đến “Thung lũng chết” để khảo sát và nghiên cứu.

Tại đây, nhóm của Giáo sư Arkhipov đã tìm thấy một số khối bán cầu bằng kim loại có sắc đỏ nhưng không phải là kim loại đồng, nhô lên từ mặt đất. Khối bán cầu này đủ lớn để chứa hai người nằm gọn bên trong mà người dân địa phương gọi là “cái Vạc”. Tuy nhiên vào thời điểm đó, các nhà địa chất chưa có đủ dụng cụ đo đạc cần thiết cũng như kiến thức để xác định đó là cái gì.

Đến năm 1971, Viện Nghiên cứu địa chất liên bang quyết định nối lại việc khảo sát và nghiên cứu về các hiện tượng cũng như các cấu trúc lạ bằng kim loại tại “Thung lũng chết” và cử một nhóm khảo cổ khác đến nơi này cùng Giáo sư Mikhail Arkhipov, nhưng mặt đất lúc này hoàn toàn trống trơn.

Các nhà khoa học cảm thấy vô cùng kỳ lạ nhưng dự đoán, do nhiều năm trôi qua, địa thế vùng đất này đã thay đổi, khiến vật thể dịch chuyển, biến mất.

Dù không tìm thấy những tấm kim loại như dự kiến, nhưng nhóm khảo sát đã đo được mức phóng xạ cao hơn bình thường từ dưới lòng đất vào một số thời điểm nhất định trong ngày. Rất có thể trước đây từng là nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân nên trữ lượng phóng xạ vẫn còn sót lại kết hợp với từ trường trong đất đã khiến cho vùng này bị nhiễm xạ nặng.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguồn gốc của các tấm kim loại lạ được tìm thấy ở đây và chưa phân tích được thành phần hóa học của chúng. Cho đến nay, những hiện tượng kỳ lại xảy ra ở “Thung lũng chết” vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải. 

Thung lũng chết vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhà thám hiểm, trong khi nhiều người cho rằng những câu chuyện này là phóng đại, một số người vẫn tin là có sự thật trong đó. Nghiên cứu sâu rộng đã không được thực hiện tại khu vực này, và các nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện vẫn được phân loại, bảo mật khỏi con mắt của công chúng.

Đọc thêm