Google giúp 131 quốc gia giám sát tuân thủ cách ly của người dùng

(PLVN) - Phân tích dữ liệu vị trí từ hàng tỷ người dùng điện thoại của Google là bộ dữ liệu công khai lớn nhất hiện có để giúp các cơ quan y tế đánh giá xem mọi người có tuân theo các yêu cầu ở nhà hay giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 hay không.
Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Phân tích sữ liệu của người dùng, Công ty Google đã thông báo cho 131 quốc gia biểu đồ truy cập từ ngày 16/2 đến ngày 29/3, theo đó, các địa điểm được người dân thường đến nhất là các trung tâm bán lẻ và giải trí, trạm xe lửa và xe buýt, cửa hàng tạp hóa và nơi làm việc.

Google cho biết họ đã xuất bản các báo cáo để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào về những gì họ cung cấp cho chính quyền, do đã phát sinh những tranh cãi về quyền riêng tư và yêu cầu ngăn ngừa đại dịch Covid-19.

Thông tin được Reuters dẫn trong bản tin chiều 3/4 cho thấy, Ý và Tây Ban Nha, hai trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có lượng khách hàng tới các địa điểm bán lẻ và giải trí như nhà hàng,rạp chiếu phim giảm 94%. Vương quốc Anh, Pháp và Philippines đã giảm hơn 80% trong khi Ấn Độ, nơi có lệnh phong tỏa bất ngờ  trong 21 ngày kể từ ngày 25/3, cũng giảm tới mức 77%.

Dữ liệu cũng nhấn mạnh một số thách thức chính quyền đã phải đối mặt trong việc hạn chế đi lại của người dân. Trước khi lệnh hạn chế được thiết lập ở Singapore, Vương quốc Anh và một số nơi khác, lượng người dân đến các cửa hàng tạp hóa tăng mạnh. 

Dữ liệu trong các báo cáo Google đến từ những người dùng đã kích hoạt tính năng Google Lịch sử Vị trí trên các thiết bị của họ.

Theo người đứng đầu bộ phận dịch vụ Google Maps, ông Jen Fitzpatrick và người phụ trách bộ phận y tế của Google, ông Karen DeSalvo, những thông tin nói trên sẽ hỗ trợ chính phủ các nước trong quá trình ra những quyết định về việc ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, trong khi vẫn tuân thủ các giao thức và chính sách bảo mật nghiêm ngặt của Google.

Google cho biết, họ đã tham vấn các quan chức ở Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới trước khi thông báo dữ liệu được chia sẻ. Công ty từ chối bình luận về việc liệu họ có nhận được bất kỳ yêu cầu pháp lý nào để chia sẻ dữ liệu chi tiết hơn để giúp giải quyết đại dịch hay không.

Virus Sars-CoV-2 đã khiến hơn 1 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh, đã giết chết 52.000 người.