Hai mục tiêu lớn của Việt Nam khi tham dự COP21

Việt Nam tham dự COP21 nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Hai mục tiêu lớn của Việt Nam khi tham dự COP21
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) từ ngày 30/11-1/12.
VGP News thông tin, Hội nghị COP21 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển bền vững tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 6/1992 đã thông qua Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Công ước UNFCCC). Đây được coi là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên làm cơ sở cho hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP21 nhằm thảo luận để xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới, dự kiến sẽ thông qua Thỏa thuận Paris 2015 và áp dụng từ sau năm 2020 cho tất cả các quốc gia.
Việt Nam tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Theo thông báo được ban tổ chức COP 21 công bố ngày 25/11, COP 21 bắt đầu tại thủ đô Paris (Pháp) sớm hơn một ngày nhằm tận dụng thời gian hoàn tất các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ngày khai mạc chính thức với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 30/11. 
Dự kiến, Hội nghị COP 21 chính thức diễn ra từ 30/11 đến 11/12, với sự tham dự của khoảng 80 nguyên thủ quốc gia và các đại diện của gần 200 nước và vùng lãnh thổ.
VietNam+ phản ánh, để đón tiếp khoảng 40.000 đại biểu và du khách trong điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo tiến hành tốt nhất các phiên họp, các buổi trao đổi, làm việc…, nước chủ nhà đã chi khoảng 170 triệu euro để chuẩn bị các điều kiện vật chất và hậu cần.

Đọc thêm