Hải quân Nga nhận tàu ngầm mang tên lửa 'vượt mặt' Tomahawk Mỹ

(PLVN) - Hôm nay (25/11), tàu ngầm động cơ điện - diesel Petropavlovsk-Kamchatsky được đóng tại nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga sẽ được chuyển giao cho Hải quân nước này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hãng tin TASS dẫn thông báo từ Nhà máy đóng tàu Admiralty cho biết, lễ thượng cờ Hải quân Nga trên tàu ngầm Petropavlosk-Kamchatsky được đóng theo dự án đóng tàu 636.3 sẽ được thực hiện tại Công ty cổ phần Nhà máy đóng tàu Admiralty.

Tuyên bố của Nhà máy đóng tàu Admiralty nhấn mạnh việc Petropavlosk-Kamchatsky là tàu ngầm đầu tiên trong loạt 6 tàu ngầm được đóng theo dự án đóng tàu 636.3 cho Hạm đội Thái Bình Dương đã được Bộ Quốc phòng Nga và Admiralty ký vào tháng 9/2016.

Petropavlovsk-Kamchatsky là tàu ngầm đầu tiên của Dự án 636.3 – dự án đóng các tàu ngầm diesel-điện thế hệ thứ 3 của Nga, do Cục thiết kế trung tâm Rubin của nước này thiết kế.

Các tàu thuộc dự án trên dài 74m, có kết cấu thân tàu mạnh mẽ, có lượng giãn nước 3,95 nghìn tấn, độ sâu hoạt động của tàu lên tới 240m, có thể lặn xuống độ sâu tối đa 300m.

Tàu ngầm của dự án này có phạm vi hoạt động lên đến gần 12.100km, với tốc độ lên tới 20 hải lý/giờ.

Được đánh giá là tàu ngầm ít tiếng ồn nhất thế giới, các tàu này có thể hoạt động trên biển trong 45 ngày với thủy thủ đoàn gồm 52 người. 

Các tàu này được trang bị hệ thống dẫn đường tối tân, hệ thống quản lý thông tin tự động hiện đại, tên lửa có độ chính xác cao và ngư lôi mạnh mẽ.

Điểm đáng chú ý ở các tàu này là chúng được trang bị tên lửa hành trình Kalibr. Theo giới chức Nga, đây là tên lửa có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không cũng như lá chắn tên lửa nào.

Bởi, trong chuyến bay, tên lửa này của Nga liên tục thay đổi chiều cao và phương hướng, khiến đối phương khó lòng phát hiện. Kalibr được đánh giá là có những tính năng vượt trội tên lửa “Tomahawk” của Mỹ.

Tàu Petropavlovsk-Kamchatsky được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg vào ngày 28/3 vừa qua.

Do khả năng ẩn mình tốt nên những tàu ngầm này còn được NATO gọi là “hố đen”.

Đọc thêm