Hàn Quốc có tân Tổng thống - Cục diện trên bán đảo Triều Tiên thay đổi?

(PLO) - Tổng thống mới của Hàn Quốc đã bắt đầu khởi động các nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng trong vấn đề tên lửa hạt nhân Triều Tiên, thúc giục cả đối thoại lẫn trừng phạt, đồng thời làm hạ nhiệt sự tức giận của Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang triển khai tại nước này. 
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Theo Reuters, ông Moon Jae In đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hôm 10/5 và trong bài phát biểu đầu tiên của mình, ông nói rằng sẽ ngay lập tức giải quyết những căng thẳng an ninh làm dấy lên nỗi sợ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, ngày 11/5, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đều trao đổi với hai nước này về cách ứng phó với chương trình tên lửa đạn đạo đang ngày càng bành chướng của Triều Tiên. 

Nhật - Hàn cùng xem Triều Tiên là nguy cơ

Hiện tại, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng xem Triều Tiên là một nguy cơ. Hai bên đã có cuộc thảo luận về cách thức hợp tác trong vấn đề Triều Tiên. 

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Abe nói với Tổng thống Moon rằng, “Những đe dọa từ chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đang bước vào một giai đoạn mới. Tìm cách ứng phó với Triều Tiên hiện tại là vấn đề khẩn cấp. Tôi muốn hợp tác chặt chẽ với Tổng thống để đạt được phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Nhưng ông Abe cũng nói rằng, “đối thoại vì lợi ích của đối thoại sẽ chẳng có ý nghĩa gì” và kêu gọi Triều Tiên cần phải thể hiện “hành động chân thành và cụ thể”. 

Nhật Bản đang quan ngại rằng tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ không được hòa hảo vì Nhật từng đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Tuy nhiên, ông Moon cũng đã nói với ông Abe rằng, lịch sử không phải là rào cản, mặc dù ông Abe khiến Hàn Quốc không hài lòng với thỏa thuận vào năm 2015 nhằm chấm dứt tranh chấp về bồi thường cho phụ nữ Hàn Quốc trước đây bị buộc phải làm việc tại các nhà chứa Nhật Bản trong Thế chiến II. 

Dự kiến, hai nhà lãnh đạo có thể có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên vào tháng 7 tới bên lề hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Đức.

Cải thiện mối quan hệ Hàn - Trung 

Cùng ngày, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên cũng đã  nhất trí cải thiện các quan hệ song phương và phối hợp chặt chẽ trong vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 40 phút, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhận thấy tầm quan trọng của việc làm dịu tình hình căng thẳng trong khu vực, kêu gọi tất cả các nước liên quan cần hợp tác theo hướng này và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung của hai nước. Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Young-Chan nói với các phóng viên rằng ông Moon cũng đã kêu gọi “đối thoại cùng với trừng phạt và gây áp lực” để Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Ông Moon cũng gợi ý Trung Quốc hãy dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông đưa ra lý do,  “Việc giải quyết vấn đề THAAD sẽ dễ dàng hơn nếu không có sự khiêu khích từ Triều Tiên”.  

Đối với THAAD, ông Moon nói với ông Tập rằng ông “nhận thức rõ” về các mối quan ngại của Trung Quốc. Ông Moon kêu gọi mở các cuộc hội đàm song phương để “gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau về vấn đề này”. “Tổng thống Moon hiểu được sự quan tâm của Trung Quốc đối với việc triển khai THAAD, ông hy vọng hai nước nhanh chóng có thể trao đổi thông tin để nâng cao hiểu biết lẫn nhau”, ông Yoon nói. 

Được biết, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc lại bắt đầu căng thẳng khi Hàn Quốc quyết định cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này. Trung Quốc ngay từ đầu luôn lên tiếng phản đối hệ thống THAAD  cho rằng hệ thống này đe dọa tới an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc đã đồng ý thảo luận những biện pháp giải quyết vấn đề này, trước tiên thông qua các đặc phái viên. Thời điểm hai bên gửi đặc phái viên đàm phán về THAAD chưa được xác định, song ông Tập đã mời ông Moon thăm chính thức Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, “Hàn Quốc và Trung Quốc nên tôn trọng mối quan tâm của nhau, dành cho nhau sự quan tâm đặc biệt, cùng nhau tìm kiếm cơ sở chung và xử lý tranh chấp một cách hợp tình hợp lý”. 

Phía Tổng thống Moon cũng lưu ý tới Trung Quốc, vì việc triển khai THAAD mà các công ty Hàn Quốc đang làm ăn ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn, yêu cầu Chủ tịch Tập “chú ý đặc biệt” để giải quyết những lo ngại đó. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận họ không làm bất cứ điều gì để trả đũa các doanh nghiệp Hàn Quốc. 

Mềm mỏng với Triều Tiên hơn người tiền nhiệm

Được biết, ông Moon là một người cánh tả tự do, nhận mình là cá nhân duy nhất đủ khả năng hàn gắn hai miền Triều Tiên. So với người tiền nhiệm, ông Moon có phần mềm mỏng và ôn hòa với Triều Tiên hơn. 

Phát ngôn viên của tân Tổng thống Moon, ông Yoon Young-chan cho biết: “Nghị quyết trừng phạt đối với Triều Tiên phải toàn diện và liên tục, áp lực của các lệnh trừng phạt cũng phải được sử dụng song song với đàm phán mới mong có hiệu quả. Trừng phạt Triều Tiên cũng là một phương tiện để đưa Bình Nhưỡng tới bàn đàm phán nhằm loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ”. 

Trong thời gian bán đảo Triều Tiên căng thẳng vì chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng, ông Moon đã chỉ trích chính sách cứng rắn của bà Park và người tiền nhiệm Lee Myung-bak. Ông cho rằng một thập kỷ qua Hàn Quốc đã bất lực trong việc giải quyết tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Mới đây, cố vấn chính sách ngoại giao của ông Moon cho biết tân Tổng thống sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên với điều kiện quốc gia này từ bỏ tham vọng hạt nhân. Trước đó, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Moon tỏ thiện chí tiến tới hợp tác với Triều Tiên, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - giải pháp tốt nhất để có thể thúc đẩy quan hệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. 

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên, tại Hàn Quốc đã xuất hiện một chính phủ có lập trường hòa giải với Triều Tiên, đây là cơ hội để Triều Tiên mở ra cục diện mới. Nhiều quan chức ngoại giao lo ngại cho rằng, hợp tác Nhật - Mỹ - Hàn xuất hiện rạn nứt, con đường loại bỏ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên e rằng sẽ ngày càng xa.

Triều Tiên kêu gọi Hàn Quốc chấm dứt đối đầu

Trong một diễn biến có liên quan, ngay sau khi tân  Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên kêu gọi chính phủ mới của Hàn Quốc chấm dứt các chính sách đối đầu, bao gồm việc tập trận chung với Mỹ. 

Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn một bài viết của nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên có đoạn nhấn mạnh: “Hai miền Triều Tiên cần tôn trọng nhau và mở ra một chương mới để tiến lên theo hướng cải thiện mối quan hệ giữa hai bên và thống nhất Bán đảo Triều Tiên... Triều Tiên và Hàn Quốc nên tìm kiếm đối thoại và thương lượng ở nhiều cấp độ”.

Ngoài ra, bài báo còn kêu gọi phía Hàn Quốc cấm các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới giữa hai miền, đồng thời nêu rõ cần phải làm dịu tình trạng căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nổ ra xung đột gần biên giới trên bộ cũng như tại các vùng biển phía Tây.