Hàng không thế giới có thể thiệt hại 5 tỉ USD vì Covid-19

(PLVN) - Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) – một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp quốc – trong một tuyên bố dự báo rằng dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra có thể khiến doanh thu của các hàng hãng không giảm từ 4 đến 5 tỷ USD trong quý I/2020.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Reuters dẫn tuyên bố của ICAO cho hay, Covid-19 dự kiến sẽ có tác động tới ngành công nghiệp hàng không lớn hơn so với dịch SARS năm 2003, với số lượng và mức độ hủy và hoãn các chuyến bay trên toàn cầu cao hơn.

Theo thống kê, đến nay, khoảng 70 hãng hàng không đã hủy tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc đại lục và 50 hãng khác phải giảm hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc công suất của các hãng hàng không nước ngoài đối với khách du lịch trực tiếp đến và đi từ Trung Quốc đã bị giảm 80%, còn công suất của các hãng hàng không Trung Quốc giảm 40%.

Theo ICAO, ước tính, số hành khách bị giảm so với dự báo trong quý I/2020 là khoảng gần 20 triệu, tương đương với mức thất thu tới 5 tỷ USD.

ICAO cho biết, ước tính thiệt hại sơ bộ này không bao gồm các tác động tiềm tàng đối với các máy bay chở hàng, sân bay, nhà cung cấp dịch vụ hàng không và hoạt động giao thông hàng không nội địa tại Trung Quốc cũng như hoạt động giao thông hàng không giữa Trung Quốc nội địa với Hongkong, Macau và Đài Loan.

Theo ICAO, Nhật Bản sẽ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức thiệt hại được dự báo có thể lên tới 1,29 tỷ USD do việc giảm lượng du khách đi bằng đường hàng không từ Trung Quốc tới nước này trong quý I/2020. Trong khi đó, Thái Lan được dự báo sẽ hứng chịu thiệt hại 1,15 tỷ USD.

Cũng liên quan đến dịch bệnh, Reuters dẫn lời các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ khan hàng và tăng giá thuốc từ Ấn Độ nếu dịch do Covid-19 gây ra làm đứt quãng nguồn cung nguyên liệu dược phẩm từ Trung Quốc đến hết tháng 4.

Ấn Độ hiện là một nhà cung cấp thuốc gốc lớn cho thế giới và các công ty Ấn Độ nhập gần 70% các thành phần hoạt chất dược phẩm từ Trung Quốc để sản xuất. Các nhà sản xuất thuốc gốc của Ấn Độ cho biết họ hiện có đủ nguồn cung các thành phần hoạt chất dược phẩm từ Trung Quốc để sản xuất thuốc trong 3 tháng tới. 

Do vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, số lượng hoạt chất dược phẩm và thuốc mà Trung Quốc có thể xuất khẩu sẽ bị giảm, kéo theo tình trạng thiếu thuốc và giá cả leo thang, đặc biệt ở Mỹ bởi Ấn Độ cung cấp gần 1/3 dược phẩm được bán tại Mỹ, thị trường chăm sóc sức khỏe lớn nhất và sinh lời nhất thế giới.

Theo ông Daara Patel - Tổng Giám đốc Hiệp hội sản xuất thuốc Ấn Độ, nguồn cung từ Trung Quốc có thể bị đứt quãng từ tháng 4 tới. Trong trường hợp này, các loại vitamin và kháng sinh sẽ bị tác động nhiều nhất bởi Ấn Độ là nhà sản xuất nhiều 2 loại dược phẩm này.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, trong báo cáo cập nhật ngày 14/2, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết đã ghi nhận 121 ca tử vong và 5.090 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 13/2, nâng tổng số người thiệt mạng vì virus này đến nay lên thành 1.380 người còn số người nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục là 63.851 người. Trong số này, 55.748 đang được điều trị.

Ông Michael Ryan - Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ngày 13/2 cho rằng việc số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc trong ngày 12/2 tăng vọt là do có sự thay đổi trong cách chẩn đoán và báo cáo của Chính phủ Trung Quốc; không phải là sự thay đổi đáng kể trong diễn biến của dịch bệnh và không đến mức là “bề nổi của tảng băng chìm” của một đại dịch có quy mô lớn hơn.

Nhật Bản ngày 13/2 cũng đã ghi nhận người đầu tiên nhiễm Covid-19 tử vong nhưng sự liên hệ giữa virus và cái chết của người này hiện chưa rõ ràng.