Hàng triệu công chức Hàn Quốc lo lắng trước luật chống tham nhũng mới

(PLO) -Hàn Quốc vừa chính thức thực thi luật phòng chống tham nhũng mới được nhiều người ca ngợi là một cột mốc để giúp loại trừ tình trạng tham nhũng ở cấp thấp tại nước này.
Hình minh họa
Hình minh họa

Quy tắc 3-5-10

Thông báo về việc luật chống tham nhũng mới chính thức có hiệu lực được Ủy ban phòng chống tham nhũng và quyền dân sự của Hàn Quốc phát đi hôm 28/9 vừa qua. Luật này còn được gọi là Luật Kim Young-ran – cựu chủ nhiệm của ủy ban trên, đồng thời cũng là một cựu thẩm phán của Tòa án tối cao Hàn Quốc, người đã soạn thảo và đệ trình dự thảo luật từ năm 2012.

Theo truyền thông Hàn Quốc, luật mới có hiệu lực sẽ điều chỉnh hành vi của khoảng 4 triệu công chức và nhân viên của các cơ sở giáo dục tại Hàn Quốc.

Cụ thể, luật cấm các giáo viên nhận hối lộ từ cha mẹ học sinh để cho điểm cao hơn, các nhà báo nhận ân huệ để đăng bài theo hướng có lợi cho người khác hay các quan chức nhận tiền của các doanh nhân để đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ. Luật cũng cấm tình trạng ưu tiên điều trị cho người thân như việc đẩy nhanh lịch mổ vốn lâu nay phổ biến trong giới bác sỹ và nhân viên của các bệnh viện.

Theo quy định của luật mới, tất cả những đối tượng nói trên sẽ bị cấm nhận bất kỳ món quà, tiền mặt hay các món đồ tương tự tiền có giá trị ở các mức khác nhau. Trong đó, việc ăn trưa hay ăn tối tại nhà hàng bị giới hạn ở mức tối đa là 30.000 won (25 USD), quà tặng có giá trị cao nhất là 50.000 won (43 USD). 

Tại các sự kiện mang tính chất gia đình như đám cưới, đám tang hay tiệc mừng một em bé ra đời, gia chủ chỉ được nhận quà hay tiền có giá trị dưới 100.000 won (85 USD). Quy định này hiện được người Hàn Quốc gọi là quy tắc 3-5-10. Những cán bộ, công chức ở Hàn Quốc chiểu theo luật này cũng bị cấm tham gia những buổi chơi golf do người khác mời.

Nếu giá trị của quà tặng vượt quá các mốc trên, người vi phạm sẽ bị phạt tiền và nếu số tiền lên đến hơn 1 triệu won (850 USD), người vi phạm sẽ bị xử phạt hình sự. Hãng tin Yonhap cho biết, những người nhận tiền từ hơn 1 triệu won tới dưới 3 triệu won trong 1 năm sẽ đối mặt mức phạt tù tối đa là 3 năm hoặc bị phạt tiền tối đa là 30 triệu won.

Những mức phí trả cho các bài giảng cũng được quy định rõ. Ví dụ, chi phí cho giờ giảng đầu tiên của một bộ trưởng không vượt quá 425 USD và giờ giảng đầu tiên của một công chức cấp 5 là 170 USD.

Tất cả những giờ dạy tiếp theo được trả với tỉ lệ bằng một nửa số tiền của giờ dạy đầu tiên. Còn các bài giảng của các nhà báo và các giáo viên ở trường tư có thể được trả cao nhất là 850 USD/giờ, không kể vị trí của người giảng.

Hoàn toàn khác biệt

Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới và lớn thứ 4 châu Á – trong thời gian qua luôn bị xếp ở nhóm yếu về mức độ tham nhũng và minh bạch. Năm ngoái, nước này đứng thứ 37 trong bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng thế giới và thứ 123 về mức độ minh bạch trong hoạch định chính sách công tại Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới. 

Trong nhiều thập kỷ qua, nước này liên tiếp xảy ra những bê bối hối lộ liên quan đến các chính trị gia, các quan chức cấp cao và các doanh nhân giàu có. Trong khi đó, những tổ chức truyền thông lớn ở Hàn Quốc cũng thường xuyên bị chỉ trích vì gỡ hay bác bỏ những bản tin gây tổn hại đến những đối tác quảng cáo lớn của họ.

Theo các chuyên gia, trước đây, những người vi phạm luật phòng chống tham nhũng cũ thường lợi dụng những lỗ hổng của luật như việc chứng minh rằng tiền hay quà tặng trao tay là để đổi lấy đặc ân hay đơn thuần chỉ là một biểu hiện của sự thân thiện. 

Hình phạt đối với việc nhận hối lộ cũng chỉ được áp dụng sau khi nhà chức trách xác nhận mối liên hệ giữa việc nhận tiền, quà với những hành động thê hiện sự “ưu ái” của các công chức. Tuy nhiên theo luật mới, cơ quan chức năng sẽ không cần phải chứng minh mục đích đằng sau việc nhận quà và cũng không chấp nhận xem xét bất cứ lý do nào được đưa ra, chỉ cần có bằng chứng xác minh số tiền hay giá trị của món quà vượt quá mức quy định là có thể áp hình phạt tương ứng. 

“Luật này khác hoàn toàn với luật cũ. Nó điều chỉnh phạm vi những hành động sai trái lớn hơn cũng như quy định mức phạt nghiêm khắc hơn với những người vi phạm. Luật sẽ giúp chấm dứt những thói quen cũ. Mọi người có thẻ cảm thấy bất tiện nhưng thuốc đắng thì mới dã được tật” – Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye Kyun nói. 

Người phát ngôn của tổng tống Hàn Quốc Jung Youn Kuk cũng cho rằng luật mới sẽ là một bước ngoặt để thiết lập một xã hội công bằng, trong sạch để tăng cường tính liên chính của nhà nước.

Các tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ với luật mới. Bà Lee Eun Mi – người đứng đầu Trung tâm theo dõi hành chính thuộc tổ chức Đoàn kết nhân dân vì sự tham gia dân chủ  - hồi tuần trước nhận định luật trên sẽ khiến nhiều người “nghĩ lại lần 2 mỗi khi có cơ hội nhận rượu vang và các bữa ăn hay quà tặng”.

Những tác động đầu tiên

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, kể từ khi luật có hiệu lực, lượng đặt chỗ cho các buổi chơi golf đã giảm đáng kể trong khi những đám cưới cũng ít người dự hơn hẳn. Các bệnh viện cũng đã cho đăng tải, trưng các biển cảnh báo về qùa cảm ơn cho các bác sỹ, y tá ở khắp nơi. 

Theo một báo cáo được Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc công bố hồi tháng 6 vừa qua, các công ty tiêu dùng và giải trí có thể mất đến 11,6 nghìn tỉ won (tương đương 10,43 tỉ USD) bởi luật này. Nhiều doanh nghiệp và nhà hàng ở Hàn Quốc cũng đã phàn nàn về việc doanh số của họ bị giảm khi luật có hiệu lực. 

Bên cạnh đó, luật trên cũng đã tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều điều mới mẻ tại Hàn Quốc. Ví dụ, một số nhà hàng gần đây đã giới thiệu “menu Kim Young Ran” có mức giá từ 29.900 won đổ xuống, trong khi một số nơi đã xuất hiện tình trạng thực khách tách hóa đơn để lách luật – tình trạng trước nay chưa xuất hiện ở nước này. 

Một ứng dụng trên điện thoại gần đây cũng đã ra mắt để giúp người dùng tra cứu xem liệu họ có là mục tiêu nhắm đến của luật hay không cũng như những quy định chi tiết của luật này để tránh vi phạm.

Ngoài ra, theo AFP, luật này cũng đưa đến sự ra đời của một nhóm người mới được đặt biệt danh là “ran-parazzi” - những người luôn lăm lăm máy ảnh trên tay, săm soi ở các đám cưới sang trọng, đám tang hay các nhà hàng hạng sang để phát hiện những người vi phạm luật để nhận được số tiền lên đến 200 triệu won (tương đương 181.691 USD) dành cho những người có công tố giác tội phạm theo quy định trong luật.

Thậm chí, một trung tâm đào tạo những người chuyên săm soi như vậy còn được thành lập ở quận Gangnam ở thủ đô Seoul, với tên gọi nghe rất “hoành tráng”: Trụ sở tin báo vì một nền hành chính chính công tốt đẹp. 

Ngoài đào tạo những người chuyên tới thăm dò ở các đám cưới, trung tâm này cũng hướng dẫn các học viên về nghệ thuật do thám ở các trường học để phát hiện vi phạm. 

“Các bạn vừa có thể trở nên giàu có vừa có thể trở thành người yêu nước. Các bạn có thể nhặt biên lai thẻ tín dụng từ thùng rác của các nhà hàng vì các bạn cần thu được bằng chứng” – người sáng lập trung tâm có tên Moon Seoung-ok nói với những học viên.

Tại Hàn Quốc, khái niệm “paparazzi” được sử dụng cho không chỉ những thợ ảnh chuyên đuổi theo các ngôi sao mà còn với cả những người có thể giành được tiền mặt theo các chương trình “trình báo và nhận thưởng” khác nhưng phát hiện hành vi vượt đèn báo giao thông hay vứt đầu mẩu thuốc lá ở đường phố.

Trong khuôn khổ khóa đào tạo của mình, ông Moon dạy các học viên nhiều “bí kíp” thu thập bằng chứng, bao gồm việc sử dụng những chiếc máy ảnh được giấu kín, kiểm tra những bản tin cáo phó trên báo để phát hiện những nơi tổ chức đám tang cho những người thuộc tầng lớp thượng lưu…

Bà Otgoutugs Ochir, một bà nội trợ 46 tuổi, là một trong 10 người dự một lớp đào tạo như thế của ông Moon. Bà cho biết bà hy vọng có thể kiếm được đủ tiền để mua căn hộ. Nhưng bà cũng khẳng định lòng yêu nước mới là động cơ chính trong hành động của bà. “Nếu số người nhận tiền bất hợp pháp giảm xuống, các con của tôi có thể được sống trong một môi trường tốt hơn” – bà cho hay.