Hầu tòa vì từ chối hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn

(PLO) -Bất chấp những chỉ trích, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere vẫn khẳng định, sẽ tiếp tục trục xuất những đối tượng nguy hiểm, phạm tội và những người từ chối cung cấp danh tính thật sự của họ. 
 
Dòng người tị nạn vào châu Âu
Dòng người tị nạn vào châu Âu

Và vụ trục xuất 27 người Afghanistan của Đức hôm 7-12 đang gây sự chú ý của dư luận bởi diễn ra đúng thời điểm Liên minh châu Âu (EU) quyết định đưa 3 nước thành viên ra Tòa án tối cao của khối, vì liên quan tới việc Hungary, Cộng hòa Czech và Ba Lan từ chối hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. 

Ra tòa tranh biện

Ngày 7-12, hãng AFP và Reuters dẫn quyết định của Ủy ban châu Âu về việc đưa Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu vì “không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý đối với việc phân bổ hạn ngạch người di cư". Trước đó, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech đã chính thức bị Uỷ ban châu Âu trừng phạt vì từ chối tham gia chương trình phân bổ người tị nạn của khối. 

Đó là bước đi đầu tiên và sau khi các bên liên quan không tìm được giải pháp nên vụ việc được chuyển lên Toà án Công lý châu Âu để ra phán quyết về các trừng phạt tài chính. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng tuyên bố, chương trình của EU không hiệu quả, và cáo buộc Uỷ ban châu Âu đang “tống tiền Hungary”. “Hungary sẽ không thay đổi chính sách nhập cư của mình và sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ ý nguyện người dân”, Thủ tướng Hungary Vicktor Orban đã tuyên bố như vậy sau khi Tòa án Công lý châu Âu bác đơn kiện của Hungary và Slovakia phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư của EU. Đồng thời nhấn mạnh, Hungary không phải là thành viên EU duy nhất không thực hiện cơ chế hạn nghạch, và việc này không được thực thi nghiêm túc trên thực tế. 

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định, họ sẽ không khuất phục trước sức ép của EU. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Blaszczak coi chương trình của EU đang thu hút nhiều người tị nạn hơn về châu Âu. Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslap Sobotka tuyên bố, nước này sẽ không thay đổi quan điểm của mình đối với vấn đề người di cư. Còn Bộ trưởng Nội vụ Czech Milan Chovanec khẳng định, nước này không tiếp nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào từ Italia và Hy Lạp dựa trên hạn ngạch phân bổ của EU.

Người tị nạn bị khoanh vùng
 Người tị nạn bị khoanh vùng

Gánh nặng dân di cư

Quyết định kể trên diễn ra trong bối cảnh EU, Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) vừa nhất trí về một kế hoạch khẩn cấp nhằm triệt phá các đường dây buôn người và hồi hương những người di cư không được xét quy chế tị nạn. Theo giới truyền thông, EU đang gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai với hơn 1,5 triệu người nhập cư vào khối này kể từ năm 2015. 

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cũng vừa công bố báo cáo cho thấy, hơn 33.000 người di cư đã chết trên biển Địa Trung Hải trong lúc cố đến các bờ biển châu Âu kể từ năm 2000. Điều này đã khiến Địa Trung Hải trở thành biên giới chết chóc nhất thế giới. Và theo số liệu của IOM, từ đầu năm 2017 đến nay, khoảng 161.000 người di cư và tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển, trong đó khoảng 75% người đến Italia và những người còn lại đến Hy Lạp, Cyprus, Tây Ban Nha. 

Theo báo cáo tóm tắt của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), mặc dù số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu giảm 42%, nhưng số lượng nạn nhân thiệt mạng hoặc mất tích chỉ giảm 15% so với năm 2015. UNHCR cũng cho biết, nhiều người di cư đang đối mặt với nguy cơ bị thiệt mạng và lạm dụng bởi họ vẫn phải dựa vào mạng lưới vận chuyển của bọn buôn người. Vẫn theo UNHCR, tình trạng bạo lực và lạm dụng thường xảy ra trên hành trình của người tị nạn, nhiều người bị bạo lực tình dục, tra tấn và bắt cóc đòi tiền chuộc. 

Trung tâm Giám sát di cư nội địa (IDMC) và Hội đồng Di cư Na Uy (NRC) vừa công bố báo cáo cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017 các cuộc xung đột, bạo lực và thiên tai ở châu Phi đã khiến khoảng 15.000 người phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày. Giám đốc IDMC Alexandra Bilak cho biết, tình hình ngày một tồi tệ đòi hỏi một cách tiếp cận mới, vượt lên trên hành động nhân đạo, để giải quyết tận gốc các nguyên nhân và giúp giảm số người phải sơ tán, di cư.