Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có thể có hiệu lực từ cuối năm 2019

(PLO) - Báo cáo hàng năm do Chiến dịch Quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) thực hiện và được công bố ngày 29/10 cho biết, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có thể có hiệu lực vào cuối năm 2019.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Theo Reuters, báo cáo có tên Giám sát lệnh cấm vũ khí hạt nhân do Cơ quan Phát triển nhân dân Na Uy công bố ngày 29/10 cho biết, 19 nước đã tuân thủ Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Động thái này tạo nền tảng để hiệp ước có thể sớm nhận được sự phê chuẩn của 50 nước cần thiết để chính thức có hiệu lực.

“Chúng tôi đang thúc đẩy để hiệp ước được 50 nước phê chuẩn vào cuối năm 2019. Hiện có khoảng 25 đến 30 nước thông báo sẵn sàng phê chuẩn hiệp ước vào cuối năm 2019. Vì vậy, đây là việc hoàn toàn có thể”, bà Beatrice Fihn – Giám đốc điều hành ICAN cho hay. Báo cáo cũng đã liệt kê danh sách 127 nước ủng hộ hiệp ước.

Hiện, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đang vấp phải sự phản đối của một số cường quốc hạt nhân lớn với lý do nó có thể làm suy yếu khả năng ngăn chặn hạt nhân của họ. Song, bà Fihn đã bác bỏ lo ngại này. “Nếu anh nghĩ rằng có thêm nhiều vũ khí hạt nhân sẽ an toàn hơn, vậy tại sao Triều Tiên có vũ khí hạt nhân lại là vấn đề? Việc này cũng tương tự như cuộc tranh luận về súng ống ở Mỹ, súng có thể khiến anh cảm thấy an toàn hơn nhưng tất cả các số liệu thống kê và logic đều cho thấy rằng anh sẽ có nguy cơ bị bắn cao hơn nếu có vũ khí trong nhà”, bà nói.

Thông tin trên được công bố chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung mà Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ký với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987. Theo bà Fihn, INF đã có tác dụng trong việc ngăn chặn các tên lửa có thể “cuốn phăng các thành phố của châu Âu”. Bà này cho rằng nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới khiến việc các nước phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trở nên cấp thiết hơn./.