Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc có hiệu lực từ hôm nay

(PLVN) - Hiệp ước của Liên hợp quốc cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22/1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020.
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc chính thức có hiệu lực. (Nguồn: banmonitor.org)
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc chính thức có hiệu lực. (Nguồn: banmonitor.org)

Theo Kyodo, Hiệp ước của Liên hợp quốc cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22/1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020.

Đây là một bước tiến mới mà những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử và các nhà hoạt động chống hạt nhân rất mong đợi.

Hồi tháng 7/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua hiệp ước, với sự chấp thuận của 122 quốc gia. Hiệp ước này cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong khi các quốc gia và khu vực tham gia hy vọng rằng Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sẽ tạo động lực cho phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, thì việc ra mắt quy chuẩn quốc tế lịch sử này lại bị hủy hoại bởi sự vắng mặt của các quốc gia có vũ khí hạt nhân cũng như Nhật Bản, quốc gia duy nhất đã phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử.

Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) đều là các cường quốc hạt nhân và đều phản đối Hiệp ước cấm hạt nhân.

Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác như Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan cũng từ chối tham gia.

Triển vọng giải trừ hạt nhân giữa hai siêu cường vũ khí Mỹ và Nga vẫn chưa chắc chắn, mặc dù tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới năm 2010, dự kiến hết hạn vào tháng Hai, hiện là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Washington và Moskva.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide một lần nữa nhấn mạnh nước này không có ý định tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc, đồng thời bày tỏ hoài nghi tính hiệu quả của một thỏa thuận mà không được các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ủng hộ.

Thủ tướng Suga cũng nhấn mạnh Nhật Bản sẽ "thận trọng" trong việc cân nhắc tư cách quan sát viên đối với TPNW, hiệp ước có hiệu lực cùng ngày sau khi hơn 50 nước tham gia thông qua.