Hillary Clinton đi vào lịch sử nước Mỹ

(PLO) - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên đại diện cho một chính đảng lớn của cường quốc số một thế giới giành tấm vé tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Lần đầu tiên, nước Mỹ có một nữ ứng cử viên Tổng thống
Lần đầu tiên, nước Mỹ có một nữ ứng cử viên Tổng thống

Trong một động thái thể hiện sự đoàn kết của đảng Dân chủ, đối thủ chính của bà Clinton trong cuộc đua giành vé của đảng này tham gia tranh cử tổng thống, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã tuyên bố với người chủ trì Đại hội đảng rằng bà Clinton phải là người được lựa chọn trong cuộc bỏ phiếu bổ nhiệm chính thức tại Đại hội đảng Dân chủ ở Philadelphia lần này.

Ông phát biểu trước hàng nghìn đại biểu tại Trung Tâm Wells Fargo: “Tôi kêu gọi ủng hộ việc lựa chọn bà Hillary Clinton trở thành đại diện của đảng Dân chủ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ”.

“Người cầm cờ” của đảng Dân chủ

Như vậy, sau cuộc cạnh tranh khốc liệt với đối thủ Sanders trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, bà Clinton đã chính thức trở thành “người cầm cờ” của đảng này ra tranh đấu với ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump vào ngày 8/11 tới. Bà Clinton, người đã hứa hẹn sẽ khắc phục sự bất bình đẳng trong thu nhập và kiểm soát Phố Wall nếu trở thành Tổng thống Mỹ, đã sẵn sàng trở thành trở ngại lớn nhất trên con đường bước vào Phòng Bầu Dục của ông Trump.

Sự bổ nhiệm chính thức mang tính lịch sử trong đêm 26/7 này cũng đẩy lùi những bất đồng đã phần nào phủ bóng đen lên ngày khai mạc đại hội đảng, khi những người ủng hộ ông Sanders đã liên tục làm gián đoạn tiến trình của đại hội với những tiếng la ó phản đối bà Clinton và ca tụng ông Sanders.

Trước khi việc bổ nhiệm bà Clinton được chính thức hóa, phe ủng hộ ông Sander vẫn còn cơ hội để thể hiện lòng trung thành của mình với Thượng nghị sĩ bang Vermont. Đại biểu đến từ Hawaii Tulsi Gabbard thậm chí còn tuyên bố cuộc vận động cho ông Sanders sẽ “không thể bị ngăn chặn hoặc đẩy lùi”. 

Tuy nhiên, 15 phiếu bầu của các đại biểu đến từ bang Nam Dakota vào ngày 26/7 đã giúp bà Clinton đạt trên 2.383 phiếu, số lượng cần thiết để chính thức được bổ nhiệm. Với chỉ 1.865 phiếu so với 2.842 của bà Clinton, ông Sanders cùng những người ủng hộ mình buộc phải thừa nhận chiến thắng của đối thủ Clinton. Khi Thượng nghị sĩ Barbara Mikulsky từ bang Maryland chính thức nêu tên bà Clinton sau cuộc bỏ phiếu bổ nhiệm, các đại biểu đã chính thức hô vang “Hillary, Hillary”. 

Dấu mốc của lịch sử 240 năm

Trong phát biểu bổ nhiệm bà Clinton, tất cả các đại biểu đều nhấn mạnh đến việc một phụ nữ được bầu chọn làm đại diện đã ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử 240 năm của nước Mỹ. Kể từ năm 1920, sau khi bản sửa đổi Hiến pháp lần thứ 19 được thông qua, nữ giới tại Mỹ đã bắt đầu có quyền đi biểu quyết.

Thượng nghị sĩ Mikulski nói: “Đúng vậy, chúng ta đã phá vỡ các rào cản, bản thân tôi cũng từng xô đổ một rào cản khi trở thành người phụ nữ đầu tiên của đảng Dân chủ được bầu làm Thượng nghị sĩ. Vì vậy, hôm nay, tôi ở đây với tất cả tấm lòng của mình, để xướng tên bà Hillary Clinton làm người phụ nữ đầu tiên đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống Mỹ”.

Những người vận động tranh cử cho bà Clinton đặt hy vọng đêm 26/7, một đêm vinh danh những câu chuyện về cuộc đời, về những thành tựu, và những lời ca tụng cựu Ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ và Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, sẽ dần xóa bỏ sự ngờ vực của nhiều cử tri đối với bà, kể cả ở đảng Dân chủ.

Trong đêm thứ hai của Đại hội đảng, sẽ có nhiều hoạt động nhằm tán dương bà Clinton, trong đó có các bài phát biểu về những thành tích nổi bật mà bà đạt được trong nhiều năm qua ,trong đó có các vấn đề như chăm sóc y tế và sự bênh vực cho trẻ em và các gia đình.

Karen Finney, một cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton, nói: “Đêm nay chúng ta sẽ viết nên lịch sử trong 100 năm hình thành và phát triển của nước Mỹ. Điều chúng ta sẽ tập trung làm là nói về câu chuyện đó, kể về cuộc đời bà Clinton và những đấu tranh trong suốt hành trình sự nghiệp của bà”.

Những câu chuyện này sẽ được kể lại bởi hàng loạt nhà lập pháp, những nhân vật nổi tiếng và các luật sư. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama là một trong những ngôi sao sáng trong đêm khai mạc đã xác nhận bà Clinton là ứng viên duy nhất trong cuộc đua giành chức tổng thống, xứng đáng là hình mẫu cho quốc gia vì trẻ em.

Ngoài ra, Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden cũng có bài phát biểu trong ngày 27/7, cùng với Thượng nghị sĩ bang Virginia Tim Kaine, phụ tá mới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của bà Clinton. Trong số các diễn giả phát biểu tại đại hội còn có một số phụ nữ có con là nạn nhân của các vụ xả súng bạo lực.

Điểm sáng trong ngày 26/7 vừa qua chính là cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu tổng thống đầu tiên có vợ là ứng viên tổng thống đương thời. Ông đã thường xuyên tham gia vận động cho vợ mình, nhưng chủ yếu ở các thành phố và thị trấn nhỏ, vì đây là một phần trong nỗ lực để ông đóng vai trò hậu trường trong cuộc chạy đua của bà Clinton. Trong cuộc vận động của bà hồi năm 2008, ông đã khiến một số thành viên đảng Dân chủ tức giận khi đưa ra những bình luận thô thiển về ông Obama.

Năm nay, ông cũng đã gây thất vọng khi hồ sơ về thi hành luật và thương mại bị chính đảng mà ông từng dẫn dắt đặt nghi vấn. Đỉnh điểm là quyết định gây tranh cãi của ông khi có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch ngay khi FBI đang tiến hành điều tra việc bà Clinton sử dụng email cá nhân thời còn làm ngoại trưởng. 

Không ít thách thức

Dù tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ, nhiều diễn giả đã vẽ ra một bức tranh lớn đa màu sắc về nước Mỹ và tương lai thay vì những gì u tối và nguy hiểm được khắc họa bởi đảng Cộng hòa, thì bà Hillary cùng đảng của mình cũng còn phải đối mặt với không ít thách thức.

Trước hết, chính bà Hillary Clinton hiện có một hình ảnh méo mó- một phần do đảng Cộng hòa cố tình tìm cách bóp méo và một phần do kết quả các sự lựa chọn chưa thật chuẩn của riêng bà. 2/3 số cử tri đăng ký không tin rằng bà là người trung thực và đáng tin cậy. Số người cho rằng bà Clinton là người trung thực thậm chí còn ít hơn ông Trump, dù khoảng cách không quá lớn. Cả hai đều có nhiều chỉ số tiêu cực đến không ngờ.  

Mặc dù bà Clinton vẫn là người được trông chờ sẽ giành chiến thắng trong tháng 11 tới, nhưng cuộc đua đang tới rất gần khiến mọi người không thể ngồi yên. Hiện vẫn có nhiều con đường dẫn tới thành công cho ông Trump, dù có thể sẽ rất chông gai.

Tuần trước, bà Clinton có cơ hội lay chuyển cuộc đua với sự lựa chọn “phó tướng”, nhưng thay vào đó bà lại lựa chọn con đường an toàn hơn với việc công bố ông Tim Kaine, một nghị sĩ Dân chủ có chủ trương ôn hòa, là ứng viên phó tổng thống. Ông Kaine có nhiều đức tính tốt - là người đáng tin cậy và hòa nhã, một người có quan điểm tự do tới từ bang trọng yếu Virginia - nhưng ông không phải là sự lựa chọn chạm tới làn sóng chủ nghĩa dân túy tiến bộ trong đảng hoặc đáp ứng sự đa dạng cấu thành đảng. Ông Kaine giúp củng cố thông điệp “từ từ bình tĩnh” của bà Clinton, nhưng đó là một thông điệp hợp lý, cần thiết và hoàn toàn tránh được sự bàn tán.

Đảng Dân chủ cũng phải xử lý vấn đề được nêu trở lại liên quan đến tiến trình bầu cử sơ bộ và bộ máy tổ chức của đảng đã thiên vị bà Clinton và đối xử không công bằng với ông Sanders. Điều này đã được khơi dậy tuần trước khi trang mạng WikiLeaks công bố gần 20.000 thư điện tử nội bộ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) mà trong đó, một số quan chức đã bày tỏ sự ác cảm và hoàn toàn phản đối ông Sanders cũng như việc đề cử ông. Sự cấu kết này có thể hủy hoại lòng tin chính trị, củng cố lòng tin của nhiều người rằng hệ thống bầu cử này đã bị gian lận ngay từ đầu.

Trong khi những người ủng hộ bà Clinton cho rằng những lá phiếu tín nhiệm dành cho bà Clinton đã chứng tỏ rằng bà ấy có đủ kinh nghiệm để bước vào Nhà Trắng trong bối cảnh nước Mỹ đang phải trải qua giai đoạn khó khăn trong nỗ lực tăng tốc đà phục hồi kinh tế và giải quyết các thách thức an ninh trong và ngoài nước thì phe phản đối bà cũng đưa ra lập luận rằng bà không đủ sự cứng cỏi để giữ vị trí lãnh đạo đất nước, đồng thời cho rằng bà sẽ bước vào Nhà Trắng với hành trang chính trị lỗi thời của chồng mình là Bill Clinton trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông vào những năm 1990…