Hình thành khu vực mậu dịch tự do giữa EU và Nhật Bản: Gắn kết đối tác xa

(PLO) - Sau khi đã được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, thỏa thuận về thương mại tự do giữa EU và Nhật Bản sẽ có hiệu lực chính thức từ đầu tháng 2/2019. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Thỏa thuận này có tên gọi chính thức là Thỏa thuận Quan hệ đối tác kinh tế (EPA) và cũng còn được gắn cho biệt danh là Thỏa thuận về thương mại tự do giữa Nhật Bản và EU, viết tắt là JEFTA. Trước đó không lâu, EP đã phê chuẩn thỏa thuận về thương mại tự do giữa EU - Singapore, tới đây sẽ tiến hành phê chuẩn thỏa thuận tương tự giữa EU - Việt Nam. 

Sau Canada, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn trên thế giới mà EU ký kết thành lập khu vực mậu dịch tự do. Từ cách đây nhiều năm, EU đã tiến hành đàm phán với Mỹ về khu vực thương mại tự do với tên gọi là Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP), nhưng sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã ngừng ngay tiến trình đàm phán này.

Trong thời gian tiến hành đàm phán với EU về EPA và ông Trump chưa trở thành tổng thống Mỹ, Nhật Bản đã ký kết với Mỹ và 10 đối tác khác thỏa thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Nhưng rồi ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi TPP. Nhật Bản và 10 đối tác kia đã tiến hành đàm phán lại và ký kết thỏa thuận khác với cùng ý tưởng và với tên gọi mới là Quan hệ đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Do không có được TPP và TTIP nên EPA của EU và Nhật Bản trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới ở vào thời điểm hiện tại; và cũng la khu vực mậu dịch tự do song phương lớn nhất mà EU và Nhật Bản từng ký kết với đối tác của họ. EPC có ý nghĩa quan trọng và giá trị thực tiễn to lớn đối với cả hai bên.

Giảm thuế quan và tiến tới không còn thuế quan với tận 99% dòng sản phẩm trong trao đổi thương mại song phương và dỡ bỏ mọi rào cản thương mại là mục tiêu chính của thỏa thuânh này, nhưng không phải là những nội dung duy nhất.

EU muốn Nhật Bản mở cửa thị trường Nhật Bản cho đặc biệt là nông sản của EU, trong khi Nhật Bản coi trọng hàng đầu việc xuất khẩu ô tô sang thị trường EU. 

EU tính rằng EPA sẽ giúp các doanh nghiệp EU tiết kiệm được chi chi phí cho thuế quan ít nhất 1 tỷ Euro hàng năm và giúp GDP của EU tăng thêm ít nhất 0,76 điểm phần trăm hàng năm, xuất khẩu nông sản và thực phẩm của EU sẽ tăng thêm 55%. Nhật Bản tin rằng EPA sẽ làm xuất khẩu xe ô tô của Nhật Bản tăng lên thêm ít nhất 47% hàng năm.

Những nội dung quan trọng khác nữa trong thỏa thuận này là quy định và tiêu chí về bảo vệ môi trường sinh thái, quyền lợi của người lao động, xử lý tranh chấp thương mại, bảo vệ bảh quyền phát minh sáng chế và sở hữu trí tuệ công nghiệp...

Cho tới nay, EU và Nhật Bản đã trở thành những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư rất quan trọng của nhau. Mối quan hệ chính trị giữa hai bên cũng rất tốt đẹp. Tuy nhiên, phải đến khi có được EPA này thì hai bên mới thực sự ràng buộc nhau vào lợi ích chung từ khuôn khổ quan hệ hợp tác mới. EPA vì thế đóng vai trò quyết định đối với tương lai của mối quan hệ giữa EU và Nhật Bản.

Quá trình đàm phán giữa hai bên về EPA không hẳn chóng vánh và dễ dàng. Thất bại của TTIP đối với EU và của TPP đối với Nhật Bản cũng như chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump với biểu hiện rõ nét nhất là cuộc xung khắc thương mại mà Mỹ đã phát động nhằm vào các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ đã buộc EU và Nhật Bản không chỉ quyết tâm hơn mà còn phải dồn bước hơn trong quá trình đàm phán về EPA để nhanh chóng kết thúc thành công quá trình đàm phán, phê chuẩn nó và để cho nó có hiệu lực chính thức. 

Ở cả hai nơi hiện đều có không ít vấn đề khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng khả năng đề kháng của nền kinh tế trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. EPA đưa lại những khả năng giải pháp hữu ích cho những vấn đề ấy ở cả hai phía. Có thể nói được rằng EPA sẽ mở ra một thời kỳ quan hệ hợp tác mới cho EU và Nhật Bản.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2/2019 sau khi hai bên vừa phê chuẩn hiệp định này.

Đây được coi là bước tiến lớn và mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác thương mại cũng như đầu tư giữa hai nền kinh tế chiếm 1/3 GDP thế giới, khi không ít người lo ngại về làn sóng bảo hộ thương mại gia tăng.

Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán hiệp định này từ năm 2013 để thúc đẩy thương mại và ký thỏa thuận vào tháng 7/2018.

Nhật Bản sẽ bãi bỏ thuế đối với khoảng 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU như rượu vang và các sản phẩm pho mát, trong khi EU sẽ từng bước loại bỏ thuế quan đối với khoảng 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, chẳng hạn như ô tô.

Tokyo sẽ mở cửa thị trường dịch vụ chào đón các doanh nghiệp EU, đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính, viễn thông, thương mại điện tử và giao thông.

Kim ngạch thương mại giữa EU và Nhật Bản, đã đạt khoảng 152 tỷ USD trong năm 2017, được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới.

Sau khi chính thức có hiệu lực, FTA Nhật Bản - EU sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự rộng lớn với khoảng 600 triệu dân, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả hai bên và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Đọc thêm