Hơn 1/5 dân Anh sống trong nghèo khó?

(PLO) - Quỹ độc lập Joseph Rowntree (JRF) của Anh ngày 4/12 công bố báo cáo cho biết tổng cộng 14 triệu người ở Anh hiện đang sống trong cảnh bần cùng, tức chiếm đến hơn 1/5 tổng số dân của Anh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo tờ Independent, báo cáo của Quỹ Joseph Rowntree cho biết, so với số liệu của 5 năm trước, ở năm 2017, nước Anh đã có thêm gần 400.000 trẻ em và 300.000 người hưởng trợ cấp đang sống trong cảnh nghèo nàn.

Theo Báo cáo, những người có thu nhập thấp ở Anh hiện đang ngày càng khó có thể mua được nhà hơn, với gần 1 nửa số người có thu nhập thấp nhất, tương đương 3,2 triệu người trong độ tuổi lao động, hiện đang phải chi đến hơn 1/3 thu nhập vào nhà cửa. Việc không mua được nhà cũng đồng nghĩa với việc trong thời gian tới sẽ có nhiều người già phải thuê nhà hơn và số tiền mà họ phải bỏ ra cho chi phí nhà cửa khi về hưu sẽ cao hơn. 

Một đe dọa khác đối với những hộ gia đình nghèo là chi phí sinh hoạt tăng do lạm phát ở nước này liên tục tăng từ năm 2003 đến nay, trừ năm 2010. Vì lý do này nên nhiều hộ gia đình đang lâm vào cảnh không trang trải được các khoản chi tiêu và không có khoản tích lũy khi về hưu. Theo báo cáo, hơn 2 triệu hộ gia đình thuộc diện nghèo nhất ở Anh đang có “vấn đề nợ nần” và 70% những người đang làm việc thuộc nhóm 1/5 dân số nghèo nhất không đóng góp vào quỹ lương hưu, chiếm khoảng 2,3 triệu người.

Báo cáo cho rằng lượng người sống trong cảnh nghèo nàn ở Anh trong các năm trước năm 2011-2012 đã liên tục giảm. Song, những thay đổi về chính sách phúc lợi, đặc biệt là từ sau khi Ngân sách năm 2015 được thông qua, số người nghèo ở Anh đã gia tăng mạnh. Xu hướng này khiến các chuyên gia cảnh báo rằng những tiến bộ mà Anh đã đạt được trong việc giải quyết vấn nạn nghèo đói đang “lâm vào tình trạng nguy hiểm” nếu Chính phủ không sớm có các hành động ngay lập tức. 

Những phát hiện nói trên được công bố trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang đối mặt với những thách thức vì thất bại trong việc cải thiện vấn đề bình đẳng. Cuối tháng trước, toàn bộ hội đồng Ủy ban quản trị xã hội của Chính phủ Anh đã từ chức với lý do nước Anh không đạt được tiến bộ trong việc hướng tới một đất nước công bằng hơn. Ông Alan Milburn – người đứng đầu hội đồng – thông báo từ chức hồi tháng trước sau nhiều tháng chứng kiến Chính phủ “bấp bênh, mất năng lực và thiếu sự lãnh đạo”. Ông Milburn cũng cho rằng có rất ít hy vọng Chính phủ của bà May sẽ giúp đạt được một xã hội công bằng hơn.

Nghị sỹ Debbie Abrahams – Bộ trưởng lương hưu và việc làm của Anh – nói rằng việc tăng thêm 700.000 trẻ em và người già phải sống trong cảnh nghèo nàn là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. “7 năm qua lương không tăng trong khi các khoản tài chính bị cắt giảm, giờ lại cộng thêm việc chi phí cho các khoản chi thiết yếu của các hộ gia đình đang tăng nhanh, viễn cảnh mà hàng triệu người đang phải đối mặt để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống thực sự tồi tệ. Việc cắt giảm các khoản tín dụng phổ quát sẽ đẩy thêm nhiều trẻ em và người lao động lớn tuổi vào nghèo đói. Ngay cả ủy ban phúc lợi của Chính phủ cũng đã từ chức vì thất bại trong hành động”, Bộ trưởng Abrahams nói.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tự do ở Anh Vince Cable trong khi đó cáo buộc các Bộ trưởng trong Chính phủ đang “bận rộn” với việc đấu đá nội bộ và Brexit nên không có thời gian để giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội.