Hơn 2.000 người Philippines thiệt mạng cuộc trấn áp tội phạm ma túy

(PLO) - Theo các thống kê mới nhất, cho đến nay đã có hơn 2.000 người thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng. Trước những chỉ trích từ các tổ chức quốc tế và một số nước, ông Duterte tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Những chiến thuật mạnh tay

Ngay từ khi tuyên bố tranh cử tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte – một luật sư, cựu công tố viên, cựu Thống đốc thành phố Davao – đã gây tranh cãi với các phát biểu bị nhiều người xem là hung hăng, hiếu chiến và tục tĩu.

Tuy nhiên, không vì thế mà ông không được lòng dân. Biểu hiện của việc này là việc ông đã vượt qua các đối thủ khác, được người dân Philippines bầu làm người lãnh đạo của đất nước. 

Chiến thắng của ông Duterte một phần đến từ cam kết mạnh tay trấn áp tội phạm ma túy được ông đưa ra khi tranh cử, trong đó khẳng định ông sẽ tiêu diệt 10.000 tên tội phạm nhằm xóa sổ chất gây nghiện mà ông cho là đang gây đau khổ tới những người nghèo khỏi xã hội Philippines. 

Thực hiện đúng cam kết được đưa ra trước đó, ngay từ khi chuẩn bị lên nắm quyền, ông Duterte đã bắt tay vào thực hiện chiến dịch bài trừ ma túy mạnh mẽ ở Philippines.

Trong số các biện pháp cụ thể được ông đưa ra trong cuộc trấn áp tội phạm là chính sách miễn trừ và thưởng tiền cho cảnh sát và người dân tiêu diệt được những đối tượng có liên quan đến buôn bán ma túy; bêu tên những quan chức bị tình nghi có dính dáng đến ma túy để buộc họ hoặc phải thừa nhận hành vi của mình hoặc phải tự chứng minh được sự trong sạch.

Ngoài ra, ông Duterte cũng khuyến khích người dân tiêu diệt những người nghiện, cam kết sẽ khôi phục án tử hình để áp dụng với những đối tượng phạm tội ở mức độ nghiêm trọng… Một số nguồn tin nói rằng, chính phủ cũng đã thuê những sát thủ chuyên nghiệp để giết chết tội phạm ma túy. 

Sau ông Duterte, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines Ronald dela Rosa cuối tuần qua tiếp tục làm dậy sóng dư luận khi lên tiếng thúc giục những người nghiện ma túy đi tìm và giết những đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán chất gây nghiện, sau đó đốt nhà của chúng với lý do những kẻ này đang được thụ hưởng đồng tiền do những người nghiện đem lại.

Nhưng sau khi vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận, ông dela Rosa đã phải đính chính lời nói của mình, cho rằng chỉ là những phát biểu mang tính bộc phát khi lý trí của ông bị cảm xúc lấn át.

“Tôi nói như vậy vì tôi thấy xót xa cho những người nghiện nghèo đói. Chứng kiến cảnh họ gầy mòn như những thây ma khiến tôi không kiềm chế được sự giận dữ nên đã có phát biểu như vậy” – ông dela Rosa sau đó giải thích và xin lỗi người dân về những phát biểu của mình.

Hơn 2.000 người bị giết chết

Dù chính sách mà ông dela Rosa đưa ra không được thực thi thì những biện pháp mạnh tay được Tổng thống Duterte cho phép cũng đã khiến cuộc trấn áp tội phạm ma túy ở Philippines trở nên vô cùng nóng bỏng, bao gồm cả vì những tiếng súng đạn, máu me và cả những tranh cãi chưa đến hồi kết.

Theo các số liệu thống kê mới nhất, tính đến cuối tuần qua đã có hơn 2.000 người ở Philppines thiệt mạng kể từ khi chiến dịch thanh trừng tội phạm ma túy được tiến hành, tức khoảng gần 40 vụ việc mỗi ngày kể từ khi ông Duterte nhậm chức.

Trong số này, cảnh sát Philippines khẳng định có 756 người đã được xác định là những nghi phạm buôn bán ma túy và theo ông dela Rosa thì những người này chỉ bị tiêu diệt khi cảnh sát nhận thấy tính mạng của họ bị đe dọa.

Nhưng cảnh sát Philippines cũng thừa nhận có đến hơn một nửa số người đã bị giết là do những thủ phạm chưa xác định được danh tính ra tay và thủ phạm cũng chưa được khẳng định là tội phạm ma túy.

Những trường hợp này, theo Giám đốc cảnh sát dela Rosa, vẫn đang được điều tra nhưng ông khẳng định nhiều trường hợp đang điều tra là các vụ thanh trừng lẫn nhau do chính các băng nhóm tội phạm buôn bán ma túy gây ra.

Tại một phiên điều trần trước Thượng viện Philippines hồi tuần trước, ông dela Rosa cũng thông báo đã có gần 700.000 người sử dụng ma túy và những kẻ buôn bán ma túy ra đầu thú để bảo toàn tính mạng.

Ngoài ra, số nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ cũng đã lên đến hơn 17.000 người. Cuộc trấn áp mạnh tay của chính quyền Philippines được thừa nhận là đã giúp tình hình tội phạm ở nước này giảm mạnh trong thời gian qua dù các vụ giết người tăng lên.

Cuộc trấn áp này, theo ông dela Rosa, cũng đã vạch mặt nhiều quan chức biến chất. Hôm đầu tháng 8, Tổng thống Duterte cũng công bố danh sách 159 thẩm phán, tướng cảnh sát, quan chức quân đội, thị trưởng hay quan chức các địa phương bị tình nghi có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy.

Còn tại phiên điều trần hôm 24/8, ông dela Rosa cho biết thêm rằng khoảng 300 sỹ quan cảnh sát đang bị tình nghi dính dáng đến hoạt động bất hợp pháp trên. 

Thông tin này đã dấy lên những đồn đoán cho rằng một số vụ giết người có thể do chính các cảnh sát tham nhũng tiến hành để thủ tiêu những đối tượng buôn bán ma túy hòng tránh bị phanh phui hành vi của mình. 

Tranh cãi kịch liệt

Chiến dịch chống ma túy của ông Duterte cho đến nay được nhiều người ở nước này ủng hộ do góp phần khiến tệ nạn nghiện ngập giảm đi trông thấy. Song, cuộc trấn áp cũng vấp phải vô số những chỉ trích từ cả trong và ngoài nước. Nhiều người Philippines hiện lo ngại rằng cuộc trấn áp có thể vượt tầm kiểm soát, cướp đi mạng sống của những người dân vô tội. 

Trong khi đó, Liên hợp quốc, chính phủ Mỹ và nhiều nhóm nhân quyền cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng trấn áp đẫm máu ở Philippines, trong đó có những cáo buộc rằng Philippines đang trong một triều đại khủng bố, rằng giới chức nước này đang hành động không tuân thủ luật pháp.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hồi tháng 6 vừa qua cũng lên án “những vụ giết người rõ ràng là ngoài vòng pháp luật” của Duterte.

Đối mặt những chỉ trích, ông Duterte và Giám đốc cảnh sát Dela Rosa liên tục khẳng định cảnh sát đang hành động theo đúng khuôn khổ của pháp luật, cho rằng những tổ chức và cá nhân chỉ trích chính phủ Philippines đang đứng về tội phạm buôn bán ma túy mà lờ đi những hậu quả của cuộc khủng hoảng ma túy tại nước này.

Những tranh cãi được đẩy lên đỉnh điểm với việc ông Duterte hôm 21/8 tuyên bố Philippines có thể rời khỏi Liên hợp quốc nếu tổ chức này tiếp tục “thiếu tôn trọng”, can thiệp vào công việc của nước này. Không chỉ vậy, ông còn tuyên bố có thể sẽ tìm cách lập một tổ chức quốc tế khác và mời tất cả các nước, có thể là Trung Quốc tham gia. 

Song, 1 ngày sau đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay lên tiếng thanh minh rằng phát biểu của ông Duterte chỉ là tuyên bố thể hiện sự thất vọng sâu sắc của ông trước các chỉ trích của LHQ, đồng thời khẳng định nước này sẽ không rời khỏi tổ chức toàn cầu này. 

Trước đó, ông Duterte hồi tháng 7 vừa qua cũng có lần tuyên bố có thể sẽ không phê chuẩn các cam kết của Philippines theo thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris hồi năm ngoái để trả đũa việc LHQ tiếp tục lên tiếng về cuộc chiến ma túy của ông.

Ngoài ra, cuộc trấn áp tội phạm mạnh tay do ông Duterte khởi xướng và thực hiện cũng đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ các tòa án, công tố viên và nhà tù ở nước này trong bối cảnh trong bối cảnh tiến độ xét xử các vụ án ở Philippines hiện đã vô cùng chậm chạp, lực lượng công tố viên thiếu thống còn nhà tù thì đã chật như nêm. 

Tình hình sử dụng ma túy tại Philipines

Theo thống kê của cơ quan quản lý tội phạm về ma túy của Philippines, nước này hiện có đến 1,3 triệu người nghiện ma túy trong tổng số dân là 100 triệu người. Những loại ma túy phổ biến nhất ở nước này là Methamphetamine hay ma túy đá và Hydrochloride.

Ma túy ở Philippines có tên địa phương là Sabu, Shabs, đá, meth… Những loại ma túy này phần lớn đều có giá thành rẻ, gây ảo giác cao và được nhiều người thuộc tầng lớp lao động nghèo sử dụng mà theo nhiều người trong số này là để quên đi những khổ cực và vất vả trong cuộc sống của họ.