Hong Kong (Trung Quốc): Sở thích “ngủ lang” tại các cửa hàng McDonald’s

(PLO) - Chỉ trong 5 năm, số lượng người được gọi là “những người tị nạn của MacDonald’s” ở Hong Kong đã tăng gấp 6 lần. Đó là những người ngủ đêm tại những cửa hàng MacDonald’s mở cửa 24h trên khắp vùng lãnh thổ này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc điều tra của tổ chức phi lợi nhuận Junior Chamber International (JCI) Tai Ping Shan cho thấy, 334 người đã ngủ tại các cửa hàng của McDonald’s trong tháng 6 và 7, một sự gia tăng đáng kể so với cuộc điều tra tương tự năm 2013 (lúc đó chỉ có 57 người).

Ngủ đêm ở McDonald’s để tiết kiệm… tiền điện

Jennifer Hung – Trưởng nhóm nghiên cứu cho CNN biết, nhóm nhiên cứu đã tiến hành điều tra tại 110 cửa hàng McDonald’s mở 24h ở Hong Kong và phát hiện ra không phải tất cả những người ngủ qua đêm tại đây là người vô gia cư. Hơn 70% người được hỏi cho biết họ có nơi ngủ và đa số có việc làm (toàn thời gian/bán thời gian), nghĩa là không phải những người ngủ ở các cửa hàng McDonald’s là người vô gia cư hay thất nghiệp.

Theo Hung, họ là những người có nhà nhưng không muốn về. Nguyên nhân chính là nhiều người phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế xã hội, như giá thuê nhà cao hay những hóa đơn tiền điện. Có người do không đủ khả năng chi trả tiền điều hòa (2 đôla Hong Kong/một số điện) cho căn hộ không có cửa sổ để thông khí của mình mà người đàn ông này đã chọn cách ngủ lại cửa hàng McDonald’s trong những đêm hè. 

Wifi miễn phí, thức ăn rẻ và có cả phòng tắm là đủ cho họ lựa chọn cửa hàng McDonald’s làm “phòng ngủ” mỗi đêm. Theo nghiên cứu năm 2017 của Demographia, Hong Kong là một trong những TP có giá nhà đất đỏ nhất thế giới. Trong các điều tra về điều kiện sinh hoạt thì Hong Kong luôn đứng trong danh sách những TP có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới. Căn hộ chỉ dưới 9m2 ở TP này cũng có giá thuê đến 385 USD/tháng. Theo ông Mark Elliott - Giám đốc Công ty bất động sản ở Jones Lang La - nguyên nhân là vì Hong Kong là một hòn đảo nhỏ với 7 triệu dân nhưng có đến 1,5 tỷ người ở lục địa (Trung Quốc) muốn sang đầu tư.

Thiếu thốn tinh thần và vật chất

Những yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định ngủ đêm tại cửa hàng McDonald’s bao gồm xung đột gia đình và cá nhân. Một công nhân xây dựng không muốn về nhà vì mối quan hệ khó khăn với cha mẹ. Một phụ nữ 55 tuổi khác ngủ tại McDonald’s để tránh về nhà với người chồng vũ phu.

Nhưng thậm chí không có mâu thuẫn gia đình, một phụ nữ lớn tuổi không con cảm thấy cô đơn khi ở nhà sau khi chồng qua đời cũng đã dành nhiều đêm tại McDonald’s với những “đồng nghiệp” “ngủ lang” khác. “Chúng tôi thấy rằng, họ không chỉ là những người nghèo khó về vật chất mà cả những người nghèo khó về tinh thần”, Hung nhận xét.

Trước thực trạng mang tính xã hội này, JCI đề xuất một số giải pháp cho chính quyền Hong Kong, bao gồm cung cấp nhiều nguồn lực cho các tổ chức phúc lợi và nhân viên xã hội, thường xuyên cập nhật số liệu về những người “ngủ lang” để xác định xu hướng xã hội này trong tương lai. Quan trọng hơn cả là thái độ của mọi người trong xã hội với nhau. JCI đề xuất chính quyền có thể làm nhiều hơn để tăng cường mối quan hệ xã hội của người dân bởi “ngày nay, chúng ta không nói chuyện với người lạ, chúng ta không quan tâm đến ngay cả những người gần ta. Chúng ta nên khuyến khích mọi người quan tâm đến người khác”. 

Tuy nhiên, một cuộc điều tra khác cho thấy, 1/5 dân số ở Hong Kong sống dưới mức nghèo khổ. Đối lập với những tòa nhà chọc trời và những trung tâm thương mại xa hoa ở trung tâm TP là những căn nhà cho thuê nhỏ bé đến mức vô hình, một số chỉ lớn hơn những cỗ quan tài. Mak, 72 tuổi, làm nghề gác cổng ở gần Quảng trường Thời đại, sống trong “căn hộ quan tài” chỉ rộng 4 bước chân trong suốt thập kỷ qua. Không gian sống của ông không lớn hơn chiếc giường đôi và chỉ đủ để ngồi. Những “căn hộ quan tài” là đặc trưng của dòng nhà thu nhập thấp rất đặc trưng của TP này. Ngoài ra Hong Kong còn có những “nhà lồng” (được thiết kế như những chuồng nuôi thú ở sở thú). 

Sze Lai San - một người làm công tác xã hội - cho biết, những người có điều kiện sống khổ sở như Mak không hoàn toàn vì họ lười biếng. Nhiều người đã phải làm việc vất vả, nhiều giờ với tiền công ít ỏi hoặc đang rơi vào tình trạng khó khăn. Mak cũng không phải ngoại lệ. Ông ta phá sản sau những khi làm ăn thất bại và giờ chỉ kiếm đủ tiền để trả cho “căn hộ quan tài” của mình với giá 150 USD/tháng./.

Đọc thêm