IS đang bị 'bóp nghẹt' nguồn thu như thế nào?

(PLO) - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang mất dần lãnh thổ ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, khi phần đất bị thu hẹp lại, chúng đang chuyển trọng tâm sang truyền bá tư tưởng, lập các tiền đồn trên toàn thế giới, tấn công vào những mục tiêu mềm gây nhiều thương vong và phá hoại hạ tầng cơ sở của nền kinh tế. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của tổ chức Theo dõi Xung đột (HIS) mới nhất, tổ chức IS để mất khoảng 12% lãnh thổ trong thời gian từ tháng 1-6/2016, sau khi đã mất 14% lãnh thổ vào năm 2015. Nhóm này còn kiểm soát khoảng 70.000 km2; gần tương đương diện tích của Ireland. 

“Bóp nghẹt” tài chính

Nguồn tài chính của IS cũng đã bị thu hẹp. Đầu năm 2016, một cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ đưa ra báo cáo rằng IS trả cho lính từ 400 - 1.200 USD/tháng, ngoài ra còn trả thêm 50 USD cho mỗi người vợ và 25 USD cho mỗi người con. 

Theo một số ước tính, vào năm 2015, tài sản của IS là khoảng 2 tỷ USD, nhờ đó chúng được coi là tổ chức khủng bố giàu có nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu nhắm mục tiêu vào hạ tầng cơ sở về dầu mỏ và khí đốt, cũng như mạng lưới tài chính và ngân hàng của chúng, lợi tức của IS đã giảm ít nhất 30%.

Douglas Ollivant - Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Toàn cầu Mantid Quốc tế, cựu Giám đốc về Iraq tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - nhận định, IS sẽ mất tất cả lãnh thổ vào cuối năm nay. Peter Bergen, Phó Chủ tịch của Quỹ New America, cũng đồng quan điểm. Tại một sự kiện gần đây do Viện McCain tổ chức, hai quan chức này lập luận rằng những người tin là IS đang thắng đã rơi vào bẫy vì tin lời tuyên truyền của chúng. Họ cho rằng nếu nhóm khủng bố mất lãnh thổ, chúng sẽ thua trong cuộc chiến. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong một phát biểu hồi tháng Bảy, cũng đã nói với những Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng đến từ hơn 30 quốc gia rằng “tình thế đã thay đổi”. Ông nói: “Liên minh của chúng ta và những đối tác ở thực địa đã đẩy IS ra khỏi gần 50% lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát ở Iraq, và 20% lãnh thổ chúng từng kiểm soát ở Syria”. 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ khẳng định thế giới có thể mong đợi đến lúc IS bị đánh đuổi hoàn toàn khỏi Iraq và Syria và “ngày đó sẽ đánh dấu một bước ngoặt hệ trọng trong cuộc chiến chống lại IS”. Theo ông Kerry, thậm chí bây giờ liên minh do Mỹ dẫn đầu có thể hài lòng với thực tế là lực lượng chiến đấu của IS hiện nhỏ hơn khoảng 1/3 so với năm 2015.

Những chiến binh nước ngoài mà IS tuyển mộ trong quá khứ đã bắt đầu rời bỏ tiền tuyến của những kẻ khủng bố, vì thu nhập sụt giảm đã làm chậm việc trả lương cho họ, và nỗ lực tìm kiếm tân binh của nhóm này đã trở nên kém hữu hiệu. Nếu không có một cơ sở lãnh địa, ông Kerry nói IS sẽ không còn có thể khoa trương là một “Nhà nước Hồi giáo” mới mà những chiến binh nước ngoài có thể đổ tới.

Triệt phá nguồn thu

Trước đó, một nghiên cứu mới do nhóm chuyên nghiên cứu về IS thuộc IHS công bố cho thấy nguồn thu của IS đã giảm 30% kể từ giữa năm 2015. Doanh thu hàng tháng của IS rơi vào khoảng 80 triệu USD nhưng cho đến tháng 3/2016, con số này giảm xuống còn khoảng 56 triệu USD. Điều này được lý giải do một số nguyên nhân như sản lượng khai thác dầu mỏ trong khu vực do IS kiểm soát giảm, số tiền phí và thuế, cũng như tài sản chiếm đoạt cũng giảm. 

Cụ thể, khoảng 50% doanh thu của IS đến từ việc thu thuế và chiếm hữu các cơ sở kinh doanh và tài sản trong địa bàn nhóm này kiểm soát, 43% đến từ dầu mỏ. Tuy nhiên, các cuộc không kích do Nga và liên minh do Mỹ đứng đầu đã khiến sản lượng khai thác dầu trong khu vực IS kiểm soát giảm từ 33.000 thùng/ngày xuống còn 21.000 thùng/ngày.

Song IHS cho rằng mức giảm này sẽ chỉ là “gián đoạn sản xuất” tạm thời và IS sẽ nhanh chóng sửa chữa cơ sở vật chất để khôi phục hoạt động. Năm 2015, IS kiếm được 300 triệu USD từ thuế, 160 triệu USD từ điều hành trang trại, và 80 triệu USD từ bán cổ vật cướp được, cộng với 40 triệu USD từ các khoản tiền chuộc. Tổng cộng, tổ chức này đã có ngân sách 1,3 tỷ USD năm 2015. 

Về phần mình, ngày 20/9, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các quy định mới cho phép khối này áp đặt các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với đồng minh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Quy định trên còn nhằm vào các tay súng nước ngoài huấn luyện hoặc hợp tác với IS.

Theo quy định trên, các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt đối với những người có kế hoạch hoặc đã tiến hành các vụ tấn công cũng như tài trợ, tuyển mộ hoặc ủng hộ các hoạt động của IS. Những người có cảm tình với IS ở bên ngoài châu Âu có thể bị cấm vào khu vực này, trong khi các công dân EU hợp tác với các phần tử cực đoan IS ở bên ngoài khối sẽ chỉ được phép đi lại ở trong nước. 

Cho tới trước khi có quy định mới này, EU chỉ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt lên cá nhân và thực thể nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hợp quốc hoặc khi các quốc gia thành viên EU hành động riêng lẻ...