IS đe dọa Đông Nam Á

(PLO) - Cái chết của thủ lĩnh cấp cao thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Đông Nam Á là một cú sốc lớn đối với các phần tử thánh chiến, tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng IS vẫn sẽ là một mối đe dọa tiềm ẩn với sự trở về của những tay súng “dày dạn kinh nghiệm” từ Trung Đông. 

Trùm khủng bố hàng đầu Đông Nam Á Isnilon Hapilon được cho là đã bị tiêu diệt vào rạng sáng 16/10 trong một cuộc tấn công quân sự do quân chính phủ Philippines thực hiện nhằm giải phóng thành phố Marawi, thuộc miền Nam Philippines, sau nhiều tháng bị chiếm đóng.

Trùm khủng bố hàng đầu Đông Nam Á Isnilon Hapilon trong lệnh truy nã
Trùm khủng bố hàng đầu Đông Nam Á Isnilon Hapilon trong lệnh truy nã

Tiêu diệt đầu sỏ

Quân đội Philippines cho hay tên thủ lĩnh IS này- vốn bị Mỹ liệt vào danh sách “những kẻ khủng bố đang bị truy nã gắt gao nhất”- cùng với Omarkhayam Maute- kẻ thông đồng với Hapilon nhằm âm mưu chiếm Marawi- đều đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công dứt điểm. 

Các tay súng IS đã xâm chiếm Marawi- thành phố có đa số dân theo Hồi giáo tại một nước mà phần lớn dân số lại là người Thiên chúa giáo này- vào tháng 5/2017. Các lực lượng an ninh Philippines sau đó đã rất nỗ lực để bắt Hapilon. Tên này vốn là một nhân vật chủ chốt trong tổ chức Hồi giáo cực đoan tàn bạo ở Philippines khét tiếng với việc bắt cóc đòi tiền chuộc và nổi lên như một nhà lãnh đạo của IS tại Đông Nam Á vào năm 2016 sau khi xuất hiện một video quay cảnh các tay súng của tổ chức này kêu gọi các phần tử cực đoan hợp nhất dưới sự lãnh đạo của hắn ta. 

Còn Omarkhayam Maute là lãnh đạo của nhóm phiến quân Hồi giáo Maute, xuất hiện từ cuộc nổi dậy đòi ly khai của người Hồi giáo kéo dài hàng thập kỷ ở đảo Mindanao thuộc miền Nam Philippines. Nhóm phiến quân của hắn cũng cam kết trung thành với IS và cùng hợp tác với lực lượng của Hapilon để chiếm Marawi. 

Hapilon và Maute là hai tên trùm sỏ cực đoan cuối cùng kiên trì chiến đấu chống lại cuộc tấn công quân sự của quân Chính phủ nhằm tống cổ các tay súng IS ra khỏi Marawi. Tháng trước, Abdullah Maute- một lãnh đạo khác của nhóm Maute và cũng là anh trai của Omarkhayam- đã bị tiêu diệt. Hapilon là “chìa khóa” cho nỗ lực thiết lập một căn cứ của IS ở Đông Nam Á bởi những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan đang mất dần “đất” ở Trung Đông. Các nhà phân tích cho rằng thông tin Hapilon bị tiêu diệt chắc chắn là một đòn chí mạng đối với những tay súng khủng bố của tổ chức này. 

Mối đe dọa

Kumar Ramakrishna, một chuyên gia về khủng bố thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết cái chết của Hapilon chính là “một cú đánh đầy hiệu quả và mang tính biểu tượng đối với các tổ chức khủng bố có liên kết với IS ở Mindanao cũng như đến ‘cơ quan đầu não’ của IS ở Syria”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng còn lâu mới có thể xóa sổ IS khỏi miền Nam Philippines hay Đông Nam Á. Ông giải thích: “Cuộc vây hãm của IS ở Marawi sắp chấm dứt không có nghĩa là mối đe dọa (từ IS) sẽ kết thúc. Các tay súng có liên quan đến IS sẽ tập hợp lại… rồi “án binh bất động” một thời gian, đó sẽ là lúc chúng củng cố sức mạnh”. 

Ông Ramakrishna cho biết một tay súng người Malaysia là Mahmud Ahmad cũng đã tham gia vào cuộc vây hãm ở Marawi, và nếu hắn còn sống, nhiều khả năng hắn sẽ đứng lên lãnh đạo các tay súng IS ở miền Nam Philippines và giữ liên lạc với các tay súng ở Trung Đông. Theo một số nguồn tin, Mahmud Ahmad được cho là một giảng viên đại học tại Malaysia, người đã phụ trách việc huy động tài chính từ nước ngoài cho các tay súng và tuyển dụng các chiến binh mới. 

Không rõ là có bao nhiêu tay súng IS ở khu vực Đông Nam Á với hơn 600 triệu dân này, tuy nhiên, rất nhiều thành phần khủng bố tại đây đã cam kết trung thành với IS. Hàng trăm chiến binh được cho là đã lũ lượt kéo đến Trung Đông để gia nhập IS- đặc biệt là từ Indonesia- quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới- và Philippines. Sidney Jones, người đứng đầu tổ chức cố vấn an ninh thuộc Viện Phân tích Chính sách về Xung đột tại Jakarta, đã cảnh báo rằng hiện các nhà chức trách đang phải đối mặt với mối rủi ro ngày càng tăng khi các tay súng dày dặn kinh nghiệm trở về Đông Nam Á trong bối cảnh chúng bị đánh tan tác ở Trung Đông, với thành trì Raqa của IS ở Syria sắp bị phá hủy. 

Các nhà chức trách cũng đặc biệt lo ngại về Khatibah Nusantara - một nhánh “chân rết” của IS tại Đông Nam Á. Bà Jones nói: “Tôi cho rằng sự chú ý (của mọi người) sẽ chuyển hướng sang sự trở lại của các tay súng từ Syria và Iraq”...