Italia tố gần 300 người Trung Quốc rửa tiền

(PLO) - Các công tố viên tại thành phố Florence của Italia vừa đề nghị khởi tố Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Milan và 297 người, chủ yếu là người Trung Quốc đang sinh sống tại Italia, về tội danh rửa tiền và một số tội danh khác.
Chi nhánh BOC ở Milan. Ảnh: AP
Chi nhánh BOC ở Milan. Ảnh: AP
Theo Reuters, văn bản chính thức đề nghị khởi tố vụ việc nói trên được các công tố viên tại Italia đệ trình sau cuộc điều tra có tên gọi “River of Money” (Dòng sông Tiền), được bắt đầu từ năm 2008 và cho đến nay đã cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các nhóm tội phạm người Trung Quốc tại vùng Tuscany của Italia.
Trong văn bản dài 170 trang do Công tố viên Florence Giulio Monferini ký, các công tố viên điều tra cáo buộc các nghi phạm về nhiều tội danh khác nhau, trong đó có tội rửa tiền và trốn thuế. Sau khi đề nghị khởi tố được đệ trình, thẩm phán sẽ xem xét vụ việc và quyết định có đệ trình các cáo buộc chính thức hay không. 
Trong văn bản nói trên, các nhà điều tra cho biết, trong giai đoạn từ năm 2006 tới năm 2010, hơn 4,5 tỉ euro (5,1 tỉ USD) đã được chuyển từ Italia tới Trung Quốc, trong đó có 2,2 tỉ euro được chuyển qua Ngân hàng Trung Quốc (BOC) Chi nhánh Milan. Việc chuyển tiền được thực hiện qua các văn phòng của dịch vụ chuyển tiền Money2Money (M2M) ở một số thành phố khác nhau của Italia.
Đáng chú ý, lượng tiền chuyển về được cho là có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội như làm hàng giả, biển thủ, khai thác lao động trái phép và trốn thuế. Cũng theo đơn đề nghị khởi tố, các công tố viên Italia cáo buộc BOC đã nhận được hơn 758.000 euro tiền hoa hồng từ các giao dịch chuyển tiền.
BOC – ngân hàng lớn thứ 4 của Trung Quốc – cũng là đối tượng bị điều tra vì theo luật pháp Italia, cơ quan này có trách nhiệm quản lý 4 quan chức nằm trong số các đối tượng đang bị đề nghị khởi tố với cáo buộc không báo cáo các giao dịch nghi vấn hay có các hành động cần thiết giúp vạch trần nguồn gốc cũng như điểm đến của những khoản tiền có nguồn gốc bất chính và tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền của Money2Money.
Các công tố viên trong đề nghị khởi tố các nghi phạm cho biết, số tiền nói trên được các công dân Trung Quốc, chủ yếu là những người sống ở các thành phố Florence và Prato thuộc khu vực Tuscan, gửi đi nhưng người gửi lại không nêu đầy đủ các thông tin cá nhân cần thiết hay sử dụng tên giả. Cũng theo văn bản vừa được đệ trình, số tiền đã được chia thành những khoản nhỏ để tránh nghi vấn. 
Theo AP, vụ việc đã vạch trần nền kinh tế ngầm có quy mô khá lớn của người Trung Quốc tại châu Âu. Nó cũng cho thấy sự thất bại của quan hệ hợp tác trên phương diện tư pháp và pháp lý nhằm bắt kịp sự phát triển của các mối quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và phương Tây.
Theo các quan chức Italia, Trung Quốc trong thời gian qua nhiều lần đề nghị các nước phương Tây giúp truy bắt tội phạm kinh tế đã bỏ trốn ra nước ngoài. Nước này và Italia hồi tháng 9 năm ngoái cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp. 
Nhưng, Bắc Kinh lại không hợp tác với giới chức Italia trong cuộc điều tra vừa diễn ra. Theo các công tố viên Italia, lượng tiền nói trên ngay khi được chuyển khỏi lãnh thổ nước này đã biến mất. Cảnh sát Italia đã không thể tiếp tục cuộc điều tra của họ ở Trung Quốc vì không nhận được sự hợp tác từ giới chức Trung Quốc.
Song, theo AP, hãng tin này đã lần ra một phần của số tiền tới một công ty xuất nhập khẩu có vốn nhà nước của Trung Quốc. Công ty này bị cáo buộc thường xuyên chuyển hàng hóa giả tới các nước khác, bao gồm cả Mỹ.
Theo AP, tờ Global Times của Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ BOC và chỉ trích bài báo “lạ lùng” của AP, đồng thời dẫn lời một chuyên gia luật nói rằng ngân hàng này không có nghĩa vụ hợp tác với cảnh sát Italia./.

Đọc thêm