Italia: Truy tìm “thủ phạm” thảm họa động đất

(PLO) - Hãng thông tấn ANSA của Italia cho biết tại cuộc họp chính phủ vào chiều 25/8 (theo giờ địa phương), Chính phủ Italia sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp đối với những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong trận động đất đêm 23/8 nhằm tập trung các nguồn lực cho công tác cứu hộ cũng như tái thiết sau này. 
Italia: Truy tìm “thủ phạm” thảm họa động đất

Theo số liệu thống kê mới nhất, số người thiệt mạng trong trận động đất 6,2 độ Richter đêm 23/8 đã được điều chỉnh xuống còn 241 người, song giới chức Italia cho rằng số người thiệt mạng có thể còn tăng. Trước đó, cơ quan cứu hộ quốc gia Italia cho rằng số người thiệt mạng trong vụ động đất này có thể sẽ vượt quá số người đã chết trong vụ động đất tại miền Đông Italia vào tháng 4/2009, làm chết 308 người. 

Nỗ lực cứu hộ

Theo các cơ quan chức năng Italia, số người thiệt mạng sẽ còn tăng do trận động đất xảy ra vào rạng sáng khi mọi người còn đang ngủ và đây là những khu vực du lịch nổi tiếng của Italia với lượng khách du lịch tương đối lớn.

Hiện công tác cứu trợ đang được tiến hành khẩn trương với mọi biện pháp, kể cả đào bới bằng tay để cứu những người bị vùi lấp. Tuy nhiên, việc cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn do các khu vực này đều nằm trên các sườn đồi nên bị sạt lở nghiêm trọng, cùng với những đống đổ nát của các công trình, cũng như khó khăn trong việc cung cấp hậu cần do hệ thống giao thông bị phá hủy.

Các nỗ lực tìm kiếm, cứu trợ nạn nhân đang diễn ra khẩn trương ở các địa điểm bị tàn phá nặng nề nhất. Tại Amatrice, ngoại ô thành phố Rieti của vùng Lazio và là tâm chấn trận động đất, công tác cứu hộ đang được tiến hành tại các đống đổ nát. Các lực lượng cứu hộ đang tập trung vào một khách sạn lớn đã bị tàn phá nặng nề.

Theo nhà chức trách địa phương, có hơn 70 khách là người Italia và người nước ngoài đang ngủ tại khách sạn này vào đêm ngày 23/8, khi động đất xảy ra. Hiện lực lượng cứu hộ mới xác định được 2 người thiệt mạng và cứu được 7 người tại đây. Mặc dù chưa rõ số phận những người còn lại song lực lượng cứu hộ nhận định khả năng sống sót của họ rất thấp. 

Ngay sau trận động đất, Tổng thống Italia Sergio Matterella kêu gọi tập trung mọi lực lượng để cứu giúp những người còn sống, hỗ trợ những người bị thương và đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể cho những người bị mất nhà cửa.

Trong khi đó, Thủ tướng Matteo Renzi đã đến thị sát vùng núi Apennine thuộc vùng Lazio và Marche - khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi vụ động đất, kêu gọi tập trung mọi nỗ lực nhằm cứu trợ những người còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Bộ Kinh tế Italia tuyên bố dành 234 triệu euro trong ngân sách cứu trợ khẩn cấp quốc gia để hỗ trợ vùng bị thiệt hại do động đất.

Hiện Chính phủ Italia đã cấp đợt đầu 50 triệu euro cho cứu trợ và gia tăng các hoạt động tìm cứu tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi động đất. Các tổ chức nhân đạo trong nước cũng đang tiến hành một loạt các hoạt động quyên góp quần áo, thuốc men, lương thực, tiền bạc cho người dân các vùng bị nạn. Đêm ngày 24/8, gần 3.000 người tại các địa phương bị ảnh hưởng động đất đã qua đêm trong các trại tạm trú, khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. 

Một số nguồn tin cho biết Hiệp hội Ngân hàng thương mại Italia (ABI) chỉ đạo các chi nhánh ngừng truy thu các khoản vay thế chấp đối với các khách hàng trong khu vực bị ảnh hưởng của động đất. Cơ quan bảo vệ dân sự Italia cũng phát động chương trình ủng hộ nạn nhân động đất qua hệ thống tin nhắn SMS, với mỗi tin nhắn ủng hộ 2 euro. Cho đến nay, đã có 45.500 tin nhắn SMS ủng hộ các nạn nhân động đất.

Truy tìm “thủ phạm”

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất mạnh 6,2 độ Richter xảy ra tại miền Trung Italia là hậu quả của hiện tượng kéo giãn chậm vành đai núi Apennine. Theo Richard Walters, giảng viên Khoa học Trái Đất ở Đại học Durham, Anh, “Vành đai núi Apennine chạy dọc Italia đang bị kéo giãn dần theo hướng đông bắc - tây nam bởi lực kiến tạo ở mức khoảng ba milimet mỗi năm. Sự kéo giãn chậm này khiến áp lực tập trung trên vỏ Trái Đất và được giải phóng dưới dạng động đất giống như trận động đất ở Italia”.

Theo tạp chí Mirror, trận động đất trên phản ánh tình trạng cơ sở hạ tầng thiếu kiên cố ở Italy, khiến cả những công trình cổ đại lẫn hiện đại như nhà thờ, bệnh viện và ký túc xá đại học tại khu vực đều chịu ảnh hưởng.

Trong khi đó, theo người đứng đầu Viện Địa chất Italia Fabio Tortorici: “Trung bình cứ 15 năm, Italia có thể hứng chịu một trận động đất với cường độ trên 6,3 độ Richter. Điều này đòi hỏi các biện pháp ngăn chặn địa chấn và bảo vệ dân cư. Vấn đề đáng lo ngại nằm ở những công trình xây dựng trước thập niên 1970, khi động đất rất hiếm khi xảy ra”.

Italia thường xuyên trải qua những trận động đất gây tổn thất lớn về người và của. Năm 2009, một trận động đất mạnh 6,3 độ Richte xảy ra ở khu vực Aquila của Italia đã cướp đi sinh mạng hơn 300 người. Tháng 5/2012, một trận động đất khác làm rung chuyển vùng Emilia Romagna, miền Bắc Italia, cùng với 2 dư chấn mạnh khủng khiếp vào 10 ngày sau đó khiến 23 người thiệt mạng, 14.000 người mất nhà cửa.