J-20 - “Mãnh Long” trên bầu trời?

(PLO) - Máy bay chiến đấu tàng hình J-20, còn có tên “Mãnh Long” của Trung Quốc, chiếc đầu tiên trong số các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của nước này đã lần đầu tiên ra mắt công chúng.
J-20 - “Mãnh Long” trên bầu trời?

“Wall Street Journal” đưa tin cho biết, 2 máy bay chiến đấu J-20 đã xuất hiện khoảng 60 giây trước hàng trăm khán giả, bao gồm các quan chức quân sự và ngoại giao trong lễ khai mạc Triển lãm Hàng không Trung Quốc ngày 1/11, một sự kiện quy mô lớn nhất nước này để giới thiệu những thành tựu trong lĩnh vực hàng không quân sự… 

“Mãnh Long” tung cánh

Hai máy bay với động cơ rền vang làm kích hoạt còi báo động của các ôtô bên dưới, cho thấy sự tiến bộ gần đây của Trung Quốc trong việc phát triển năng lực của không quân, khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng chúng có thể được sử dụng để phục vụ các lợi ích chiến lược lớn hơn. Việc phô trương máy bay chiến đấu tàng hình cũng là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xuất khẩu công nghệ tân tiến này… 

Hiện chưa có nhiều thông tin cụ thể về J-20 và nhiều người cho rằng đây có thể không phải là loại máy bay chiến đấu thông thường. J-20 có thể là loại máy bay được thiết kế để chuyên tấn công các vũ khí của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, một phần của chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của Trung Quốc.

Về cơ bản, máy bay này có thể được tối ưu hóa để tấn công các phương tiện hỗ trợ như máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS), máy bay do thám JSTARS hay thậm chí mang theo các tên lửa hành trình tầm xa để tấn công các căn cứ và các tàu sân bay của Mỹ trong khu vực. Cũng có một số dấu hiệu cho thấy J-20 được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA) Type 1475 đã được thử nghiệm trên máy bay Tu-205.

Tuy nhiên, không có cách nào xác nhận thông tin này bởi Lực lượng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) sẽ không chia sẻ thông tin về các dự án phát triển của họ. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy J-20 đã được tối ưu hóa thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công đó là khung máy bay có kích thước khổng lồ nhưng 2 cánh lại khá nhỏ. J-20 có buồng chứa vũ khí khá lớn. Cấu tạo này phù hợp với loại máy bay siêu thanh nhưng không phải là lý tưởng cho các máy bay tiêm kích có khả năng lượn vòng linh hoạt. 

Sức mạnh thật sự?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu J-20 có thể sánh được với các máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, cụ thể là chiếc F-22 Raptor của Mỹ hay không?

Như trong tất cả các cuộc chiến tranh thông thường thời hiện đại, không lực và sự áp đảo trên không sẽ đóng vai trò chủ chốt. Đối với Mỹ, máy bay tàng hình F-22 Raptor của nhà thầu Lockheed Martin hiện vẫn là loại vũ khí tân tiến và chủ đạo trong việc đảm bảo ưu thế vượt trội trên không, cho tới khi một loại vũ khí mới thuộc chương trình F-X của Lực lượng Không quân Mỹ được phát triển hoàn thiện. 

J-20 được coi là đối trọng với F-22 Raptor, song thực lực loại vũ khí này khi so sánh với chiếc máy bay hiện đại nhất của Mỹ vẫn là điều còn phải bàn. Máy bay J-20 có bộ khung được chế tạo với khả năng tàng hình và vay mượn thiết kế của cả máy bay Raptor lẫn máy bay chiến đấu F-35.

Đây không phải là điều trùng hợp bởi nhiều thông tin cho biết Trung Quốc đã đánh cắp nhiều tài liệu bí mật về F-35. Hiện có một số dấu hiệu cho thấy chiếc J-20 về cơ bản là một máy bay chiến đấu nhưng có khả năng không đối không mạnh mẽ. Giống như F-35 của Mỹ, bản mẫu J-20 mới nhất dường như có hệ thống ngắm bắn quang điện tử được lắp đặt dưới phần đầu máy bay. 

Hơn nữa, giới quan sát cho rằng Trung Quốc tới nay vẫn chưa công khai việc liệu họ đã sở hữu công nghệ chế tạo động cơ tân tiến dùng cho loại máy bay tiêm kích với kích thước lớn như vậy. Trung Quốc thậm chí còn chưa hoàn thiện động cơ máy bay WS-10 sản xuất ở trong nước, chứ chưa nói đến việc sắp hoàn tất việc phát triển thế hệ động cơ tiếp theo là WS-15.

Trên thực tế, Trung Quốc chưa cho thấy họ đã chế tạo được các động cơ phản lực đáng tin cậy, kể cả các mẫu thiết kế mà họ đánh cắp từ Nga. Tuy nhiên, máy bay chiến đấu thường không cần có sức đẩy lớn bởi vậy động cơ kép AL-31F của Nga có thể đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc.

Hiện còn có lập luận cho rằng các máy bay chiến đấu chiến thuật tầm ngắn như F-22 và F-35 không phù hợp với các chiến dịch ở Tây Thái Bình Dương, nơi đòi hỏi khoảng cách di chuyển rất lớn do các căn cứ quân sự nằm xa nhau. Trung Quốc cũng chịu những hạn chế về mặt địa lý này, đồng nghĩa rằng các máy bay như F-22 và F-35 cần sự hỗ trợ của các máy bay tiếp dầu hoạt động qua lại các địa điểm cách xa nhau.

Tất nhiên, đây hoàn toàn chỉ là phỏng đoán. Chỉ có PLAAF mới biết được liệu J-20 có phù hợp với mục đích của họ trong cuộc chiến hay không, song rõ ràng loại vũ khí tân tiến này đã chứng tỏ nó hoàn toàn có thể là một đối thủ đáng gờm...