Khmer Đỏ - Nhìn lại thảm họa diệt chủng kinh hoàng

(PLO) - Những 'đồ tể' tập trung trong một 'nhà nước kỳ dị' đã gây nên thảm họa diệt chủng kinh hoàng của lịch sử.
Sihanouk (thứ 5 từ phải sang) được bao quanh bởi các nhà lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ có cả Pol Pot (thứ 6 từ trái qua) tại Phnom Koulen, gần Siemreap năm 1973.
Sihanouk (thứ 5 từ phải sang) được bao quanh bởi các nhà lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ có cả Pol Pot (thứ 6 từ trái qua) tại Phnom Koulen, gần Siemreap năm 1973.
Cuộc chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ đã qua đi gần 40 năm. Để góp phần giải đáp nhiều băn khoăn, tiếp tục khẳng định  sự giúp đỡ chí nghĩa chí tình của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu tiêu diệt chế độ Pôn Pốt, bằng những cứ liệu lịch sử và các nghiên cứu của nhiều tác giả uy tín trên thế giới, Pháp luật 4 phương giới thiệu để bạn đọc hiểu hơn về chủ trương và hành động của Việt Nam trong cuộc chiến bắt buộc này.

Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Norodom Sihanouk kêu gọi tổ chức bầu cử. Sihanouk thoái vị và lập ra một đảng chính trị, chiếm toàn bộ số ghế chính phủ, thanh trừng những người trong Đảng cộng sản Campuchia vốn đã thành lập từ năm 1950. Lúc ấy, Pôn Pốt và những đảng viên cộng sản chạy trốn cảnh sát mật của Sihanouk. 

Cướp quyền thống trị

Tháng 7/1963, Pôn Pốt và hầu hết thành viên Ủy ban Trung ương rời Phnôm Pênh, lập một căn cứ tại tỉnh Ratanakiri, phía Đông Bắc Campuchia. Ngày 18/3/1970, nhân dịp Hoàng thân Norodom Sihanouk đi thăm nước ngoài, tướng Lon Nol, một kẻ được Mỹ ủng hộ đã làm đảo chính lật đổ chính quyền Sihanouk, khiến ông này phải bỏ đất nước, sống lưu vong ở Bắc Kinh. 

Lúc này, Pôn Pốt chính thức ủng hộ Sihanouk, kêu gọi nhân dân chống lại chính quyền Lon Nol. Sau khi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973, Khơ-me Đỏ lật đổ chính quyền Lon Nol vào ngày 17/4/1975, tiến hành xây dựng “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia”.

Từ đây, chính quyền Khơ-me Đỏ bắt đầu sử dụng quyền lực và gây ra tội ác diệt chủng với chính dân tộc mình suốt 4 năm, đẩy nhân dân Campuchia rơi vào cảnh bi thảm, đen tối nhất của lịch sử loài người trong thế kỷ 20.

Ngay sau khi giành được quyền kiểm soát đất nước, theo lệnh Pôn Pốt, người dân thành phố bị ép buộc, cưỡng bức bằng họng súng, lưỡi lê đi về vùng nông thôn mà trong tay không có bất kỳ một thứ tài sản nào.

Người dân được quân của Pôn Pốt tuyên truyền là máy bay Mỹ sẽ ném bom Phnom Pênh và được trở lại sau 3 ngày. Với các nhà báo nước ngoài, Pol Pốt giải thích sự di tản đó là cần thiết vì thành thị sắp cạn lương thực và Mỹ sắp tấn công. Với nhà báo Trung Quốc thì Pol Pot bảo rằng, mục tiêu của di tản là nhằm phá vỡ các mạng gián điệp của địch. 

Nhà nước kỳ dị

Ngày 20/5/1975, Thường vụ Trung ương Đảng do Pôn Pốt chủ trì họp và quyết định, xây dựng xã hội mới ở Campuchia. Đó là nhà nước không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo…

Hay nói cách khác, đó là một nhà nước với những mô hình hết sức kỳ dị, được khởi động bằng việc cưỡng bức nhân dân từ thành phố về nông thôn. Vậy đó là hành động tức thời hay là một nước cờ đã được tính toán từ trước? Sau này, câu hỏi trên đã được lý giải rất rõ ràng bởi các nhà báo, nhà phân tích chính trị quốc tế: Cuộc di tản này là kế hoạch đã có từ lâu.

Pol Pót (đi đầu) khi thành lập lực lượng Khmer Đỏ
Pol Pót (đi đầu) khi thành lập lực lượng Khmer Đỏ

Trong cuốn “Pôl Pốt” dày hơn 500 trang, tác giả Philip Short, người Anh, nguyên là phóng viên đài BBC và Times of London đã viết tóm tắt về cuộc phỏng vấn với Ieng Sary, một trong những lãnh tụ của Khơ-me Đỏ, sau ngày quy hàng.

Hắn khai, Pol Pốt và đồng bọn rút kinh nghiệm sự sụp đổ của Công xã Paris vào thế kỷ 19 là bởi giai cấp vô sản đã không hành quyền độc tài đối với giai cấp trưởng giả.

Thêm nữa, theo tài liệu nội bộ của Trung ương Đảng Cộng sản Khơ-me mà Short khám phá sau này, thì mục đích “làm trống đô thị” là nhằm bảo tồn và củng cố địa vị của cán bộ và quân lính Khơ-me Đỏ. Pol Pốt dự trù là chỉ sau 2-3 năm (khi dân di tản không còn vật dụng, tiền bạc mà họ mang theo) thì mọi người đều vô sản như nhau. 

Theo cuốn “Quốc tế quảng giác” xuất bản ở Trung Quốc, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6/1975, Pol Pot, kẻ tự xưng là “học trò của Mao Trạch Đông” đã đến thăm Chu Ân Lai đang ốm nặng.

Ông Chu khuyên không nên làm như thế. Pol Pốt và các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ hãnh diện tuyên bố: Những người cách mạng trên toàn thế giới có thể học được rất nhiều kinh nghiệm từ Campuchia, “Cách mạng ở bất cứ nước nào đều không thể thực hiện được sáng kiến của Campuchia là rút toàn bộ dân ra khỏi Phnom Penh”. 

Chân dung các đồ tể

Quyền lực tối cao trong tập đoàn phản động ở Campuchia tập trung hầu hết vào 5 tên: "anh Cả" Pôn Pốt, Tổng Bí thư từ năm 1963 tới khi chết; "anh Hai" Nuôn Chia (Long Bun-ruốt), "cánh tay phải" của Pôn Pốt; "anh Ba" Iêng Xa-ri, anh em đồng hao của Pôn Pốt; “anh Tư" Khiêu Xam-phon; "anh Năm" Tà Mốc (Chờ-hít Chờ-hun).

Pôn Pốt tên thật là Saloth Sar, sinh năm 1925 tại tỉnh Kompong Thom, Campuchia. Năm 1949, sau nhiều năm học tập không tốt và phải thi lại nhiều lần ở các cấp học tại Campuchia, Saloth Sar theo học kỹ sư radio ở Paris và gia nhập Đảng cộng sản Pháp.

Năm 1953, Pôn Pốt trở về Campuchia sau đó gia nhập Việt Minh. Là người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Khmer Đỏ, Pon Pốt tán thành một thứ tập hợp các triết lý cấp tiến, được gọi là Học thuyết "Anka", sửa đổi theo chủ nghĩa quốc gia Khmer.

Khmer Đỏ tán thành một xã hội ruộng đất hoàn toàn theo đó tất cả các phát minh kỹ thuật hiện đại đều bị cấm ngặt. Sau khi tìm hiểu về chế độ này, TS Gregory H. Stanton đã viết trong cuốn “Những chiếc khăn quàng xanh và những ngôi sao vàng”:

“Những người lãnh đạo chính của chế độ Pol Pốt đã đọc lý thuyết Marx của André Gunder Frank rằng các thành phố là những vật kí sinh vào nông thôn, rằng chỉ giá trị lao động là giá trị thật sự, rằng các thành phố chiếm đoạt giá trị thặng dư của những vùng nông thôn.

Vì thế, ngay sau khi chiếm được quyền lực, Khmer Đỏ sơ tán toàn bộ các thành phố theo hình thức ép buộc, gồm cả những người không nên đi sơ tán như các bệnh nhân trong bệnh viện và những đứa trẻ mới sinh"

Nuôn Chia sinh năm 1926 tại tỉnh Bát-tam-bang, là một người gốc Hoa. Khi tập đoàn Pôn Pốt thành lập Campuchia Dân chủ, y được người Campuchia biết đến với tên gọi "anh Hai", “nhà tư tưởng” thiết kế mô hình nhà nước, đồng thời là nhà đạo diễn “cánh đồng chết”.

Nuôn Chia được Pôn Pốt giao phụ trách công tác đảng và an ninh quốc gia từ năm 1960 khi y giữ chức Phó Tổng Bí thư Trung ương đảng. An ninh quốc gia ở đây chủ yếu là trừ khử những “thành phần chống phá cách mạng trong và ngoài đảng”.

Khi tập đoàn Pôn Pốt giành được chính quyền năm 1975, Nuôn Chia được làm Chủ tịch Quốc hội, có lúc làm Thủ tướng trong một tháng khi Pôn Pốt tạm nghỉ. Chính Nuôn Chia trực tiếp chỉ đạo quản tù tra tấn và hành quyết những cán bộ bị tình nghi chống lại Pôn Pốt bị giam cầm ở nhà tù Tuôl Sleng.

Iêng Xa-ri sinh năm 1925 tại tỉnh Trà Vinh, Việt Nam. Năm 1957, y tham gia Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, giữ các chức vụ chủ chốt trong Thành ủy Phnôm Pênh và Trung ương Đảng.

Năm 1963, Iêng Xa-ri được chỉ định vào Bộ Chính trị giữ vị trí thứ tư trong đảng đã đổi tên. Từ năm 1970 đến 1975, y là "cố vấn đặc biệt" bên cạnh Quốc vương  Xihanuc khi ở Bắc Kinh.

Sau ngày 17/4/1975, Iêng Xa-ri giữ chức Phó thủ tướng phụ trách đối ngoại trong chính phủ Campuchia Dân chủ. Cùng với Pôn Pốt, Iêng Xa-ri đã gây ra nạn diệt chủng khủng khiếp đối với nhân dân Campuchia sau này.

Khiêu Xam-phon sinh năm 1931, trong một gia đình nông dân, cha là người Khơ-me, mẹ người Hoa.

Sau cuộc đảo chính tháng 3/1970, y tuyên bố ủng hộ Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia do Xihanuc đứng đầu, được cử làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng trong Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia do Pen Nút làm Thủ tướng.

Năm 1976, y là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Nhà nước Campuchia Dân chủ. Khiêu Xam-phon được coi là kiến trúc sư của Campuchia Dân chủ.

Tà Mốc, tên thật là Chơ-hít Chờ-hun, sinh năm 1926 trong một gia đình nông dân tại tỉnh Takeo, miền Nam Campuchia. Trước năm 1975, y là ủy viên Quân ủy Trung ương, thường vụ Trung ương Đảng của tập đoàn phản động Pôn Pốt.

Tháng 7/1975, Pôn Pốt triệu tập đại hội các bí thư khu ủy để thống nhất quân đội và phân định lại ranh giới. Campuchia được chia ra làm 7 khu và Tà Mốc phụ trách khu Tây Nam.

Năm 1977, Tà Mốc lên nắm chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội và đóng vai trò chủ đạo trong một loạt vụ thanh trừng và gây ra nhiều vụ thảm sát. Là “anh Năm” trong lực lượng Pôn Pốt, Tà Mốc đóng vai trò quan trọng trong nạn diệt chủng khiến hàng triệu người chết.../.

Đọc thêm