Khói thuốc phiện tàn phá bộ tộc săn đầu người khét tiếng

(PLO) -Bộ tộc được nhắc tới có tên là Konyak, bộ tộc săn đầu người cuối cùng ở Ấn Độ và nay đang bị cái gọi là “thuốc phiện” hoành hành. Hơn 1/3 nguời dân bộ tộc hút thuốc phiện, trẻ em thì bị bỏ rơi không được quan tâm chăm sóc…

Ngôi làng Longwa nằm ở một khu vực heo hút, hẻo lánh, một bên là rừng rậm của Myanmar, một bên là những vùng đất nông nghiệp trù phú của Ấn Độ. Nơi đây được nhiều người biết đến, bởi là chốn nương thân của bộ tộc Konyak Naga nổi tiếng hung dữ.

Những chiến binh khét tiếng tán bạo

Đây là bộ tộc lớn nhất trong số 16 bộ tộc sống ở bang Nagaland heo hút, miền Đông Bắc Ấn Độ. Người dân bộ lạc Konyak Naga nổi tiếng là những chiến binh khét tiếng tàn bạo, chuyên chiến đấu với các làng xung quanh để giành đất đai và thể hiện sức mạnh quyền lực của mình. Chính vì vậy mà ngôi làng của người Konyak luôn nằm trên đỉnh núi, đỉnh đồi, một phần thể hiện vị trí của mình, phần khác là để dễ dàng quan sát, canh gác, nắm bắt và phát hiện động thái khi có kẻ thù tấn công.

Từ nhiều thế kỷ trước đây, việc đánh bại kẻ thù và mang đầu họ về được coi là một truyền thống của tộc Konyak Naga, mãi đến những năm 1940, tập tục man rợ này mới bị cấm.

Giết chết và lấy được thủ cấp của kẻ thù được coi là điều kiện cần để những bé trai chứng minh mình đã trưởng thành. Nếu một chiến binh đem bộ phận cơ thể của kẻ thù về, anh ta sẽ được xăm một hình lên người. Nếu đem đầu của kẻ thù về, người đó sẽ được xăm lên mặt. Khi đã có được 3 đầu, anh ta sẽ được xăm lên cổ để thể hiện chiến tích.

Vụ săn đầu người cuối cùng tại Nagaland là vào năm 1969. Hiện giờ, trong làng cũng chỉ còn có tộc trưởng và một vài già làng có những hình xăm trên mặt và họ cũng là thế hệ cuối cùng của tập tục man rợ này.

Những chiến binh thế hệ cuối cùng của bộ lạc săn đầu người Konyak.

Những chiến binh thế hệ cuối cùng của bộ lạc săn đầu người Konyak.

Trên những bức tường trong ngôi nhà của mọi gia đình người Konyak toàn là những đoạn xương trâu, hươu, lợn lòi, chim hồng bàng, bò Mithun (một loại bò chỉ được tìm thấy ở phía Đông Bắc Ấn Độ)… những thứ này được xem như những vật trang trí, thể hiện chiến tích săn bắn được truyền từ đời này sang đời khác. Không chỉ thế, ở cái thời bộ tộc Konyak còn duy trì thói quen săn đầu người, thủ cấp của kẻ thù cũng được treo lên. Nhưng từ khi chính phủ ban hành lệnh cấm, những đầu lâu xương sọ này được tháo gỡ và đem đi chôn cất.

Bộ lạc nằm giữa đường biên giới

Ngôi làng Longwa tồn tại từ trước khi đường biên giới thiết lập xác định giữa Ấn Độ và Myanmar năm 1970; do đó, người ta không biết phải phân chia ngôi làng là thuộc quốc gia nào. Các giới chức đã quyết định rằng đường biên giới sẽ chạy giữa ngôi làng, không làm xáo trộn cuộc sống của người dân bộ tộc. Ngày nay, làng Longwa nằm chính giữa đường biên giới hai nước, với một bên cột mốc viết bằng tiếng Miến Điện, còn bên kia là tiếng Hindu. Đặc biệt hơn, đường biên giới còn chạy ngang giữa ngôi nhà của vị trưởng làng, khiến nhiều người trêu đùa rằng, ông ăn kiểu Ấn và ngủ theo kiểu Miến.

Những ngôi nhà của người Konyak chủ yếu được làm từ tre, mái được lợp bằng dạ. Người Konyak xây dựng nhà rất rộng và chia thành nhiều ngăn với những mục đích khác nhau bao gồm phòng ngủ, phòng nấu nướng, phòng để cả gia đình ăn uống và phòng lưu trữ đồ. Theo đó, rau quả, ngô và thịt được treo trên bếp lửa đặt ở giữa nhà. Gạo, lương thực, thực phẩm chính thì được cất giữ trong những bồ tre lớn phía sau nhà. Những ngôi nhà cũng thể hiện nét văn hóa độc đáo của riêng người dân làng Longwa, nhưng ngày nay, một phần do hội nhập thế giới bên ngoài, nên những ngôi nhà được làm bằng xi măng, mái tôn đã xuất hiện và nằm xen kẽ với những ngôi nhà mái dạ. Điều này đã đánh dấu một sự thay đổi không thể tránh khỏi giữa quá khứ và hiện tại.

Người Konyak vẫn được quản lý bởi những vị tù trưởng được truyền từ đời này sang đời khác, và người dân gọi họ là “Angh”, còn ở một số làng khác thì sẽ theo quy tắc cả từng thủ lĩnh riêng của mình. Chế độ đa thê cũng là một trong những phong tục phổ biến nhất đối với các Angh, do đó người đứng đầu Longwa có thể có nhiều con với nhiều bà vợ khác nhau.

Ngôi làng Longwa nằm ở khu vực heo hút phía Đông Bắc Ấn Độ.

Ngôi làng Longwa nằm ở khu vực heo hút phía Đông Bắc Ấn Độ.

Người Konyak từng theo thuyết duy linh, tôn thờ các yếu tố thiên nhiên, cho đến cuối thế kỷ 19 khi các nhà truyền giáo Kitô giáo đến đây. Và tới cuối thế kỷ 20, khoảng 90% dân số ở bang đã chấp nhận và coi Kitô giáo là tôn giáo chính của họ. Ngày nay, hầu hết các làng ở bang Nagaland đều có ít nhất một nhà thờ Thiên chúa giáo. Ở làng Longwa, nhà thờ nằm trên một đỉnh núi rộng hớn, ngay bên dưới nhà của tù trưởng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Thiên chúa giáo đã khiến cho nhiều phong tục tập quán của người Konyak dần dần biến mất. Giờ đây, những truyền thống ấy chỉ còn xuất hiện trong những câu chuyện kể của những trưởng lão khi cả làng ngồi tụ tập, nhai trầu bên bếp lửa, điển hình của sự mai một là việc đào tạo các thanh niên trai tráng trở thành chiến binh. Ngoài ra, thói quen đeo đồ trang sức đính cườm nhiều màu sắc sặc sỡ cũng dần dần mai một. Trong quá khứ, tất cả từ nam giới đến phụ nữ Konyak đều đeo những chiếc vòng tay và vòng cổ rất cầu kỳ và tỉ mỉ. Họ còn có những sợi dây chuyền bằng đồng được đúc riêng cho nam giới, để thể hiện số đầu kẻ thù mà họ đã chặt được.

Nghiện thuốc phiện nặng

Những thay đổi trên không đáng nói bằng vấn nạn nghiện thuốc phiện nặng của ngôi làng này. Giờ đây, hình ảnh oai phong lẫm liệt của các chiến binh đã không còn nữa, thay vào đó là gần 1/3 người dân ở Longwa hút thuốc phiện, nhiều người phải bán đồ đạc trong gia đình để trả nợ cho thói quen của mình. Ví dụ điển hình là ông Takching đã hút thuốc phiện suốt 30 năm qua. Mỗi ngày ông phải mất 20 USD để mua thuốc nên đồ đạc trong nhà ông đều đội nón ra đi.

Thậm chí, tù trưởng hiện tại của làng là ông Tonyei Phawang cũng nghiện thuốc phiện nặng. Người đáng lẽ ra phải giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của bộ tộc thì cả ngày ông Phawang lại chỉ đắm mình mụ mị trong làn khói nâu.

Những chiến binh thế hệ cuối cùng của bộ lạc săn đầu người Konyak.
Những chiến binh thế hệ cuối cùng của bộ lạc săn đầu người Konyak.

Thực dân Anh đã mang thuốc phiện tới Longwa từ những năm 1940 và từ đó tới nay nó vẫn ám ảnh, hiện diện trong cuộc sống của người dân trong ngôi làng nhỏ này. Có thời điểm, 90% dân số Longwa sử dụng thuốc phiện. Dù gần đây con số này đã giảm xuống còn 30% nhưng nó vẫn ảnh hưởng cực xấu tới cuộc sống và các giá trị văn hóa của người dân nơi đây. Thuốc phiện phá vỡ cuộc sống gia đình và các giá trị truyền thống tại Longwa, trẻ em thì bị bỏ mặc và không được quan tâm chăm sóc. Phụ nữ tuy không nghiện hút, nhưng họ cũng phải dành nhiều giờ lao động ngoài các cánh đồng lúa và rau củ, vì thế, con cái cũng không thể ở bên họ thường xuyên.

Cuộc sống dân quê, phong tục tập quán xã hội của họ đã bị chất gây nghiện chết người kia hủy hoại suốt hàng thập kỷ qua. Không chỉ thế, trong khi chính quyền Ấn Độ tìm cách tiễu trừ nạn nghiện hút, thuốc phiện lại rất dễ kiếm ở Myanmar – nơi đứng thứ 2 thế giới về quy mô hoạt động sản xuất ma túy. Đó là nguyên nhân khiến vấn nạn của làng Longwa cho đến giờ vẫn vô cùng nan giải. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn mà không được giải quyết triệt để, thế hệ tiếp theo của bộ lạc một thời khét tiếng này có lẽ sẽ nhanh chóng bị hủy hoại.