Khốn khổ một tộc người bị ruồng bỏ

(PLO) - Tại Lễ công bố Giải thưởng Pulitzer lần thứ 100 vừa diễn ra tại ĐH Columbia (New York, Mỹ), nhóm 4 nhà báo của Hãng thông tấn AP đã đoạt giải phục vụ cộng đồng - hạng mục được đánh giá cao nhất - với loạt bài về thực trạng ngược đãi người lao động bị bắt làm nô lệ trên các tàu đánh bắt cá tại khu vực Đông Nam Á. 
Cảnh sát Myanmar bắt giữ con thuyền chở 200 người Rohingya vượt biên
Cảnh sát Myanmar bắt giữ con thuyền chở 200 người Rohingya vượt biên

Phần đông trong số những nô lệ khốn khổ trên hòn đảo Benjina (Indonesia) này là người Rohingya đến từ Myanmar – những người đang sống bên bờ vực, giữa ranh giới của sự sống và cái chết…

Người Rohingya là một tộc người theo đạo Hồi dòng Suni sống tập trung ở bang Rakhine, Myanmar từ nhiều thế kỷ nay nhưng bị coi là người nước ngoài, là di dân đến từ Bangladesh, không được công nhận là công dân của Myanmar. 

Một dân tộc khốn khổ

Myanmar là quốc gia Phật giáo, hầu hết người dân nước này đều theo đạo Phật, nhưng người Rohingya thì theo Hồi giáo, sự khác biệt rõ rệt về tôn giáo là một trong những nguyên nhân khiến người Myanmar không hoan nghênh họ. Theo một thống kê không chính thức, tuy là một dân tộc thiểu số, nhưng cộng đồng người Rohingya cũng có tới gần 1 triệu, phần đông sống ở vùng biên giới giữa Myanmar và Bangladesh.

Năm 1982, chính phủ Myanmar ban hành “Luật công dân Myanmar” mới, ghi rõ điều khoản từ chối thừa nhận người Rohingya là công dân Myanmar, coi họ là người Bangladesh. Vấn đề là chính phủ Bangladesh cũng không thừa nhận người Rohingya là công dân nước họ. Chính vì vậy, người Rohingya trở thành “khách không mời mà đến” không có quốc tịch, bị xua đuổi và bắt bớ ngay trên mảnh đất họ đã sinh sống từ bao đời nay.

Ông U Kyaw Kyaw Win, Thứ trưởng Bộ Dân số và Di dân Myanmar hôm 20/2/2013 khi phát biểu trước quốc hội nước này đã nói: “Trong cộng đồng hơn 100 dân tộc của Myanmar không có dân tộc Rohingya!”.

Người Rohingya không được kết hôn và sinh quá 2 con khi chưa được chính quyền cho phép. Được biết, người Rohingya bị kỳ thị, phân biệt đối xử như thế, ngoài khác biệt về chủng tộc và tôn giáo còn một nguyên nhân quan trọng nữa là một số phần tử quá khích trong cộng đồng người Rohingya có tư tưởng muốn thành lập quốc gia độc lập đã tổ chức đội quân vũ trang chống lại chính phủ Myanmar, gây ảnh hưởng đến an  ninh xã hội ở bang Rakhine.

Tình cảnh trên một con thuyền chở người Rohingya vượt biển tới Indonesia

Tình cảnh trên một con thuyền chở người Rohingya vượt biển tới Indonesia

Cũng có ý kiến cho rằng, thời thực dân Anh cai trị Myanmar, trong khi các dân tộc khác chống thực dân thì người Rohingya lại ngả theo chính phủ thực dân với hy vọng Anh Quốc sẽ cho phép họ thành lập chính phủ Hồi giáo tự trị. Sau khi Myanmar được độc lập, người Rohingya bị tính nợ, người Myanmar cho rằng người Rohingya theo đuổi tư tưởng ly khai, gây tranh chấp tôn giáo.

Người Rohingya không được làm việc hợp pháp, không được đi học hay mở công ty kinh doanh hợp pháp nên rất nghèo khổ, thường xuyên bị kỳ thị và áp bức. Sự kiện xung đột chủng tộc bùng nổ năm 2012 giữa người Rohingya và người Myanmar theo đạo Phật đã làm gia tăng thêm sự thù hận giữa người Myanmar và người Rohingya. Để tránh bị bức hại, tàn sát, một số lượng rất lớn người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Myanmar.

Không chốn nương thân

Phần lớn người Rohingya sống ở vùng ven biển thuộc bang Rakhine. Từ bang Rakhine có thể coi là cận kề với Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Malaysia.

Khi xem xét về điều kiện sống, các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã trở thành mục tiêu tìm đến của người Rohingya. Tuy nhiên, những người Rohingya vượt biển bằng thuyền tới các nước láng giềng của Myanmar đều không được chào đón, nếu không nói là bị xua đuổi. Báo chí từng đưa tin: Khi các con thuyền chở người Rohingya đi vào vùng biển Malaysia, sau khi cung cấp cho họ ít lương thực và xăng dầu, chính phủ Malaysia đã cho tàu kéo họ trở ra vùng biển quốc tế thay vì cho phép họ cập bến và định cư.

Bị lợi ích sai khiến, một bộ phận người Rohingya cũng bắt đầu móc nối với các thế lực tội phạm nước ngoài để bán rẻ đồng bào mình. Một số kẻ đã trở thành đại lý của các tập đoàn buôn người, bán đồng bào của họ ra nước ngoài để làm thuê.

Việc nhiều phần tử người Rohingya đứng sau thao túng hoạt động buôn người đã trở thành một bí mật được công khai. “Tôi cảm thấy rất đau lòng và hổ thẹn vì bản thân người Rohingya đã trở thành đại lý chủ chốt của các tập đoàn buôn người” – Ông Hassan, một người có uy tín trong cộng đồng người Rohingya nói với báo chí.

Bức ảnh chụp ngư dân người Rohingya bị nhốt trong lồng sắt ở Benjina, Indonesia

Bức ảnh chụp ngư dân người Rohingya bị nhốt trong lồng sắt ở Benjina, Indonesia

Hassan tiết lộ: “Họ đối xử tàn bạo với đồng tộc của mình như thế tất cả là vì tiền”. “Chính họ đã phụ trách xử lý việc xuất cảnh của những người Rohingya đến từ Bangladesh trước khi họ vượt biển trái phép đến các trại tập trung trong rừng ở biên giới Malaysia – Thái Lan”. Ông cho biết, những người vượt biên nào không chịu chi tiền đều bị bọn buôn người đối xử tàn bạo. Họ bị giam giữ và đánh đập cho đến khi người nhà chịu trả tiền, khi đó mới được chúng tổ chức vượt biên.

Ngày 2/5/2015, cảnh sát Thái Lan đã tìm thấy hài cốt của hơn 50 người di cư trong một khu rừng hẻo lánh ở miền Nam Thái Lan. Sau đó họ phát hiện một trại tập trung của bọn buôn người ở gần đó. Tất cả những hài cốt được vùi ở đó đều là những người Rohingya xấu số vượt biển từ Myanmar sang. Họ được bọn buôn người đưa tới vùng giáp giới giữa Malaysia và Thái Lan và giam giữ họ trong các lồng tre đợi đến khi bán họ với giá cao cho những kẻ buôn người Malaysia.

Phần lớn những nạn nhân này đều chết vì đói và bệnh tật. Khi bị cảnh sát Thái Lan phát hiện và tấn công, bọn buôn người đã nhanh chóng tháo chạy, bỏ lại những người Rohingya khốn khổ bị nhốt trong các lồng tre, có những người bị chết đã bị rữa nát, những người còn may mắn sống sót được đưa đến bện viện cấp cứu. Khoảng 200 binh sĩ quân đội và cảnh sát cùng lực lượng cứu hộ đã phải đi bộ hơn 1 giờ xuyên rừng mới đến được cứ điểm của bọn buôn người này. Cảnh sát địa phương cho biết, bọn buôn người đã giam giữ ở đó tới 300 người.

Chính phủ Indonesia cũng tổ chức truy quét bọn buôn người trên vùng biển của mình, nhưng các tổ chức cứu trợ nhân đạo lại chỉ rõ: hành động truy bắt của nhà đương cục Indonesia lại khiến cho các tập đoàn buôn người bỏ rơi các tàu thuyền, mặc cho những người vượt biển tự vùng vẫy giữa biển khơi. Israham, một thanh niên 19 tuổi may mắn sống sót kể: do thuyền trưởng bỏ thuyền trốn nên mấy chục người bị chết do đói khát và đánh lộn.

Anh ta kể lại hành trình hãi hùng của mình: một người đàn ông đến làng hỏi có ai muốn đi thuyền đến Malaysia không? Sau khi đám đông chen chúc trên con thuyền vừa chật chội vừa nóng nực, tên thuyền trưởng bắt đầu giở vũ lực và yêu cầu mỗi người phải nộp một khoản tiền. “Khi chúng tôi yêu cầu uống nước, thuyền trưởng đã dùng thừng quất, chúng tôi không còn sức mà chống đỡ”. Những người Rohingya vượt biển đến Malaysia cho biết, họ thường gom số tiền tích lũy của cả thôn lại để đổi lấy cơ hội cho một thanh niên được ra đi; nhưng số tiền chi phí cho 1 người vượt biên đã tăng từ 2 triệu Kyap 7 năm trước đây lên tới 18 triệu Kyap (350 triệu VND) hiện nay. 

Theo Cơ quan cứu trợ nạn dân của Liên hợp quốc (UNHCR), chỉ từ 2012 đến 2015 đã có hơn 120 ngàn người dùng thuyền chạy khỏi Myanmar đến các nước xung quanh; nhưng lại bị các nước đó rẻ rúng và không dang tay chào đón khiến họ tiến thoái lưỡng nan. Những người đã may mắn cập bến đều bị các nước tìm cách trả về nơi họ ra đi. Tuy nhiên, chính phủ Myanmar lại không cho phép họ quay về. Ông Bộ trưởng Thông tin Myanmar Yetta từng nói: “Phần lớn nạn nhân của bọn buôn người đều nói họ đi từ Myanmar, nhưng trừ phi có thể làm rõ được nhân thân của họ, không có cách nào để xác nhận những nạn dân đó đã đến từ Myanmar”.

Đã từng xảy ra sự kiện xung đột đẫm máu trên một con thuyền vượt biên trái phép trước khi cập bờ Indonesia. Những người Bangladesh và người Rohingya đã dùng dao, búa và gậy sắt đánh lẫn nhau làm ít nhất 100 người chết và bị vứt xuống biển. Vụ việc xảy ra khi con tàu đó bị thủy thủ đoàn bỏ lại, mấy trăm con người khốn khổ lâm vào tình cảnh cô lập giữa biển không được cứu giúp, cuối cùng đã đánh nhau vì tranh chấp lương thực và nước uống.

Những người vượt biển trái phép may mắn sống sót được đưa vào sống trong trại tập trung từ 3-6 tháng trước khi có thể tìm được một công việc vất vả như làm lao công khổ sai trên những con thuyền đánh cá. Trong suốt thời gian ở trại, mỗi tuần họ chỉ được tắm sông 1 lần; những người đàn ông nếu không trả đủ tiền môi giới đều bị đánh đập tàn bạo, còn những người phụ nữ thì bị đối diện với kết cục bị luân phiên hãm hiếp…