Không thể không nhượng bộ?

(PLO) - Ở lần thượng đỉnh thứ 3 giữa hai miền trên bán đảo, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên kể từ 65 năm nay đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc khi bước qua giới tuyến quân sự tại Bàn Môn Điếm. Đấy chắc chắn là một điềm tốt lành cho kết quả của cuộc gặp cấp cao liên Triều lần này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện đều trong tình trạng "bị áp lực" phải làm sao để cuộc gặp này thành công. Muốn được như vậy thì cả hai bên đều không thể không có những nhượng bộ rất cơ bản và rõ rệt mà xưa nay chưa bên nào sẵn sàng chấp nhận. Cuộc trao đổi này giữa hai người vì thế chắc chắn không dễ dàng gì.

Những chủ đề nội dung chính trên chương trình nghị sự là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, là sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, là chấm dứt tình trạng chiến tranh từ năm 1953 trên bán đảo và thay thế nó bằng hòa ước mới và là quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai nước trong tương lai. Mọi dấu hiệu đến thời điểm hiện tại đều cho thấy Triều Tiên và Hàn Quốc đều không chỉ sẵn sàng thảo luận về những chủ đề nội dung khó khăn nói trên mà còn quyết tâm cùng nhau đạt được mức độ đồng thuận quan điểm sâu rộng như có thể được.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Moon Jae-in
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Moon Jae-in 

Vì vậy, nhiều khả năng kết quả của cuộc cấp cao này sẽ pha trộn giữa thoả thuận cụ thể với tuyên bố chính trị chung chung, giữa biện pháp trước mắt với định hướng lâu dài. Ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in khó lựa chọn khác vì những trao đổi và thoả thuận của họ liên quan trực tiếp đến cuộc gặp sau đó giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như đến thái độ của Trung Quốc, Nga và Nhật Bản?!.

Dù kết quả có thế nào thì ý nghĩa của sự kiện cũng rất to lớn bởi bán đảo và khu vực hiện chẳng khác gì đang ở trước ngã ba đường: một lối hướng tới hoà bình và hợp tác, an ninh và phát triển còn ngả kia không chỉ dẫn trở lại quá khứ mà còn với nguy cơ căng thẳng và đối địch còn hơn trước.

Đọc thêm