Kim cương được tạo thành công trong phòng thí nghiệm, ở nhiệt độ phòng

(PLVN) - Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do Đại học Quốc gia Úc (ANU) dẫn đầu cùng với Đại học RMIT ở Melbourne, Úc hôm 18/11 cho biết, họ đã tạo ra hai loại kim cương ở nhiệt độ phòng bằng cách sử dụng áp suất cao tương đương với 640 con voi châu Phi giữ thăng bằng trên mũi giày ba lê. .
Nhà khoa học Xingshuo Huang từ Đại học Quốc gia Úc đang giữ chiếc đe kim cương mà nhóm đã sử dụng để chế tạo kim cương trong phòng thí nghiệm.
Nhà khoa học Xingshuo Huang từ Đại học Quốc gia Úc đang giữ chiếc đe kim cương mà nhóm đã sử dụng để chế tạo kim cương trong phòng thí nghiệm.

Các loại đá quý thường được tạo ra sau khi carbon bị nghiền nát và nung nóng bên dưới bề mặt Trái đất trong hàng tỷ năm. Đó cũng chính là lý do khiến chúng luôn được săn tìm, thèm muốn.

Giờ đây, các nhà khoa học ở Úc cho biết, họ đã đẩy nhanh quá trình tỉ năm này chỉ còn trong vài phút, và ở nhiệt độ phòng.

CNN cho biết, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã có thể tạo ra hai loại kim cương khác biệt về cấu trúc - một loại tương tự như loại thường được đeo trong đồ trang sức và một loại khác gọi là Lonsdaleite, được tìm thấy tự nhiên tại nơi có thiên thạch va chạm và cứng hơn hầu hết các loại kim cương.

Bản thân kim cương tổng hợp không phải là mới, và đã được tạo ra trong các phòng thí nghiệm từ những năm 1940 với nỗ lực tìm kiếm những viên đá rẻ hơn, hợp đạo đức và thân thiện với môi trường.

Nhưng các nhà nghiên cứu rất hào hứng khi tạo ra những viên kim cương như vậy ở nhiệt độ phòng, đặc biệt là kim cương Lonsdaleite cứng hơn, có tiềm năng được sử dụng để cắt các vật liệu "siêu rắn”.

Xingshuo Huang, nhà khoa học của ANU làm việc trong dự án, cho biết: “Tạo ra nhiều hơn nữa loại kim cương hiếm nhưng siêu hữu ích này là mục tiêu dài hạn của công trình này. Thật thú vị vì lần đầu tiên trong phòng thí nghiệm của chúng tôi có thể tạo ra hai loại kim cương ở nhiệt độ phòng."

Theo Jodie Bradby, giáo sư vật lý tại ANU, để tạo thành những viên kim cương, các nhà nghiên cứu đã áp dụng áp suất cực lớn để tạo ra một "lực xoắn hoặc lực trượt" khiến các nguyên tử carbon di chuyển vào đúng vị trí.

"Kim cương tự nhiên thường được hình thành qua hàng tỉ năm, khoảng 150 km (khoảng 93 dặm) nằm sâu trong trái đất nơi có áp suất cao và nhiệt độ trên 1.000 độ C (1832 độ F)", bà nói, "Bước ngoặt ở đây là cách chúng tôi áp dụng áp lực."

Dougal McCulloch, giáo sư vật lý tại RMIT, người đồng chỉ đạo nghiên cứu, và nhóm của ông sau đó đã sử dụng kỹ thuật hiển vi điện tử tiên tiến để lấy các lát cắt từ các mẫu thí nghiệm nhằm hiểu rõ hơn về cách chúng được hình thành.

Khi nhóm nghiên cứu các mẫu, họ tìm thấy các đường vân của cả kim cương thường và kim cương Lonsdaleite chạy qua.

McCulloch nói: “Thật đáng kinh ngạc khi lần đầu tiên nhìn thấy những 'dòng sông' nhỏ này của Lonsdaleite và kim cương thông thường. Điều đó thực sự giúp chúng tôi hiểu chúng có thể hình thành như thế nào".

Công trình có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney và Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, ở Tennessee, Mỹ.