Kỳ án khởi nguồn phong trào đấu tranh đòi dân quyền ở nước Mỹ

(PLO) - Bộ Tư pháp Mỹ vừa quyết định xem xét lại một vụ án vốn có tác động chính trị đối nội mang dấu ấn lịch sử đối với nước Mỹ. Vụ việc được coi là kỳ án vì nó khởi nguồn cho phong trào đấu tranh đòi dân quyền ở nước Mỹ với thủ lĩnh phong trào nổi tiếng nhất sau này là mục sư Martin Luther King.
Mẹ của Emmett Till bên quan tài con trai.
Mẹ của Emmett Till bên quan tài con trai.

Vụ việc xảy ra năm 1955. Chàng thiếu niên da đen Emmett Till khi đó mới 14 tuổi. Cậu từ Chicago đến thành phố Money thuộc bang Mississippi để thăm người thân. Cậu vào cửa hàng của cô Carolyn Doham để mua hàng. Những gì xảy ra trong đó được nhân chứng kể lại cho cảnh sát theo hai chiều rất khác nhau.

Một phía cho rằng là cậu ta đã huýt sáo chòng ghẹo cô Doham. Một chiều ý kiến khác là cậu ta chỉ phởn chí huýt sáo chơi. Đêm hôm ấy, người chồng của cô Doham và người em cùng cha khác mẹ của anh ta đã lùng sục đến tận chỗ của Emmett Till, bắt cóc cậu ta đi, tra tấn, hành hạ và rồi sát hại cậu ta. Cô Doham khai báo với cảnh sát là cậu nhỏ kia đã túm váy cô, chòng gẹo tán tỉnh cô.

Người mẹ của Emmett Till đã lựa chọn quan tài kiểu casket để mai táng con. Loại quan tài này không chỉ đắt tiền mà còn để mở. Chủ ý của người mẹ là để cho công chúng ở nước Mỹ và trên khắp thế giới thấy con trai bà đã bị hành hạ và sát hại như thế nào. Tạp chí Jet đã đưa lên trang bìa những bức ảnh về Emmet Till gây nên làn sóng phẫn nộ và xúc động rộng khắp ở nước Mỹ và cả trên thế giới. 

Vụ việc này giống như giọt nước làm tràn cốc khích lệ người da đen ở nước Mỹ đoàn kết thống nhất cùng kiên quyết đấu tranh vì dân quyền và nhân quyền cho mình. Mục sư Martin Luther King là nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của phong trào này và cũng vì thế mà bị sát hại.

Người chồng của cô Doham và người em cùng cha khác mẹ của anh ta bị bắt giữ và điều tra về tội giết người. Họ bị xét xử bởi một bồi thẩm đoàn toàn những người da trắng. Họ thú nhận tội nhưng lại không bị kết tội gì. Năm 2007, tòa án tuyên bố chấm dứt vụ việc vì hai người kia đã chết. 

Bộ Tư pháp Mỹ giờ lật lại kỳ án này bởi năm ngoái, nhà văn Timothy B. Tyson cho ấn hành cuốn sách Dòng máu của Emmett Till, trong đó có lời thú nhận của Carolyn Doham là đã nói dối cảnh sát về hành động của Emmett Till, tức là không hề có chuyện cậu chàng kia chòng gẹo hay quấy rối tình dục cô trong cái ngày định mệnh ấy năm 1955. 

Sau ngần ấy năm, Carolyn Doham giờ không còn sợ bị kết tội nữa vì tội nói dối cảnh sát không còn bị hồi tố. Chứng cớ mới bóc trần những sai phạm cũ và làm bộc lộ bản chất của vụ việc là luật pháp và tư pháp ở Mỹ thời ấy không chỉ dung túng mà còn bảo vệ và khuyến khích phân biệt chủng tộc, tước bỏ những dân quyền và nhân quyền của người da đen. 

Ý nghĩa lịch sử của vụ việc này đối với nước Mỹ làm cho bản thân nó trở thành vết nhơ đối với ngành tư pháp ở Mỹ. Vấn đề ở đây bây giờ không chỉ là xác định sự thật của vụ việc và trả lại công lý cho Emmett Till mà còn là gỡ gạc cho ngành tư pháp Mỹ. Một chuyện tưởng chỉ hình sự thuần tuý mà rồi trở thành dấu mốc lịch sử về chính trị đối nội ở nước Mỹ.

Đọc thêm