Lãnh đạo Italia, Pháp, Đức họp bàn về tương lai châu Âu

(PLO) - Các nhà lãnh đạo Italia, Pháp và Đức ngày 22/8 nhóm họp tại đảo Ventotene của Italia để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào tháng 9 tới. 
Thủ tướng Italia, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp Francois
Thủ tướng Italia, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp Francois

Theo AFP, cuộc gặp của Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel diễn ra ở đảo Ventotene của Italia. Trong một động thái mang tính chất biểu tượng, các nhà lãnh đạo của 3 nước này có phiên ăn tối làm việc và họp báo ở tàu sân bay Garibaldi của Italia – lá cờ đầu trong sứ mạnh chống buôn người ở Địa Trung Hải của EU có tên “Sophia”. 

Sau một loạt các vụ tấn công chết người do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra, 3 nhà lãnh đạo này dự kiến cũng sẽ bàn về các biện pháp để tăng cường hợp tác chống khủng bố cũng như một chính sách quốc phòng và an ninh tích hợp của EU – một mục tiêu mà EU từ lâu hướng đến.

Các bộ ngoại giao và quốc phòng Italia đã đề xuất tạo một thỏa thuận quốc phòng tương tự Schengen để đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ mở đường cho việc thành lập một lực lượng đa quốc gia được đặt dưới quyền chỉ huy của một cơ quan duy nhất và tham gia vào các nhiệm vụ cụ thể. 

Tuy nhiên, vấn đề được chú ý nhiều nhất tại cuộc gặp diễn ra 3 tuần trước hội nghị thượng đỉnh của 27 nước EU ở Bratislava tới đây sẽ là cách thức để đảo ngược lại xu thế gia tăng của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu sau sự kiện người Anh bỏ phiếu để nước này rời khỏi EU cũng như các biện pháp để củng cố sức mạnh của khối này. Đây là vòng họp 3 bên thứ 2 của ông Renzi, Hollande và bà Merkel. Trước đó, tại phiên họp đầu tiên diễn ra chỉ ít lâu sau cuộc bỏ phiếu hôm 23/6 của Anh, các nhà lãnh đạo này đã kêu gọi “một xung lực mới” cho EU.

Cuộc gặp diễn ra trong lúc các nhà phê bình đang đòi hỏi giới lãnh đạo EU “nói ít đi, làm nhiều hơn” để xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu khi một số nước có thể cũng sẽ tiến hành trưng cầu dân ý tương tự ở Anh, đặc biệt là Hà Lan. Theo các nhà phân tích, để đạt được một lộ trình phát triển cho EU sau khi Anh rời khỏi khối này đáp ứng điều kiện có thể chấp nhận với tất cả các bên là không hề dễ dàng, nhất là khi Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia đều tuyên bố sẽ vạch ra các kế hoạch của riêng họ để bớt phụ thuộc vào EU.