Lệ thuộc hay độc lập?

(PLO) - Nước Đức hiện không chỉ sôi động về việc Thủ tướng Angela Merkel không thành lập được Chính phủ liên hiệp mới mà còn cả về phán quyết của một tòa án ở thành phố Frankfurt/M. 

Tòa này bác bỏ khiếu kiện của một công dân Israel về việc bị Hãng hàng không Kuwait Airlines từ chối vận chuyển. Cáo buộc của bên nguyên là hãng hàng không kia đã phân biệt đối xử, không phải vì sắc tộc, tôn giáo hay văn hóa mà vì quốc tịch.

Chuyện xảy ra vào mùa hè năm ngoái. Người này đã mua được vé đi từ Frankfurt/M. sang Thái Lan. Mấy ngày trước thời điểm lên đường, người này nhận được thông báo của hãng hàng không kia là bị từ chối vận chuyển. Hãng hàng không Kuwait Airlines mời chào hãng vận chuyển khác nhưng người công dân Israel kia không đồng ý. Vụ việc bị đưa ra tòa vì thế.

Trong phán xử, tòa án ở Đức chấp nhận lời biện giải của hãng hàng không là việc vận chuyển công dân Israel bị pháp luật Kuwait cấm từ năm 1964. Kuwait và Israel không có quan hệ ngoại giao với nhau. Toà cho rằng không thể ép buộc hãng hàng không này vi phạm pháp luật hiện hành của chính quốc gia ấy.

Ở nước Đức, mọi chuyện liên quan đến Israel và người Do Thái đều luôn vô cùng nhạy cảm về chính trị và tâm lý, đều luôn như thùng thuốc nổ bất cứ khi nào cũng có thể nổ tung. Chính giới và dư luận dậy sóng phẫn nộ, cho rằng sự phân biệt đối xử vì quốc tịch này của hãng hàng không kia không phù hợp với mọi tiêu chí về các quyền cơ bản của con người trên nước Đức. Chính phủ Israel đã lên tiếng can thiệp. Bộ Ngoại giao Đức đã hứa sẽ can thiệp.

Ở đây có chuyện như thế nào mới phải giữa tư pháp và chính trị, có chuyện tư pháp độc lập hay lệ thuộc vào chính trị. Về pháp lý, chắc chắn không có gì đáng phải phê trách trong cách xử lý của hãng hàng không vì hãng này không có sự lựa chọn nào khác. Về chính trị thì phán xử ấy của toà không hợp ý giới chính trị. Xem ra, chuyện tam quyền phân lập đâu có dễ và thật cả ở nước Đức.