LHQ cân nhắc biện pháp bác quyết định của Mỹ về Jerusalem

(PLO) - Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ) đang xem xét một dự thảo nghị quyết, theo đó khẳng định bất cứ thay đổi nào về tình trạng của Jerusalem là không có hiệu lực pháp lý và phải bị hủy bỏ. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ công nhận thành phố trên là thủ đô của Israel.
Biểu tình phản đối quyết định của Mỹ ở Indonesia
Biểu tình phản đối quyết định của Mỹ ở Indonesia

Theo AFP, dự thảo nghị quyết nói trên do Ai Cập soạn thảo và có thể sẽ được HĐBA đưa ra bỏ phiếu sớm nhất là trong ngày hôm qua (17/12). Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh rằng Jerusalem là vấn đề phải được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán, đồng thời bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc về các quyết định gần đây liên quan đến tình trạng của Jerusalem” mà không nêu cụ thể về quyết định nào.

“Bất cứ quyết định và hành động nào ủng hộ việc thay đổi tính chất, tình trạng hay thành phần nhân khẩu học của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý, không có giá trị và phải bị hủy bỏ”, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh.

Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các nước không mở đại sứ quán ở Jerusalem, cho thấy quan ngại rằng chính phủ các nước khác có thể sẽ tiếp bước Mỹ. Ngoài ra, dự thảo nghị quyết này còn kêu gọi tất cả các nước thành viên LHQ không công nhận bất cứ hành động nào đi ngược lại các nghị quyết của LHQ về tình trạng của thành phố Jerusalem. Trước đó, một số nghị quyết của LHQ đã kêu gọi Israel rút khỏi khu vực mà nước này đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967 và tái khẳng định sự cần thiết phải chấm dứt việc chiếm đóng ở vùng đất này.

Dự thảo nghị quyết nói trên được đưa ra xem xét tại HĐBA LHQ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng này tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời khởi động quá trình đưa Đại sứ quán của Mỹ từ Tel Aviv về đây. Các nhà ngoại giao hiện cho rằng Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn nghị quyết nói trên trong khi hầu hết (nếu không phải tất cả), 14 thành viên HĐBA LHQ còn lại sẽ ủng hộ bản dự thảo.

Về phía Palestine, Palestine muốn một dự thảo nghị quyết có ngôn từ mạnh mẽ hơn, trong đó trực tiếp kêu gọi Chính phủ Mỹ hủy bỏ quyết định của mình. Tuy nhiên, một số đồng minh của Mỹ trong HĐBA LHQ như Anh, Pháp, Ai Cập, Nhật tỏ ra lưỡng lự trước việc đưa những ngôn từ mạnh vào dự thảo. Bên cạnh đó, theo các nguồn tin, với sự ủng hộ của các nước Hồi giáo, Palestine dự kiến sẽ chuyển sang vận động Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết bác bỏ quyết định của Mỹ nếu dự thảo được trình ra HĐBA LHQ bị Mỹ phủ quyết. 

Tuyên bố của ông Trump đã dấy lên những cuộc biểu tình và phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới. Mới nhất, ngày 17/12, khoảng 80.000 người Indonesia đã biểu tình phản đối quyết định của Mỹ. Cuộc biểu tình do Hội đồng Ulema Indonesia tổ chức và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cũng như một số tổ chức Hồi giáo khác ở Indonesia. Trong số những người tham gia tuần hành được tổ chức ngay cạnh Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia này có Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Indonesia Lukman Hakim Saifuddin và Thống đốc Jakarta.