Liên Hợp quốc kêu gọi chấm dứt bạo lực với người Rohingya

(PLO) - Liên Hợp quốc (LHQ) lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách ở Myanmar chấm dứt bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, khiến khoảng 400.000 phải bỏ trốn sang Banglasesh. Đồng thời cho rằng cộng đồng người Rohingya thiểu số đang phải đối mặt với nạn thanh lọc sắc tộc.
Người Rohingya tị nạn tại Myanmar
Người Rohingya tị nạn tại Myanmar

Theo CNN dẫn một tuyên bố trong tuần, LHQ kêu gọi nhà chức trách Myanmar ngừng các hoạt động quân sự tại Rakhine, hạ nhiệt tình hình trật tự an ninh, đảm bảo tính mạng thường dân…  và giải quyết vấn đề tị nạn. Ngoài ra, LHQ cũng kêu gọi Chính phủ Myanmar cho phép các nhân viên cứu trợ nhân đạo tiếp cận những người cần giúp đỡ tại bang Rakhine. Đây là tuyên bố chung đầu tiên của LHQ về  Myanmar trong chín năm qua và nhận được sự đồng thuận của cả Nga và Trung Quốc.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng tin tức về việc các lực lượng an ninh tấn công dân thường là “hoàn toàn không thể chấp nhận”. Khi được hỏi về việc liệu ông có tán thành ý kiến cho rằng người Rohingya đang bị thanh lọc sắc tộc hay không, ông Guterres cho biết  khi 1/3 cộng đồng người Rohingya đã phải trốn chạy khỏi đất nước này không thể “tìm được từ nào tốt hơn để mô tả tình trạng đó”. 

Ông Guterres nói thêm, người Rohingya cần phải được cấp quốc tịch hoặc ít nhất là một địa vị pháp lý cho phép họ có một cuộc sống bình thường, tự do đi lại, được tiếp cận với giáo dục, y tế và việc làm... “Tôi kêu gọi các nhà chức trách Malaysia chấm dứt các hoạt động quân sự, bạo lực, tôn trọng luật lệ và công nhận quyền của người Rohingya”, ông Guterres kêu gọi. 

Được biết, hơn 370.000 người Rohingya đã trốn sang Bangladesh để thoát bạo lực, trung bình gần 20.000 người/ngày. Nhiều phụ nữ và trẻ em trên đường chạy sang Bangladesh bị “đói và khát”. 

Hiện phía chính phủ Bangladesh cho biết họ đang mở rộng trại tị nạn Rohingya và làm tất cả để giúp đỡ nhưng “sức có hạn”. Đồng thời, Bangladesh cũng kêu gọi chính phủ Myanmar, cũng như cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Myanmar, yêu cầu nước này hồi hương người Rohingya từ biên giới Bangladesh.