Liệu có thể luận tội tổng thống Mỹ Barack Obama?

(PLO) - Cuối năm 2013, một nghị sỹ của Đảng Cộng hòa đã yêu cầu mở phiên luận tội đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama vì cáo buộc che giấu thông tin trong vụ Đại sứ Mỹ tại Libya bị ám sát. Tình huống này một lần nữa gợi lên câu hỏi: Liệu một tổng thống Mỹ có thể bị luận tội hay không? 
Richard Nixon buộc phải từ chức vì vụ Watergate
Richard Nixon buộc phải từ chức vì vụ Watergate
Lật lại trong lịch sử, từng có 3 đời tổng thống Mỹ bị Quốc hội luận tội. Cả 3 trường hợp đều xảy ra trong bối cảnh đảng đối lập với Tổng thống chiếm nhiều ghế hơn trong Quốc hội. 
1. Andrew Johnson và Đạo luật Bổ nhiệm
Andrew Johnson (29/12/1808 – 31/7/1875) là tổng thống thứ 17 của Mỹ, thuộc Đảng Dân chủ. Ông nắm quyền từ năm 1865 đến năm 1869, sau khi người tiền nhiệm Abraham Lincoln bị ám sát. Nhiệm kỳ của Johnson đúng vào thời gian cuộc nội chiến nước Mỹ kết thúc. Trước khi bị ám sát, Abraham Lincoln đã xây dựng một kế hoạch tái thiết các tiểu bang ly khai thua trận ở miền Nam. Ông lên kế hoạch ban hành lệnh ân xá chung cho những người tuyên thệ tuân theo các quy định về chế độ nô lệ liên bang. 
Johnson muốn tiếp tục thực hiện kế hoạch sau khi nhậm chức, tuy nhiên chính sách này xung đột với Quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế. Phe các nghị sỹ Đảng Cộng hòa cấp tiến trong Quốc hội muốn thành lập chính phủ quân sự và thực hiện các điều khoản nghiêm ngặt hơn tại các tiểu bang ly khai. Không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp dẫn đến mâu thuẫn ngày càng gay gắt. 
Xung đột bùng phát khi Johnson và Bộ trưởng chiến tranh Edwin Stanson, một đồng minh của các nghị sỹ Cộng hòa cấp tiến trong Quốc hội, tranh cãi quanh việc các sỹ quan quân đội ở miền Nam có được quyền kiểm soát cả các vấn đề dân sự. Cùng với đó, Quốc hội thông qua Luật tái cấu trúc nhằm hạn chế vai trò của Tổng thống đối với quân đội ở miền Nam. 
Tổng thống lập tức yêu cầu Stanton từ chức và đưa người khác vào thay thế. Loại bỏ Stanton là một quyết định chính trị quan trọng. Vì thế nên Quốc hội cấp tiến cáo buộc Johnson vi phạm Đạo luật Bổ nhiệm vì Tổng thống không thể sa thải một quan chức mà chưa được Quốc hội thông qua. Điều này trở thành cái cớ để Ủy ban Tư pháp Quốc hội lập hồ sơ luận tội Tổng thống từ tháng 6/1867. 
Ngày 24/2/1868, Tổng thống Johnson bị luận tội trước Hạ viện vì vi phạm Đạo luật Bổ nhiệm. Ngày 5/3, quá trình luận tội tại Thượng viện bắt đầu, kéo dài gần 3 tháng. Trong thời gian này, Johnson đã tích cực vận động để đạt được tuyên bố trắng án. Vòng cuối cùng, Thượng viện bỏ phiếu biểu quyết có kết tội Tổng thống hay không. 
Với tỉ lệ 35 phiếu có tội trên 19 phiếu không có tội, tức thiếu đúng một phiếu để đủ 2/3 số phiếu cần thiết có thể kết tội theo Hiến pháp, Tổng thống Johnson đã trắng án và không bị miễn nhiệm. Tuy nhiên, lịch sử vẫn coi Andrew Johnson là một trong những tổng thống tồi tệ nhất đã từ chối bảo vệ quyền của người Mỹ gốc Phi đấu tranh tại miền Nam.
2. Richard Nixon và vụ Watergate
Richard Milhous Nixon (9/1/1913 – 22/4/1994) là tổng thống thứ 37 của Mỹ, có nhiệm kỳ từ 1969 đến năm 1974. Ông này là người của Đảng Cộng hòa. Nhiệm kỳ của ông đầy chông gai và kết thúc không trọn vẹn vì vụ bê bối Watergate đầy tai tiếng. 
Watergate là tên một khách sạn tại Thủ đô Washington, nơi cảnh sát bắt được 5 tên trộm được cho là tay chân của Nixon đang đột nhập hòng do thám một văn phòng của Đảng Dân chủ vào ngày 17/6/1972. Tên của khách sạn đã được lấy để đặt cho một trong những bê bối lớn nhất trên chính trường Mỹ từ năm 1972 đến năm 1974 - thời điểm Mỹ tiến hành xâm lược Việt Nam. 
Chính quyền Nixon đã lạm dụng quyền lực, thực hiện các hành động phi pháp, thậm chí “thủ đoạn bẩn” để ngăn cản phong trào phản chiến và các hoạt động của Đảng Dân chủ đối lập. Các thủ đoạn này bao gồm nghe lén văn phòng của Đảng Dân chủ, quấy rối các nhóm hoạt động và một số nhân vật chính trị phản đối chiến tranh, cản trở điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)...
FBI đã lần ra manh mối của các chiến dịch do thám của Nixon khi thẩm vấn 5 tên trộm bị bắt, xác định được rằng chính những người thân cận và Ủy ban vận động bầu cử của Tổng thống Nixon đã tổ chức vụ đột nhập. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI bị Nhà Trắng cố tình che đậy. Đến tháng 7/1973, viên trợ lý làm việc tại Nhà Trắng là Alexander Butterfield khai ra rằng Nixon có một hệ thống ghi hình bí mật ghi lại cuộc trò chuyện và các cuộc điện thoại tại phòng Bầu dục. 
Luật sư Archibald Cox chuyên trách vụ Watergate yêu cầu tập hợp những băng đó nhưng Nixon lợi dụng đặc quyền Tổng thống từ chối tiết lộ và sau đó ra lệnh sa thải Archibald Cox. Tiếp sau đó, một đoạn ghi âm dài hơn 18 phút tại Nhà Trắng bị tiết lộ nhưng thư ký riêng của Tổng thống Rose Mary Woods đứng ra gánh trách nhiệm, Nixon vẫn tạm thoát tội. 
Cuối năm 1973, ngày càng nhiều người biểu tình yêu cầu phải luận tội Tổng thống Nixon trước hàng loạt bằng chứng không thể chối cãi. Nixon cũng đã mất phần lớn sự ủng hộ trong chính phủ của mình, kể cả từ phía các thành viên Đảng Cộng hòa, tuy nhiên vẫn từ chối mọi cáo buộc hành vi sai trái và tuyên bố sẽ không rời nhiệm sở. Ngày 10/10, Phó Tổng thống Spiro Agnew từ chức vì cáo buộc khác không liên quan tới Watergate khiến Nixon phải thay Chủ tịch Hạ viện Gerald Ford vào vị trí này.
Cuộc chiến xung quanh các cuốn băng ghi âm vẫn tiếp tục đến đầu năm 1974. Ngày 9/5, Ủy ban Tư pháp Hạ viện mở phiên luận tội Tổng thống được truyền hình rộng khắp cả nước. Tại phiên luận tội đầu tiên, tỉ lệ ủng hộ kết tội tổng thống cản trở công lý là 27/11. Ngay cả với kết quả đó, Nixon vẫn hy vọng giành chiến thắng thông qua việc bỏ phiếu tha bổng. Sau đó Nixon đã gặp Chủ tịch Quốc hội và được cho biết chắc chắn phải đối mặt với buộc tội vì chỉ có tối đa 15 nghị sĩ chuẩn bị bỏ phiếu tha bổng, thua xa so với 34 phiếu cần có để tránh bị cách chức. 
Trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất, ngày 9/8 Tổng thống Nixon từ chức sau khi đọc một bài diễn văn “sướt mướt” từ phòng Bầu dục. Trong bài diễn văn được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên cả nước ngày 8/8, Nixon vẫn không thừa nhận việc làm sai trái mà liệt kê những thành tựu của mình, cho rằng mình từ chức vì lợi ích của nước Mỹ. Bài diễn văn được coi như là một “kiệt tác” của người viết tiểu sử cho Nixon là nhà văn Conrad Black.
3. Bê bối Lewinsky của Bill Clinton
Toàn cảnh phiên luận tội Tổng thống Clinton tại Hạ viện Mỹ năm 1999
Toàn cảnh phiên luận tội Tổng thống Clinton
tại Hạ viện Mỹ năm 1999 
Là một nghị sỹ của Đảng Dân chủ, Bill Clinton là tổng thống đầu tiên sinh ra sau chiến tranh thế giới II lên nắm quyền, từng được kỳ vọng đại diện cho hình ảnh mới của nước Mỹ. Thế nhưng, 2 nhiệm kỳ của Bill Clinton vướng phải khá nhiều tai tiếng. Trong đó bê bối lớn nhất là cáo buộc xâm phạm tình dục, được gọi là bê bối Lewinsky. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông bị Hạ viện đưa ra luận tội khai man và cản trở việc thực thi công lý. 
Ngày 19/12/1998, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua luận tội tổng thống, khiến ông trở thành tổng thống thứ 3 tại nước này bị luận tội. Quá trình luận tội tiến hành dựa trên các cáo buộc ông Clinton đã nói dối về quan hệ của mình với cô sinh viên 22 tuổi Monica Lewinsky thực tập tại Nhà Trắng. Những tình tiết trong vụ bê bối với Lewinsky bị phanh phui trong vụ ông bị kiện quấy rối tình dục cô thư ký Paula Jones từ khi còn là thống đốc tiểu bang Arkansas. 
Luật sư độc lập Ken Starr sau khi thu thập các chứng cứ đã cáo buộc ông Clinton phạm luật khi liên tục khai man trong vụ việc quấy rối tình dục Paula Jones và cách thức ông xử lý bê bối tình dục với Lewinsky. Sau phiên điều trần của Tổng thống tại Ủy ban Tư pháp Quốc hội, với đa số phiếu thuận của các nghị sỹ Cộng hòa và cả một số ít lá phiếu từ nghị sỹ Đảng Dân chủ, Hạ viện Mỹ đã thông qua các cáo buộc nhằm vào ông Clinton.
Thượng viện sau đó tiếp tục bỏ phiếu để quyết định xem ông Clinton có được tha bổng cả 2 tội danh trên hay không. Tuy nhiên, quá trình luận tội thường xuyên bị ngắt quãng, được cho là do sự sắp đặt của tổng thống và những người thân cận hòng tạo lợi thế. Trước tiên, do các nghị sỹ từ chối nhóm họp trong giai đoạn chuyển giao 2 nhiệm kỳ nên phiên luận tội phải tạm dừng đến khi Thượng viện mới hoạt động trở lại. 
Lần này, ông Bill Clinton được Công ty luật Williams & Connolly đại diện bào chữa. Trong vòng bỏ phiếu lần đầu, tỉ lệ số phiếu là 55 vô tội/45 có tội với tội danh khai man, 50 vô tội/50 có tội với tội danh cản trở công lý. Vì cả 2 tỉ lệ trên đều không đạt yêu cầu quá 2/3 số phiếu theo quy định của Hiến pháp để có thể truy tố và phế truất Tổng thống nên phải tổ chức lại. 
Vòng bỏ phiếu cuối cùng diễn ra vào ngày 12/2/1999, Thượng viện nhất trí thông qua tha bổng cho ông Clinton khi tất cả nghị sỹ Dân chủ và một vài phiếu từ Đảng Cộng hòa đồng ý ông vô tội. Đổi lại ông này bị đình chỉ giấy phép hành nghề luật tại bang Ankansas 5 năm và xin rút khỏi đoàn luật sư tòa án tối cao dù chưa từng hành nghề luật tại đây. Về sau nhiều nghi ngờ dấy lên đó là kết quả sắp đặt do một tay phu nhân Tổng thống Hilary Clinton đứng ra dàn xếp. 

Đọc thêm