Lo nơi yên nghỉ cho người chết – nỗi kinh hoàng của người Bắc Kinh

(PLO) - Thị trường huyệt mộ ở các đô thị lớn Trung Quốc đã trở thành vấn đề “nóng” hơn cả việc lo chỗ ở cho người sống. Lo cho người đã quá cố một chỗ được yên nghỉ giờ đây đã trở thành nỗi kinh hoàng của người sống.  
Một nghĩa trang dành cho người Bắc Kinh ở Hà Bắc
Một nghĩa trang dành cho người Bắc Kinh ở Hà Bắc

Phóng viên báo điện tử “Jiemian” đã điều tra thì thấy, hơn 80% những người chuyên kinh doanh mộ táng trong các nghĩa trang có hộ khẩu Bắc Kinh.

Ở Bắc Kinh, mấy năm gần đây, giá huyệt mộ tăng chóng mặt, từ mấy chục ngàn vọt lên mấy trăm ngàn Nhân dân tệ (tệ) một cái. Các khu vực Tam Hà, Hoài Lai của tỉnh Hà Bắc kề cận Bắc Kinh cũng xuất hiện các khu nghĩa trang lớn chuyên kinh doanh huyệt mộ dành cho khách hàng Bắc Kinh bởi nếu chuyển người quá cố ra đây an táng có thể tiết kiệm được tới 75% chi phí so với ở Bắc Kinh.

Giá trăm triệu, không có mà mua

Do quỹ đất thu hẹp, thành phố Bắc Kinh đã siết chặt chính sách cung ứng đất đai làm huyệt mộ. Tháng 3/2016, thành phố ban hành “Quy hoạch phát triển ngành tấn táng 2016 – 2020”, quy định các nghĩa trang ở Bắc Kinh không được lập mộ theo kiểu truyền thống, những hợp đồng mộ tuyền thống hết hạn thuê đất không được thuê tiếp mà phải chuyển đổi thành kiểu “mộ táng sinh thái” tiết kiệm đất như “thụ táng” (trồng cây), “thảo bình táng” (trồng cỏ), “hải táng” (rải tro xuống biển)...

“Quy hoạch…” cũng đề ra các biện pháp khống chế xây dựng nghĩa trang như quy định chặt chẽ thủ tục sử dụng đất làm nghĩa trang: phải thông qua đấu thầu, đấu giá công khai để xác định quyền sử dụng đất. Trong tình hình đó, mấy năm gần đây nhiều khu nghĩa trang ở Bắc Kinh đã không còn huyệt mộ để bán.

Được biết, thành phố Bắc Kinh hiện có 33 nghĩa địa kinh doanh huyệt mộ hợp pháp, trong 10 năm tới sẽ không có thêm bất cứ khu đất nào để sử dụng làm huyệt mộ, các huyệt mộ đã thuê thời hạn sử dụng lâu nhất là năm 2050.  Tuy nhiên, do quan niệm truyền thống “nhập thổ vi an” nên đại đa số người dân Bắc Kinh vẫn không chấp nhận các hình thức an táng sinh thái mới mẻ, nhu cầu về huyệt mộ vẫn tiếp tục tăng cao.

“Cung không đủ cầu”, giá cả huyệt mộ ở Bắc Kinh tăng đến chóng mặt: chỗ bình thường cũng 40 - 50 ngàn tệ/cái (1 tệ=3.300 VND, tức 132 – 165 triệu VND), chỗ đẹp tới mấy trăm ngàn, thậm chí cả triệu tệ. Nghĩa trang Vạn An ở quận Hải Điện mới đây bán lô huyệt mộ cuối cùng quy cách 1m2/cặp với giá 338 ngàn tệ (1 tỷ 115 triệu VND), vậy mà khách hàng phải ghi danh xếp hàng đăng ký, rất khó mua.

Một nghĩa trang theo kiểu Thảo binh táng
Một nghĩa trang theo kiểu Thảo binh táng

Một huyệt mộ dành cho 2 người ở Triều Dương có giá khởi điểm 68 ngàn tệ (224,4 triệu VND), cao nhất 168 ngàn (554 triệu VND); một vị trí thụ táng kiểu mới cũng có giá từ 15 đến 25 ngàn tệ, “thảo bình táng” cũng phải 8.800 tệ.

Giá cả cao vọt ở nội thành Bắc Kinh khiến nhiều người phải chùn bước. Tại nghĩa trang Huệ Linh Sơn, ông Trương – một người đến tảo mộ - cho biết: Ông vốn định chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho cha mẹ, nhưng giá đất đắt quá, không thể mua nổi, hết hạn thuê đất 20 năm lại phải tính cách khác…

80% khách hàng là người Bắc Kinh

Do sức ép của “không còn đất” và “mua không nổi”, người dân Bắc Kinh bắt đầu hướng ra các khu vực xung quanh. Các khu vực Tam Hà, Hoài Hóa của tỉnh Hà Bắc nằm kề Bắc Kinh xuất hiện các khu kinh doanh nghĩa địa nhắm tới các khách hàng Bắc Kinh.

Do ưu thế về giá cả, giao thông thuận tiện nên đã thu hút đông đảo người dân Bắc Kinh đổ ra đây mua. Mấy năm nay, số nhà đầu tư đến Tam Hà, Toại Châu mua đất làm nghĩa trang kinh doanh huyệt mộ có tới 80% là người Bắc Kinh.

Dịp tết Thanh Minh vừa qua, nghĩa trang Linh Sơn Bảo Tháp ở chân núi Linh Sơn, thị xã Tam Hà, Hà Bắc đông nghịt người đến tảo mộ, bãi xe chật kín ô tô mang biển số Bắc Kinh. Một nhân viên ban quản lý nghĩa trang cho biết: Những ngày này bình quân mỗi ngày nghĩa trang đón 3000 khách từ Bắc Kinh; đúng ngày Thanh Minh (4/4/2017) số người đến tảo mộ lên tới trên 20 ngàn.

Linh Sơn Bảo Tháp là nghĩa trang được lập ra để phục vụ khách hàng Bắc Kinh, có diện tích 760 mẫu, có thể cung cấp 125 ngàn huyệt mộ táng và 50 ngàn vị trí đặt hộp tro cốt trong tháp. “80% khách hàng của chúng tôi là người Bắc Kinh; phần lớn họ chi 30 – 40 ngàn tệ (99 đến 132 triệu VND) để chọn lựa vị trí huyệt mộ” – ông Ngô Học Thành, người phụ trách bộ phận bán hàng của nghĩa trang nói.

Theo ông Thành, giá cả “mềm” và vị trí đẹp là ưu thế chủ yếu của nghĩa trang này. Giá mỗi chỗ đặt hộp tro trên tháp là 5 ngàn tệ (16,5 triệu VND); huyệt mộ rẻ nhất là 16,5 ngàn (54,5 triệu VND), cộng thêm chi phí cho lập bia khắc chữ, nghi thức phục vụ…tổng cộng khoảng 18 ngàn tệ (gần 60 triệu VND). Vị trí đẹp nhất cho một huyệt mộ đôi (dành cho 2 người) ở đây có giá từ 70 đến 80 ngàn tệ (231 triệu – 264 triệu VND).

Giá vị trí đẹp nhất ở đây cũng vẫn rẻ hơn nhiều so với chỗ bình thường ở Bắc Kinh. Theo thống kê, mỗi ngày nghĩa trang này đón khoảng 30 – 40 khách hàng từ các quận Triều Dương, Thuận Nghĩa và Phong Đài đến tìm mua nơi yên nghỉ cho người thân hoặc chuẩn bị sẵn cho chính bản thân họ.

Còn nghĩa trang Kinh Nam Ngọa Long ở Toại Châu, Hà Bắc thì hơn 50% khách hàng là người các quận Phòng Sơn, Đại Hưng và Thạch Cảnh Sơn của Bắc Kinh. Huyệt mộ ở đây cũng có nhiều loại; giá loại thường từ 8 đến 30 ngàn tệ/cái; loại trung, cao cấp có giá từ 40 đến 60 ngàn tệ/cái.

Hải táng
Hải táng

Yên nghỉ nơi đất khách sẽ là chuyện thường tình

“Nhập thổ vi an” là quan niệm tang táng truyền thống ở Trung Quốc. Những năm gần đây, do tài nguyên đất đai ngày càng căng thẳng nên số lượng nghĩa địa công ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… ngày càng ít dần và trở nên khan hiếm. Do tác động bởi quy luật thị trường, giá đất huyệt mộ ở các thành phố vừa và lớn ngày càng leo thang, chi phí tang lễ cũng ngày một cao, một số người khôi hài nói đến lúc “chết không có chỗ chôn”.

Năm 2015, Viện nghiên cứu 101 của Bộ Dân chính và Nhà xuất bản Văn hiến của Viện KHXH đã ấn hành cuốn “Sách xanh về tấn táng – Báo cáo về sự phát triển của ngành tấn táng Trung Quốc 2014-2015”, trong đó chỉ rõ: chi phí về huyệt mộ chiếm tới 87,5% tổng chi phí cho tang lễ của cư dân đô thị Bắc Kinh.

Cuốn sách cho biết: thời điểm đó chi phí cho 1 đám tang của người chết ở khu vực Bắc Kinh là 42.837 tệ (141,3 triệu VND), dân nội thị là 80 ngàn tệ (264 triệu VND). Sau 2 năm mức chi phí cho tang lễ đã tăng lên nhiều. Bà Đặng, một cư dân nói với phóng viên: trước đây bà đến nghĩa trang Huệ Kinh Sơn thăm mộ người thân thì thấy giá cả còn trong phạm vi chấp nhận được; nay giá mỗi huyệt mộ tăng thêm mấy chục ngàn tệ, thậm chí có chỗ tăng hơn trăm ngàn, làm sao mà mua nổi? 

Để giải quyết vấn đề, gần đây Bắc Kinh và các thành phố phát động sử dụng hình thức “sinh thái táng” tiết kiệm đất. Tháng 9/2016, Cục Dân chính và Cục Tài chính Bắc Kinh đã ban hành “Ý kiến về thực hiện trợ cấp khuyến khích sinh thái táng” nhằm dẫn dắt, khuyến khích dân thực hiện các hình thức tấn táng không hoặc ít chiếm đất, tốn ít tài nguyên như thụ táng, hải táng, chôn sâu, lưu tro cốt…

Sau đó, các nghĩa trang lớn ở Bắc Kinh đều đưa ra các hình thức mới mẻ như “thảo bình táng”, “thụ táng” (trồng cỏ, trồng cây trên khu đất có tro cốt người chết rồi lập bia ghi tên để tưởng niệm người quá cố). Thế nhưng do quan niệm truyền thống và giá cả “sinh thái táng” cũng khá cao, có vẻ trào lưu này không được hưởng ứng, người ta đổ xô đi mua huyệt mộ ở nơi khác để mai táng người quá cố. 

Thụ táng - hình thức an táng mới mẻ
Thụ táng - hình thức an táng mới mẻ

Ông Kiều Quán Nguyên, chuyên gia ở Hội tẫn táng Trung Quốc khi trả lời phóng viên “Jiemian” cho rằng: Trong bối cảnh huyệt mộ ở các thành phố vừa và lớn thiếu nghiêm trọng, giá ngày càng đắt, lại thêm khái niệm đô thị vành đai và giao thông thuận tiện, việc mai táng nơi khác sẽ trở nên bình thường, “đó là kết quả dưới tác động điều tiết của thị trường, không thể khác được”...