Maldives phá âm mưu đảo chính

(PLO) -Thất bại trong nỗ lực phế truất Chủ tịch Quốc hội Abdulla Maseeh Mohamed tại cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội hôm 27-3 của đảng đối lập Dân chủ Maldives (MDP) được coi là sự phá sản của âm mưu đảo chính do cựu Tổng thống Mohamed Nasheed giật dây. 
Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed
Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed

Bởi trước đó (26-3), ông Mohamed Nasheed (đang sống lưu vong ở Anh) tuyên bố thành lập liên minh với ông Maumoon Abdul Gayoom, anh Tổng thống đương nhiệm Abdulla Yameen, người đứng đầu đảng MDP trên danh nghĩa.

Nếu thành công trong việc phế truất Chủ tịch Quốc hội Abdulla Maseeh Mohamed, ông Mohamed Nasheed sẽ kiểm soát cơ quan này để sửa đổi Hiến pháp nhằm tạo điều kiện về nước tranh cử tổng thống vào năm tới.

Hơn 1 năm trước (7-2-2016), cảnh sát đã bắt các đối tượng âm mưu lật đổ Tổng thống Abdulla Yameen bằng cách làm giả lệnh bắt giữ ông.

Sau đó (31-8-2016), Chính phủ Maldives thông báo muốn bắt ông Mohamed Nasheed do không trở về nước để thụ án 13 năm tù sau khi chữa bệnh tại Anh. Quyết định kể trên được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin ông Mohamed Nasheed đã gặp các nhóm đối lập ở Sri Lanka (26-8-2016) để lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Abdulla Yameen. 

Theo giới truyền thông, sau khi ông Mohamed Nasheed bị tuyên 13 năm tù giam, Liên minh châu Âu và đảng MDP của cựu Tổng thống đã coi phán quyết của tòa là "bước thụt lùi" đối với nền dân chủ non trẻ của Maldives. Là Tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên của Maldives, nhưng ông Mohamed Nasheed đã bị tuyên 13 năm tù về tội liên quan tới khủng bố. Ông Mohamed Nasheed phải từ chức hồi tháng 2-2012 sau khi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần để phản đối lệnh bắt Thẩm phán Abdullah Mohamed.

Đến ngày 2-2-2015, cảnh sát đã bắt ông Mohamed Nasheed theo luật chống khủng bố. Hơn 3 năm trước (9-3-2014), Tòa án Tối cao đã sa thải và kết án Chủ tịch Ủy ban bầu cử Fuwad Thowfeek 6 tháng tù giam, sau khi ông chỉ trích các thẩm phán trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013.

Quốc hội đã phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao. Bởi ông Abdulla Yameen, lãnh đạo đảng Cấp tiến Maldives (PPM) được Tòa án Tối cao Maldives tuyên bố đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 9-11-2013, trong khi chỉ giành được 29,73% phiếu bầu, còn cựu Tổng thống Mohamed Nasheed nhận được 46,93% số phiếu.

Ông Abdulla Yameen trở thành Tổng thống thứ 6 của Maldives trong khi Tòa án Tối cao bị coi thiên vị và mâu thuẫn này kéo dài tới ngày nay. Một ủy ban của Liên hợp quốc từng đề nghị Tổng thống Abdulla Yameen phóng thích và bồi thường cho cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, nhưng bất thành.

Chủ tịch Quốc hội Abdulla Maseeh Mohamed
Chủ tịch Quốc hội Abdulla Maseeh Mohamed

Nhận chức được 3,5 năm (từ tháng 10-2013), Tổng thống Abdulla Yameen đã thay tới 3 Phó Tổng thống, sau khi bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính và Ngân khố Abdulla Jihad làm Phó Tổng thống hôm 22-6-2016.

Ông Abdulla Jihad được cử thay thế người tiền nhiệm Ahmed Adheeb, bị cách chức sau khi bị tình nghi liên quan đến vụ nổ trên tàu cao tốc chở Tổng thống Abdulla Yameen hồi tháng 9-2015. Ông Ahmed Adheeb được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống hồi tháng 7-2015, sau khi người tiền nhiệm Mohamed Jameel bị cáo buộc phản quốc.

Chỉ 3 tháng sau khi được bổ nhiệm thay thế Phó Tổng thống Mohamed Jameel, ông Ahmed Adeeb đã bị bắt (24-10-2015) vì bị cáo buộc có liên quan đến vụ mưu sát bất thành Tổng thống Abdulla Yameen hôm 28-9-2015. Bộ trưởng Nội vụ Umar Naseer là người thông báo vụ bắt giữ ông Ahmed Adeeb.

Trước khi ông Ahmed Adeeb bị bắt, Cảnh sát trưởng quốc gia Hussain Waheed đã bị Tổng thống Abdulla Yameen sa thải. Bộ trưởng Quốc phòng Moosa Ali Jaleel cũng bị sa thải (14-10-2015), và 2 trợ lý của Tổng thống Abdulla Yameen bị bắt vì có liên quan đến vụ nổ tàu cao tốc hôm 28-9-2015...

Cảnh sát Malaysia từng bắt nhiều người mang quốc tịch Maldives (28-10-2015) do tình nghi liên quan tới vụ ám sát hụt Tổng thống Abdullah Yameen. Theo giới chức Malaysia, cảnh sát chống khủng bố đã bắt 1 công dân Maldives làm việc tại nước này dưới danh nghĩa nhà đầu tư. Ngoài ra, 4 công dân Maldives khác (2 nam, 2 nữ) cũng bị bắt cùng thời gian kể trên.

Giới chuyên môn cảnh báo, những biến động chính trị ở Maldives, quốc gia với 26 hòn đảo, đang tạo không gian cho IS gieo rắc khủng bố, và những hậu quả nghiêm trọng khác. Bởi ở Maldives đang có 2 phái riêng biệt - một trung thành với Tổng thống Abdulla Yameen và một trung thành với cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb (chưa kể lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Nasheed)./. 

Đọc thêm